“Vua” nuôi cá lăng nha trên sông Tiền

Được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự giới thiệu, chúng tôi đến thăm “vương quốc” cá lăng nha của anh Trương Văn Điền – người được mệnh danh là “vua” nuôi loài cá này trên sông Tiền, bởi không chỉ nuôi cá thịt mà anh còn thành công trong việc nhân giống.

“Vua” nuôi cá lăng nha trên sông Tiền - image 4

Anh tâm sự, cũng như nhiều hộ nuôi khác trong vùng, trước đây gia đình anh chỉ nuôi cá tra, cá ba sa, cá điêu hồng v.v.. Tuy nhiên, nỗi lo sợ về giá cả bấp bênh của các loại cá này luôn canh cánh trong lòng anh. Trong một lần tình cờ đi tham quan tại các bè nuôi cá ở Đồng Nai, anh nhận thấy nuôi cá lăng nha trong lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Và như thế, với kinh nghiệm của người từng nuôi cá tra, anh tập tành ươm thử nghiệm giống cá này tại nhà.

“Thời điểm đó, cá giống lăng nha bố mẹ rất ít, tôi phải nhờ một người bạn ở Campuchia mua giùm 80 con giống. Mặc dù là dân trong nghề, đã có kinh nghiệm trong sản xuất giống, nhưng khi nhân giống sinh sản cá này tôi đã thất bại nhiều lần” – anh Điền tâm sự.

Tuy vậy, anh vẫn kiên trì nghiên cứu lai tạo, kết quả một năm sau mẻ cá lăng nha giống đầu tiên đã ra đời. Sau đó, anh Điền mạnh dạn đầu tư thả nuôi số cá giống đó tại các lồng bè của gia đình và cho lợi nhuận tăng từ 40 – 50% so với nuôi cá tra.

Cũng trong thời gian này, nhiều hộ nuôi cá bè đã tìm đến anh để học hỏi. Anh Điền sẵn lòng cung cấp giống và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cho các hộ có nguyện vọng phát triển loài cá này. Nhiều hộ nuôi cá ba sa, cá hú dần chuyển sang nuôi cá lăng nha. Nhờ thế mà, cá lăng nha đã trở thành đối tượng nuôi chính của nhiều nông dân vùng đầu nguồn của huyện Hồng Ngự.

Ông Huỳnh Văn Sơn, xã Phú Thuận B – một trong nhiều hộ nuôi được anh Điền hỗ trợ con giống và chia sẻ kinh nghiệm nuôi bộc bạch, nhận thấy cá lăng nha cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cá khác nên ông quyết định chuyển 02 bè cá trước đây nuôi cá điêu hồng sang nuôi cá lăng nha. Bên cạnh đó, ông tận dụng lượng cá hao hụt từ các bè nuôi cá điêu hồng để làm thức ăn cho cá lăng nha nhằm giảm chi phí.

Theo ông Sơn, lợi nhuận từ bè nuôi cá lăng nha cao hơn so với cá điêu hồng vì giá bán loại cá này cao hơn từ 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, hiện tại huyện có 04 xã gồm: Thường Phước 1, Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B đã nuôi loại cá lăng nha với sản lượng 500 tấn cá thịt/năm.

Riêng tại cù lao Long Phú Thuận, từ một vài lồng bè thả nuôi cá lăng nha vào năm 2010, đến nay có hơn 200 lồng bè thả nuôi loại cá này. Nhiều hộ thả nuôi kết hợp cá lăng nha với nhiều loại cá khác như cá tra, cá điêu hồng để tận dụng nguồn thức ăn cho cá.

Việc thả nuôi cá lăng nha mang lại lợi nhuận khá cho nhiều hộ dân khi giá cá luôn ở mức cao. Theo nhiều hộ nuôi, giá cá thịt nằm trong mức ổn định từ 60.000 – 100.000đồng/kg. Thị trường tiêu thụ cá lăng nha hiện nay rất nhiều tiềm năng, chủ yếu là cung cấp quán ăn nhà hàng, trong và ngoài tỉnh.

Với vị trí đầu nguồn, huyện Hồng Ngự đang có vị thế lớn để phát triển loại cá này, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ, định hướng phát triển để đạt hiệu quả cao hơn. Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết, thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ các hộ nuôi thương phẩm và các cơ sở sản xuất con giống áp dụng nuôi cá theo mô hình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng cá để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cũng khuyến cáo người dân không nên thả nuôi ồ ạt một loại cá lăng nha, mà có thể nuôi kết hợp với các loại cá khác để đạt hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Từ hiệu quả mô hình này, hiện gia đình anh Điền có thu nhập hàng năm gần 01 tỷ đồng. Từ 0,9ha diện tích ao hầm đã tăng lên 2ha; đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động, hướng dẫn hàng chục lượt hộ dân trong và ngoài huyện học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cá lăng nha.

Quy trình này cũng đã được Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh trao giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2013.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: “Vua” nuôi cá lăng nha trên sông Tiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *