Xây dựng mô hình nuôi chim Yến phục vụ đào tạo nghề

Nuôi chim yến trong nhà là nghề mới đầy tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức do người nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhằm phục vụ cho công tác đào tạo nghề, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã xây dựng thành công mô hình nuôi chim yến trong nhà, để từ đó có thể truyền đạt một cách trực quan các kỹ thuật nuôi chim yến đến với người học.

Xây dựng thành công mô hình

Theo một nghiên cứu của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, ở Việt Nam, ngoài chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus germani) sinh sống, làm tổ trong các hang còn có phân loài chim yến nhà (Aerodramus fuciphagus amechanus, Aerodramus fuciphagus Vestitus) sinh sống, làm tổ trong nhà với số lượng đàn ngày càng tăng. Hiện nay, phân loài chim yến này được phân bố ở hầu hết các địa phương từ Thanh Hóa đến Cà Mau, lên vùng Tây Nguyên và đặc biệt chim yến tập trung với số lượng khá lớn ở các tỉnh từ duyên hải miền Trung đến các tỉnh Nam Bộ.

Nói về triển vọng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, cho biết, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với các loài chim yến. Tuy nhiên, nghề nuôi yến trong nhà còn mang tính tự phát nên hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Với mong muốn khai thác tiềm năng từ nghề nuôi chim yến tại Phú Yên, từ năm 2011, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã xây dựng được mô hình nuôi chim yến trong nhà. Sau 5 năm hoạt động, bước đầu, mô hình này đã gặt hái được thành tựu khả quan.

Theo ThS Lê Xuân Sơn, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, phụ trách kỹ thuật mô hình nuôi chim yến tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, để có một căn nhà yến thành công ngoài việc biết cách quan sát hướng bay của đàn yến, mở lỗ ra vào và các lỗ liên phòng, còn phải chọn môi trường bên ngoài nhà yến hội tụ đủ các yếu tố phù hợp và môi trường bên trong nhà yến có các điều kiện sinh học gần với môi trường sống tự nhiên của chim yến. Cụ thể, vị trí có thể xây dựng nhà nuôi chim yến là nơi chim yến bay qua trên đường đi kiếm ăn và trên đường bay về tổ. Điều kiện quanh nhà nuôi chim yến thường gần ao, hồ, mặt nước; không có nhiều cây cao chắn tầm nhìn và vòng lượn; có những cây thấp thu hút côn trùng.

Sau khi đã lựa chọn được khu vực để đặt nhà yến, người ta lắp đặt phần kỹ thuật bên trong nhà yến như tổ giả, hệ thống phun sương, lối ra vào… một cách phù hợp. Cuối cùng, các kỹ thuật viên cho mở âm thanh để kêu gọi bầy đàn. Những âm thanh này phải dùng đĩa CD gốc để có âm thanh rõ ràng trong quá trình dẫn dụ chim; chỉ sử dụng loa treble, không dùng loa bass và âm thanh dẫn dụ chim phải được phát vào buổi sáng trước khi chim bay đi kiếm ăn và lúc chiều đàn chim bay về…

Xây dựng mô hình nuôi chim Yến phục vụ đào tạo nghề - ha160321 640x419ThS Trần Khắc Lễ (phải), Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên kiểm tra tổ yến sau khi thu hoạch – Ảnh: CTV

Đào tạo ngắn hạn nghề nuôi chim yến

ThS Lê Xuân Sơn cho biết: “Phú Yên là địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Để có cơ sở cho việc dạy nghề nuôi chim yến, chúng tôi đã nuôi thử nghiệm trước để nắm bắt kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi sau đó mới chuyển giao kỹ thuật cho người học. Cho đến nay, mặc dù quy mô của mô hình nuôi chim yến tại Trường cao đẳng Nghề còn khá khiêm tốn (khoảng 80m2) nhưng với số lượng yến hiện có ở mức hơn 1.000 cá thể thì tôi nghĩ, đây là cơ sở thuyết phục để chúng tôi đào tạo nghề nuôi chim yến cho người có nhu cầu”.

Năm 2011, khi trường lắp đặt hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến, chỉ 3 tháng sau, trong nhà yến đã có yến vào làm tổ. 6 tháng sau, hệ thống âm thanh dừng hoạt động và số lượng chim yến bắt đầu tăng đều hàng năm. Cụ thể, theo ThS Lê Xuân Sơn, mỗi năm, số yến vào làm tổ lại tăng 30% so với năm trước. Hiện tại, số lượng chim yến vào làm tổ đã hơn 1.200 cá thể. Sau đợt thu hoạch lần thứ nhất vào năm 2014, thời gian thu hoạch tổ yến dần rút ngắn lại là 6 tháng thu tổ một lần, sau đó là 3 tháng. Lần thu hoạch gần đây nhất, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã thu được 7kg tổ yến. Xét ở góc độ mô hình thực nghiệm, đây là sự thành công. Thế nhưng, vì quy mô nhà yến nhỏ, số lượng tổ yến chưa nhiều nên hiện nay, lượng yến thu hoạch được chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của cán bộ, công nhân viên nhà trường và việc thương mại hóa sản phẩm chưa được tiến hành rộng rãi.

Theo ThS Trần Khắc Lễ, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, với những kết quả mà mô hình đạt được cũng như qua quá trình kế thừa, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong suốt quá trình nuôi chim yến tại trường, từ tháng 3/2016, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên sẽ tuyển sinh trình độ sơ cấp nghề (thời gian học là 3 tháng) đối với nghề nuôi chim yến trong nhà để phục vụ những người có nhu cầu học trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Phú Yên

Thảo luận cho bài: Xây dựng mô hình nuôi chim Yến phục vụ đào tạo nghề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *