Để bảo vệ vườn cây ăn trái, trước mùa mưa lũ, bà con nên đôn cao đất liếp, gia cố đê bao chắc chắn.
Dùng cuốc ba răng xới mặt liếp cho xốp, sau đó rải phân nhằm giúp phân bón tiếp cận cây trồng dễ dàng hơn, hạn chế gây tổn thương rễ cây. Tu sửa lại mương máng, cống thoát nước; Cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.
Ngừng làm cỏ vườn từ cuối tháng 7 giúp đất không đóng váng, điều hòa dòng chảy. Để tránh hiện tượng rửa trôi thì cắt bớt cỏ, chỉ giữ lại gốc. Bà con có thể chọn loại cỏ họ hoà bản như cỏ sả hay cỏ rusi để vừa kết hợp cho đất liếp vườn được tốt, vừa tận dụng cho chăn nuôi. Để hạn chế cỏ dại nên dùng thuốc Gramoxone làm cháy bộ lá, giữ lại phần gốc làm thảm thực vật cho vườn cây được êm hơn.
Mùa mưa lũ, không nên bón phân hữu cơ cho cây vì sẽ dễ làm rễ cây thiếu không khí.
Chú ý giai đoạn này không nên bón nhiều phân đạm, vì phân đạm sẽ kích thích cây ra đọt non. Cũng không nên bón phân hữu cơ cho vườn cây vì phân hữu cơ sẽ làm tiêu hao nhiều oxy và khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không đủ oxy để hô hấp.
Ngoài ra, bón phân hữu cơ trong mùa mưa sẽ tiêu hao không khí trong đất và dễ làm cho rễ cây thiếu không khí. Việc bón phân vô cơ tùy theo từng giai đoạn của cây. Nếu cây đang mang trái thì cần nhiều đạm và kali, nếu cây đang trong giai đoạn thúc ra đọt thì cần nhiều đạm và lân. Để chống lại sự rửa trôi nên xới xáo nhẹ vườn trước lúc bón.
Rất cần thiết bón thêm 500kg vôi cho mỗi ha vì ngoài tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hoá giải các độc tố trong đất, việc bón vôi còn có ý nghĩa cung cấp canxi trực tiếp cho cây, chất lượng trái ngon hơn.
Có thể khắc phục hiện tượng thiếu vi lượng bằng cách sử dụng các muối sunphát ZnSO4, CuSO4, MnSO4, FeSO4,… Hòa với nước để phun lên lá với liều lượng 2g/lít (32g/bình 16 lít). Để chắc ăn thì nhà vườn phải tự tay thử với liều lượng tăng dần và quan sát phản ứng cây sau 3 ngày.
Nguồn: sưu tầm