Trước diễn biến phức tạp của dịch heo tai xanh, nhiều người tiêu dùng chuyển qua sử dụng thịt gà, vịt khiến giá cả liên tục tăng cao.
Gần 2 tháng nay, giá gia cầm thịt trên thị trường liên tục tăng, giúp người nuôi thu lợi cao từ nghề nuôi này. Giá gia cầm tăng cao, nhiều hộ nuôi muốn tăng đàn để kiếm lời; một số bà con khác trước đây chưa từng nuôi gia cầm, nay cũng nhảy vào mua gia cầm về thả nuôi ngay cả khi chưa có hoặc chưa chuẩn bị sẵn chuồng trại để nuôi, nhốt.
Đây là một cơ hội tốt để bà con chăn nuôi thành công tăng thu nhập nhưng cũng tiềm tàng nguy cơ thất bại do sự đe dọa của dịch bệnh làm mất trắng vì các lý do như sau:
– Sự tăng đàn đột ngột làm mật độ nuôi quá cao hoặc điều kiện chuồng nuôi không đảm bảo đều làm suy giảm sức khỏe của gia cầm
– Hiện nay mưa dầm kéo dài, điều kiện thời tiết luôn lạnh ẩm, sức đề kháng của gia cầm suy yếu dễ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm nhất là bệnh cúm gia cầm
– Theo quy luật phát sinh dịch bệnh trong tỉnh hàng năm bệnh cúm gia cầm thường hay xảy ra trong khoảng thời gian này.
Nhằm giúp người nuôi thành công tránh được dịch bệnh, xin được giới thiệu các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm.
Những biện pháp này rất dễ thực hiện và không tốn kém gồm những việc như sau:
Thứ nhất: Khi mua gia cầm giống về nuôi
Chỉ nên mua gia cầm từ những cơ sở giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, và chỉ chọn những gia cầm khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Cần phải hỏi rõ để biết giống gia cầm đã được tiêm phòng chưa và tiêm phòng những bệnh gì.
Cần lưu ý: nên nhốt riêng gia cầm mới mua về (cách xa đàn gia cầm nhà đang nuôi) và cho uống thuốc bổ trong vòng 10 ngày đến 15 ngày (bằng cách dùng nước sạch hoà với B.complex mỗi ngày cho uống 2 lần, sáng tối), khi thấy khỏe mạnh mới thả vào cùng đàn gia cầm nhà.
Thứ hai: Đảm bảo điều kiện chuồng nuôi và môi trường nuôi được vệ sinh
Trước khi nuôi:
Cần chuẩn bị tốt chuồng trại trước khi mua gia cầm về.
– Đối với gà nuôi thả trong sân vườn cũng cần phải có trại có mái che để gà trú nắng, mưa. Gà rất nhạy cảm với điều kiện lạnh ẩm. nếu bị mưa ướt gà rất dễ sinh bệnh.
– Mật độ nuôi cần vừa phải: nếu nuôi quá đông, gia cầm hay cắn mổ, môi trường quá ô nhiễm dễ phát sinh bệnh tật.
– Cần chú ý vệ sinh tiêu độc chuồng gia cầm, khu vực xung quanh chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa gia cầm vào nuôi.
Trong thời gian nuôi:
– Nên giữ cho chuồng nhốt gia cầm luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, không bị mưa tạt gió lùa.
– Sân thả gia cầm cần khô sạch sẽ, có hàng rào bao quanh.
– Nếu nuôi gia cầm có chất độn chuồng thì độn chuồng phải luôn khô ráo nên phơi nắng trước khi cho vào chuồng gia cầm.
– Cần định kỳ quét phân, thay chất độn chuồng, rắc vôi bột vào các nơi ẩm ướt, quét vôi chuồng nuôi, sân thả gia cầm, phun thuốc diệt muỗi, mò, mạt.
– Phân gia cầm, chất độn chuồng lẫn phân cần được gom và ủ để diệt mầm bệnh.
– Trong thời gian này cần định kỳ vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại (1 tuần 1 lần), sử dụng các loại hóa chất sát trùng như: cloramin, iodine, benkocid… để sát trùng chuồng, khu vực xung quanh chuồng, dụng cụ chăn nuôi… để giảm thiểu mầm bệnh.
Sau mỗi đợt nuôi:
Cần tổng vệ sinh sát trùng và để trống chuồng 7-15 ngày mới nuôi lứa khác để cắt đứt các loại mầm bệnh.
Thứ ba: Biện pháp cách ly để hạn chế lây lan bệnh
– Nên hạn chế người ra vào nơi nuôi gia cầm. Nếu có dịch bệnh xảy ra ở địa phương xung quanh thì không cho người ngoài đến. Người nuôi gia cầm không được đến nơi xảy ra dịch.
– Cần có biện pháp ngăn ngừa không cho gia cầm tiếp xúc với các động vật khác như chim hoang, heo, chuột….
– Thường xuyên loại thải những gia cầm gầy yếu ra khỏi đàn để tránh lây lan bệnh.
Thứ tư. Chủng ngừa
Đây là biện pháp chủ động phòng bệnh có hiệu quả nhất. Xin giới thiệu lịch chủng ngừa vacxin một số bệnh chủ yếu như sau:
+ Tiêm phòng vacxin dịch tả vịt đối với vịt, nhỏ mắt vacxin Lasota (bệnh Newcastle) đối với gà lần đầu lúc 7 ngày tuổi, lần 2 lúc 21 ngày tuổi.
+ Tiêm phòng vacxin bệnh cúm gia cầm (H5N1) cho cả gà và vịt lần đầu lúc 15 ngày tuổi, lần 2 lúc 45 ngày tuổi.
+ Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho cả gà và vịt lúc 60 ngày tuổi.
Nguồn: sưu tầm