Hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò, heo và gà thịt an toàn sinh học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận (gọi tắt là trung tâm) đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành. Sự thành công của dự án đã mở ra một hướng mới cho ngành chăn nuôi Bình Thuận.

Năm 2012 Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò, heo và gà thịt an toàn sinh học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” về Bình Thuận. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng TBKHCN Bình Thuận và Hội Nông dân tỉnh là hai đơn vị thực hiện dự án. Trung tâm đã xây dựng 5 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học gồm: Mô hình chăn nuôi bò thịt; mô hình trồng cỏ VA – 06 phục vụ chăn nuôi bò; mô hình chăn nuôi heo thịt; mô hình Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi heo; Mô hình chăn nuôi gà thịt.

Hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi an toàn sinh học - huong 1

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Bình Thuận

Dựa trên những đặc điểm thời tiết khí hậu ở Bình Thuận, trung tâm đã chọn 20 con bò lai sind từ 12 – 16 tháng tuổi để thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng an toàn sinh học. Với phương pháp nuôi nhốt kết hợp bán chăn thả cho bò vận động, thời gian vận động từ 2 – 4 giờ/ ngày. Bò được thả trên đồng vào buổi sáng, buổi chiều ăn cỏ cắt và thức ăn cám hỗn hợp tại chuồng. Ngoài ra còn được bổ sung các thức ăn khác như ngọn mía, dây khoai, rơm rạ, cỏ khổ, cỏ ủ chua và củ quả thay thế. Việc xây dựng chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc và điều trị bệnh thú y theo đúng quy trình của đơn vị chuyển giao. Sau 3 năm trọng lượng bò đạt từ 320 – 350 kg/con. Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho bò, trung tâm đã triển khai mô hình trồng giống cỏ VA – 06 với quy mô 1ha. Loại cỏ này có tốc độ sinh trưởng nhanh và nhiều chất dinh dưỡng hiện đang phát triển tốt, năng suất thu hoạch đạt cao nhất là 75 tấn/ha/lần thu hoạch. Vì vậy có thể đảm bảo được nguồn thức ăn sạch cho bò.

Hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi an toàn sinh học - huong di moi tu mo hinh chan nuoi an toan sinh hoc 640x412

Với mô hình chăn nuôi heo thịt, trung tâm đã chọn 200 con heo giống lai 3 máu. Loại heo này phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Với phương pháp nuôi nhốt, đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng, vệ sinh chuồng, nguồn nước uống sạch thường xuyên nên đàn heo phát triển khá tốt. Trọng lượng khi xuất chuồng của loại heo này đạt bình quân từ 85 – 100 kg/con. Tháng 3/2014, trung tâm đã nhận về 1.000 giống gà thả vườn Lương Phượng. Điểm mới của mô hình này là phân gà được xử lý bằng lớp đệm lót sinh học bên dưới không gây mùi hôi cho môi trường xung quanh. Lịch tiêm ngừa vaccine được trung tâm áp dụng nghiêm ngặt theo từng giai đoạn phát triển đúng quy trình được chuyển giao. Bên cạnh việc đảm bảo thức ăn giàu dinh dưỡng, trung tâm còn bổ sung thêm rau xanh hàng ngày cho gà. Đến nay đàn gà nuôi đang phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát và tỷ lệ sống đạt gần 100%, trọng lượng xuất chuồng đạt từ 2 kg/con trở lên.

Ông Huỳnh Tấn Phát, chủ nhiệm đề tài, cho biết:  Mô hình chăn nuôi bò, heo, gà an toàn sinh học đã thể hiện được nhiều ưu điểm so với cách nuôi thông thường như: Giúp cho người chăn nuôi nắm được cách kiểm soát đàn gia súc, gia cầm một cách an toàn, thường xuyên, từ đó chủ động trong công tác phòng chống bệnh tật cũng như xử lý tốt những sự cố xảy ra. Người nuôi cũng kiểm soát được đầu vào và đầu ra của con giống, thức ăn khoa học, hợp lý. Trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất nên đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Góp phần ổn định thu nhập cho người nông dân và phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Thảo luận cho bài: Hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *