Đó là thời điểm tháng 8 năm 2014, anh Lê Văn Hùng ở tổ 1, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái rời phố xá sầm uất vào gây dựng cơ sở chăn nuôi tại tổ 2, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.
Khu đất tìm được quả là ưng ý. Một khu đồi rộng 3,8 ha có chất đất màu mỡ, nguồn nước sạch tự nhiên, riêng biệt một mình và xa khu dân cư. Công việc chăn nuôi tại nơi ở mới không thể kể hết những bỡ ngỡ ban đầu vì quy mô lớn hơn rất nhiều chứ không chỉ là vài chục con. Dù khó khăn nhưng anh Hùng luôn xác định rõ ràng, chăn nuôi sẽ cho thu nhập cao. Hai vợ chồng đã nuôi úm đợt đầu tiên thành công với 500 con gà. Điều này càng củng cố thêm cho anh Hùng “quyết tâm làm là thắng” với một niềm phấn chấn, tin tưởng.
Thật may mắn, trong lần đi thu mua trứng quanh xóm, chị Hoa gặp một cán bộ của Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái. Biết ý định của chị Hoa, cô cán bộ này đã nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ vợ chồng anh chị quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học từ khâu chọn mua giống, thức ăn, làm đệm lót trấu…
Hiện nay, anh Hùng nuôi giống gà ri Lượng Huệ – Hải Phòng và giống gà Minh Dư – Bình Định. Hai giống gà anh chọn nuôi là phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, có chất lượng thịt thơm ngon.
Nguồn thức ăn cho gà, anh Hùng đã theo dõi sát sao từng lứa gà nuôi và sau hai lần chuyển đổi để lựa chọn hãng thức ăn phù hợp nhất. Anh nói rằng, thức ăn cho gà vô cùng quan trọng và khi chọn được thức ăn phù hợp nhất thì hiệu quả chăn nuôi mang lại vô cùng rõ rệt. Nhờ có nguồn nước tự nhiên hết sức dồi dào, anh Hùng đã xây bể lọc, đưa nước về téc rồi dẫn về tận chuồng nuôi, sử dụng thoải mái theo yêu cầu. Nước sạch cũng là một trong các yếu tố giúp cho quá trình chăn nuôi của gia đình anh Hùng bảo đảm an toàn vệ sinh, sạch sẽ cho đàn gà có số lượng lớn.
Trong quá trình chăn nuôi, anh Hùng đã áp dụng kỹ thuật làm đệm lót chuồng nuôi gà trực tiếp trên nền bằng việc rải trấu và rắc men vi sinh. Kỹ thuật này đã giúp vợ chồng anh giảm tối đa công dọn chuồng, môi trường chăn nuôi không bị ô nhiễm, gà không mắc bệnh, chất lượng đàn gà bảo đảm hơn. Lớp trấu rải chuồng sau khi gà xuất bán hết được tận dụng ủ gốc cây rất tốt và bán cho các địa phương có nhiều diện tích trồng cây ăn quả. Đồng bộ cho cả hệ thống chuồng trại, gia đình anh đã đầu tư xây dựng hầm bi-ô-ga, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm chi phí chất đốt sinh hoạt thường ngày.
Công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, tiêm vắc-xin định kỳ cho đàn gà và phun khử trùng đối với xe ô tô đến thu mua gà được anh Hùng tuân thủ nghiêm ngặt để ngăn ngừa đến mức tối đa mầm bệnh có cơ hội phát triển. Anh Hùng cho biết: “Việc thực hiện quy trình chăn nuôi gà bảo đảm an toàn thực ra không có gì quá phức tạp hay khó khăn. Xét đến cùng, tất cả các công đoạn, các khâu đó cũng là nhằm đến mục tiêu người chăn nuôi có sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đương nhiên sẽ có thu nhập cao nhất và mức lợi nhuận xứng với công sức đã bỏ ra”.
Từ 500 con gà đầu tiên rồi đến 1.000 con, 2.000 con và cao điểm nhất là 5.000 con, vợ chồng anh Hùng đã thu về những kết quả tốt đẹp như mong muốn khởi đầu. Chất lượng sản phẩm tốt, uy tín ngày càng cao, thị trường tiêu thụ dành cho đàn gà của anh Hùng luôn ổn định. Dự định của anh chị sẽ phát triển quy mô chăn nuôi gà tới 1 vạn con và cứ là “nếu có lãi thì mở rộng thêm”. Nhìn lại những tháng năm gian khó đã đi qua trong cuộc đời, anh Hùng, chị Hoa thêm trân trọng cuộc sống đang có bởi sự nỗ lực, quyết tâm và sức mạnh thuận vợ thuận chồng.
>> Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học
– Nuôi khép kín với từng trại (trong mỗi trại chỉ có một giống gia cầm và cùng độ tuổi; đối với gia cầm giống nên có các khu vực nuôi dành cho các lứa tuổi khác nhau).
– Kiểm soát dịch bệnh theo từng khu vực trong trại. Sử dụng con giống an toàn.
– Nuôi cách ly gia cầm mới nhập trại (trong trường hợp nuôi nhiều đàn, nhiều lứa).
– Phòng bệnh bằng vắc-xin. Xét nghiệm định kỳ, giám sát sự lưu hành các loại mầm bệnh.
– Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại trong thời gian nuôi và sau mỗi đợt nuôi.
– Xử lý chất thải (bằng biogas hoặc ủ), tiêu hủy gia cầm ốm, chết.
– Kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển ra, vào trại. Chống sự xâm nhập của động vật bên ngoài.