Dự án đã mang lại kết quả khả quan trên 6 loại rau quả đặc trưng của Lâm Đồng là dâu tây, cà rốt, khoai tây, actisô, cải thảo và súp lơ.
Sau gần 3 năm nghiên cứu thử nghiệm, GS-TS Trần Kim Qui cùng các đồng sự của mình đã ứng dụng thành công dự án “Hoàn thiện công nghệ bảo quản rau quả tươi xuất khẩu” của Hiệp hội Rau quả Đà Lạt và được Hội đồng nghiệm thu của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng vừa xếp loại khá. Điều đặc biệt ở đây là các chất bảo quản rau tươi theo công nghệ mới này được điều chế từ nguồn oxy không khí, nước đun sôi, vỏ tôm cua phế phẩm…
Phương pháp bảo quản rau quả tươi xuất khẩu được thực hiện theo quy trình: Sát trùng bề mặt rau quả bằng dung dịch ozon; dùng màng bán thấm để giảm lượng nước bốc hơi làm héo úa rau quả; đun nước sôi quá nhiệt để “chần” rau quả; điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ bảo quản… Dự án đã mang lại kết quả khả quan trên 6 loại rau quả đặc trưng của Lâm Đồng là dâu tây, cà rốt, khoai tây, actisô, cải thảo và súp lơ.
Quy trình bảo quản actisô, súp lơ và cải thảo rất dễ làm. Trước tiên rửa sạch, chần hơi nước sôi ở nhiệt độ 100 độ C từ 1 phút đến 5 phút. Tiếp theo dùng dung dịch bão hòa nơi cắt cuống và phun đều xung quanh thân rau. Cuối cùng đưa vào kho lạnh ở nhiệt độ từ 0-2 độ C; độ ẩm từ 90- 95%. Sau 30 ngày kiểm tra, chất lượng sản phẩm chỉ bị hư hỏng với tỉ lệ 9 % đến 10%. Riêng cây súp lơ phải rải một chất bột làm giảm nhanh quá trình thối nhũn của rau. Ba loại rau, quả còn lại là quả dâu tây, củ cà rốt và củ khoai tây với cách thức bảo quản cũng khá dễ dàng. Quy trình đầu tiên là ngâm vào dung dịch ozon trong 5 phút với nồng độ thích hợp. Với củ khoai tây và củ cà rốt thì bước tiếp theo là đưa vào kho lạnh ở nhiệt độ 0-2 độ C rồi rải đều bột khử chất ethylen chứa trong túi vải thưa loại 3 gam . Sau thời gian bảo quản 3 tháng, tỉ lệ hư hỏng của 2 loại củ này chỉ từ 3% đến 4%. Với quả dâu tây, sau khi được ngâm trong dung dịch ozon, tiếp tục chần nước sôi khoảng 3 phút; phun đều dung dịch chitosan để tăng khả năng sát khuẩn, tránh rau quả tươi bị nấm mốc, mất nước. Công đoạn cuối cùng là bảo quản vào kho lạnh từ 0 độ – 2 độ C (độ ẩm từ 90- 95%) sau 30 ngày, tỉ lệ quả dâu bị hư hỏng chỉ bằng 6%.
Công đoạn của quy trình bảo quản 6 loại rau quả tươi vừa nêu chỉ tốn chi phí mỗi tấn từ 110 ngàn đồng đến 215 ngàn đồng. Chi phí rẻ như vậy là nhờ các chất bảo quản rau tươi hầu hết được điều chế từ các chất có sẵn trong tự nhiên (không khí, nước…) và các chất phế phẩm (vỏ tôm cua…). Hơn nữa thiết bị điều chế đều đơn giản, được sản xuất trong nước với giá thành khá “bình dân”. Chẳng hạn Ozon được điều chế từ oxy không khí qua 2 cực điện thế của máy 0zonator chỉ bằng chiếc va li gọn nhẹ, lắp đặt ngay tại nơi bảo quản rau tươi. Sau khi diệt nấm mốc và vi sinh vật gây bệnh, ozon tự phân hủy trở lại thành oxy không khí. Còn chất dung dịch có tên chitosan – dùng phun đều để cản trở sự hô hấp mất nước của rau quả – được điều chế từ vỏ tôm cua…
Hiệp hội rau quả Đà Lạt đang lên kế hoạch chuyển giao công nghệ điều chế, sử dụng chất bảo quản rau tươi trên diện rộng cho nông dân Đà Lạt; sau đó sẽ mở rộng ra các vùng chuyên canh rau Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương…Hai đơn vị kinh tế đã áp dụng khá hiệu quả công nghệ này là Công ty TNHH Hồng Phù (Xuân Thọ, Đà Lạt) và Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Quận I, TPHCM).
Theo www.dalat.gov.vn