Cách chăm sóc vật nuôi mùa nóng

Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong chuồng nuôi cao, vật nuôi thường có biểu hiện mệt mỏi, bỏ ăn. Để hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi cần có chế độ cho ăn hợp lý.

Chế độ dinh dưỡng với gia súc

Cho ăn tăng các loại thức ăn xanh, như rau cỏ tươi, củ quả và các loại vitamin, tăng cường chất đạm; giảm thức ăn tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn. Đảm bảo thường xuyên có đủ nước sạch để gia súc uống. Đảm bảo cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh (trâu, bò 15 – 35 kg/con/ngày) và bổ sung thức ăn tinh (1 – 2,5 kg/con/ngày). Bổ sung muối ăn cho trâu, bò với lượng 20 – 30 g/con/ngày; cho lợn 10 – 15 g/con/ngày.

Những đợt nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp, thường cho ăn vào ban ngày, đặc biệt vào buổi trưa chuyển sang ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày. Đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Tốt nhất nên lắp các thiết bị cấp nước chủ động để đảm bảo chất lượng nước luôn được sạch sẽ. Một ngày nắng nóng bò sữa có thể uống 30 – 40 lít nước; trâu, bò thịt 20 – 30 lít nước, lợn 10 – 20 lít nước.

Để chống stress cho gia súc những ngày nắng nóng cần bổ sung vào nước uống Vitamin C, các chất điện giải hoặc nước pha muối với nồng độ 1 – 1,5% (10 – 15 g muối/lít nước uống).

Đối với bò sữa bổ sung thức ăn xanh, cỏ ủ chua (3 – 5 kg/con/ngày) là tốt nhất. Có thể áp dụng việc bổ sung urê cho bò sữa nhằm mục đích bổ sung chất đạm vô cơ. Cho trâu bò ăn rơm ủ urê hoặc dùng urê với lượng 2 – 3 g/10 kg khối lượng cơ thể bò. Hòa tan urê với nước vảy vào cỏ hoặc rơm cho trâu, bò ăn 2 – 3 lần/ngày. Lưu ý, không hòa tan urê với nước cho trâu, bò uống trực tiếp sẽ gây ngộ độc.

Số lượng máng ăn, máng uống trong mùa hè cũng cần được tăng cường thêm để đảm bảo cho trâu, bò ăn uống đầy đủ.

Chế độ cho ăn với gia cầm

Bố trí khẩu phần ăn có chất lượng tốt, giàu năng lượng và hạn chế tinh bột để giảm sản sinh nhiệt. Cho gia cầm ăn vào lúc trời mát hoặc ban đêm để tăng khả năng sử dụng thức ăn. Bổ sung vitamin và các chất điện giải vào nước uống nhằm tăng sức đề kháng. Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex, đặc biệt là Vitamin C, chất điện giải… cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vaccine dịch tả, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập.

Với gia cầm đẻ trứng nên cho ăn bổ sung thêm canxi cải thiện năng suất và chất lượng trứng. Nên cho ăn nhiều vào lúc sáng sớm và chiều tối. Cho gia cầm uống các loại vitamin và các chất điện giải như Bcomplex để tăng cường sức đề kháng, bằng cách pha thuốc vào nước uống. Hạn chế vận chuyển gia cầm khi trời nắng nóng.

Tăng số lượng máng uống, cung cấp đủ nước mát, sạch cho gia cầm uống tăng giúp giảm nhiệt độ cơ thể. Cho gia cầm ăn thức ăn chất lượng tốt, bảo đảm không thiu mốc.

Đối với gà đẻ tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh như rau muống, bèo… sử dụng cám chất lượng tốt.

Riêng đối với gà trống hậu bị nuôi công nghiệp trên nền đệm lót cần khống chế lượng nước uống hàng ngày bằng khoảng 2 lần lượng thức ăn trong ngày.

Một số thức ăn thích hợp

Vỏ dưa hấu: Vỏ dưa hấu còn tươi cắt thành miếng nhỏ cho lợn, trâu bò ăn; vỏ dưa hấu có thể thái nhỏ cho gà ăn khoảng 50 g/con/ngày, chia làm 3 lần, buổi trưa cho ăn riêng vỏ dưa hấu, buổi sáng và tối thì trộn lẫn vào thức ăn của chúng, có thể tăng sức kháng nhiệt cho gà.

Dấm hoặc nước dưa chua: Cho lợn, trâu bò uống dấm hoặc nước dưa chua, sau một thời gian nhất định có thể khiến nhiệt độ cơ thể chúng hạ xuống; từ đó đạt được mục đích thanh nhiệt giải nóng cho vật nuôi. Tùy kích thước vật nuôi to hay nhỏ mà cho uống nước dưa chua 250 – 500 ml/lần/ngày.

Nước đậu nành, nước đậu xanh: Nước đậu nành có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, tùy vào cân nặng của lợn có thể dùng 20 – 50 g đậu tương chế thành canh cho lợn uống. Ngoài ra sử dụng nước đậu xanh cho vật nuôi uống, có tác dụng phòng chống nóng truyền thống. Lấy một lượng đậu xanh hợp lý, cho thêm 20 lần nước, nấu nhừ rồi để lạnh, nước thì cho vật nuôi uống, đậu cho chúng ăn.

Với trâu bò, khi thấy con vật quá mệt mỏi do cảm nắng, có thể dùng bột sắn, nước lá rau má, rau dấp cá để hòa nước cho vật nuôi uống.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Cách chăm sóc vật nuôi mùa nóng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *