3. Nuôi ngỗng thịt và ngỗng hậu bị
– Từ 1 tháng tuổi trở lên là ngỗng choai nuôi lấy thịt hay nuôi hậu bị để thành lập đàn mới hoặc bổ sung đàn ngỗng sinh sản.
– Nuôi ngỗng thịt nói chung đơn giản hơn vì lúc này ngỗng đã trưởng thành, chúng phàm ăn và chóng lớn, do đó rất thích hợp cho cách nuôi chăn thả.
– Ngỗng thịt có thể nuôi theo đàn đông khoảng 300 – 500 con, lứa tuổi trong đàn không nên chênh lệch nhau quá nhiều để cho ngỗng lớn đều và dễ tổ chức chăn thả.
– Nếu nuôi đúng vào vụ gặt lúa thì buổi sáng lùa ngỗng ra ngoài đồng để nhặt các hạt rơi vãi. Trông một đàn lớn cũng không vất vả lắm vì chúng không chạy nhanh và sục sạo khắp nơi như vịt, vì vậy có thể sử dụng lao động phụ như cụ già trẻ em. Vào vụ gặt thường không phải cho ngỗng ăn thêm gì, vì ngỗng ăn nhiều và phàm ăn, nhiều khi chúng ăn thức ănđầy lên tận hầu. Thế mà một giờ sau thức ăn đã vơi và chúng có thể kiếm thức ăn ngay. Khi thấy ngỗng ăn đã no nên lùa chúng vào nghỉ chỗ râm mát, có nước để uống và bơi lội. Ngỗng choai rất thích bơi lội và đùa giỡn dưới nước. đàn ngỗng được tắm đầy đủ thường thay lông bóng mượt.
– Nếu nuôi ngỗng choai không đúng vào vụ gặt thì sau khi chăn ở đồng bãi về cần cho ngỗng ăn thêm. Thức ăn cho thêm thường là lúa xấu, khoai lang băm nhỏ, sắn, bắp…..nếu ở gia đình nuôi với số lượng ít (khoảng 10 – 15 con)thì có thể tận dụng nước vo gạo trộn thêm thức ăn vào để chúng mò, nước vo gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin B1 rất cần cho ngỗng choai. Nhiều gia đình còn cho ngỗng ăn thêm bã rượu, bã đậu, cám heo…..cũng rất tốt.
– Tùy theo điều kiện chăn nuôi có thể kết thúc nuôi ngỗng thịt vào lúc 75 hay 90 ngày tuổi lúc này ngỗng được 3,5 – 4,2kg. Nếu ngỗng được nuôi dưỡng tốt chóng lớn thì có thể rút ngắn thời gian nuôi, vì ở 10 tuần tuổi có con đạt được 3,5kg nếu là ngỗng sư tử hay ngỗng cỏ và nặng 4kg nếu là ngỗng Rênan.
– Ngỗng hậu bị có thể chọn ra từ đàn ngỗng thịt, chú ý tránh đồng huyết, chọn ngỗng thịt đưa lên hậu bị chủ yếu căn cứ vào ngoại hình. Ở 3 tháng tuổi ngoại hình ngỗng chưa thật hoàn chỉnh, vì vậy cần kết hợp với cân đo và tiêu chuẩn giống để chọn cho sát. Nên dự phòng một số ngỗng đực ngoài yêu cầu cần thiết. Ví dụ nếu 100 ngỗng cái yêu cầu cần thiết là 25 ngỗng đực, thì ta nên chọn 30 con làm hậu bị. Đến khi vào vụ đẻ ta sẽ loại bớt ngông đực xấu đi và cả những con cái không đạt yêu cầu
– Sự phân biệt đực cái ở các giai đoạn ngỗng thịt chuyển lên hậu bị vẫn còn khó. Thường ngỗng đực nặng cân hơn, đầu to, cổ dài dáng đi nhanh nhẹn và thường đi trước đàn. Nhưng để chính xác phải mở lỗ huyệt của ngỗng để chọn: ngỗng đực có gai giao phối màu hồng nhạt, dài độ 1,5cm, ngỗng cái có lỗ huyệt nhẵn và hơi mềm hơn.
– Người ta thường nuôi ngỗng hậu bị theo lối “cầm xác”, chủ yếu cho ăn ngoài đồng bãi. Ở giai đoạn này ngỗng hậu bị được chăn ngoài đồng sẽ chịu đựng kham khổ, đỡ tốn thức ăn, chịu khó tìm thức ăn, đồng thời cách nuôi chăn thả có thể nâng cao sức khỏe của ngỗng. Ở lứa tuổi này ngỗng tăng trọng hầu như không đáng kể, chúng chỉ béo lên trước vụ đẻ khi được nuôi vỗ béo. Việc tăng trọng chậm ở giai đoạn hậu bị không phải là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con giống, trái lại người nuôi ngỗng có nhiều kinh nghiệm cố gắng tránh ngỗng béo lên trong thời kỳ này
– Lúc chuyển ngỗng hậu bị sang đàn sinh sản cần chọn lọc lại để loại bỏ những con không đủ tiêu chuẩn
II. NUÔI VỖ BÉO VÀ NHỒI BÉO NGỖNG
– Nuôi vỗ béo ngỗng là phương pháp cho ngỗng ăn các loại thức ăn giàu chất bột đường để chúng tích lũy mỡ và thịt nhanh chóng
– Nhồi béo là phương pháp vỗ béo tích cực nhất bằng cách ép chúng ăn thật nhiều loại thức ăn trên để tăng mỡ thịt hoặc để lấy gan béo
– Ngỗng thịt nuôi theo lối chăn thả có thể dùng để vỗ hay nhồi béo rất thích hợp
– Quá trình vỗ béo hay ngỗng lấy mỡ, thịt hay nhồi béo lấy gan đều phải tuân theo các điều qui định chính sau đây:
+ Giống để vỗ và nhồi béo: cần phải chọn lọc cận thận thì mới đạt hiệu quả cao, không dùng dùng ngỗng cỏ và ngỗng Sư tử để nhồi béo lấy gan và mỡ vì khả năng tích lũy mỡ của các giống này kém, ngỗng để nhồi tốt nhất là ngỗng Lăng, hoặc con lai của ngỗng Lăng x Rênan
+ Tuổi vỗ và nhồi béo thích hợp: ngỗng vỗ béo là 56 ngày và nhồi sau 10 tuần tuổi, nhưng độ tuổi nếu quá muộn thường chỉ đạt hiệu quả kinh tế thấp, còn quá sớm thì gây chết nhiều đồng thời khả năng tăng trọng cũng không cao (do chúng chưa phát triển bộ khung đầy đủ và khả năng hấp thu cũng kém)
+ Kỹ thuật nhồi nói chung cần được luyện tập để đảm bảo làm nhanh nhẹ nhàng
+ chuồng nuôi cần bảo đảm yên tĩnh, hơi tối có độ ẩm vừa phải cho ngỗng vỗ béo (75 – 80%) nhưng cần thoáng mát và vệ sinh
+ Thức ăn dùng để nhồi hay vỗ béo cần được lựa chọn cho thích hợp với giống và được xử lý đúng cách . nói chung thức ăn phải mềm, dễ tiêu sạch và có chất lượng tốt
+ Cho ngỗng uống nước đầy đủ, nước trong sạch, nên cho uống tự do trong thời kỳ vỗ và nhồi thời gian nhồi ngỗng kéo dài bao nhiêu là tùy theo loại ngỗng và phụ thuộc vào mục đích lấy thịt, mỡ hay gan đồng thời còn phụ thuộc vào yêu cầu chất lượng sản phẩm: béo vừa hay béo đẫy, gan to vừa và chắc hay gan thật béo
– Vỗ béo hay nhồi béo ngỗng, ngỗng có thể vỗ béo để bán thịt hoặc nhồi để lấy gan.
+Vỗ béo bán thịt bằng cách cho ăn tự do: trước khi vỗ béo cần cho ăn no đủ, sau đó trong 10 ngày vỗ đầu tiên cho ngỗng ăn thường xuyên thật no, tiếp theo khi ngỗng đã béo vừa phải thì cho ăn các loại thức ăn ngon miệng để kích thích chúng ăn được nhiều, thức ăn trong giai đoạn sau cần có giá trị dinh dưỡng cao, thức ăn chủ yếu dùng để vỗ là bắp hạt vàng ngâm qua đêm, có thể cho thêm một chút muối, ngoài ra có thể cho chúng ăn thêm cám, khoai trộn với rau xanh khoảng 20%. Ở giai đoạn giữa về cuối có thể cho ngỗng ăn thêm bột cá, bột đậu tương khoảng 8% ( nếu có) và cho thêm bí đỏ nạo để chúng ăn dễ. Thời gian vỗ béo của ngỗng khoảng 15 ngày là vừa, nếu dài hơn thì ngỗng ăn tốn mà tăng trọng chậm, vả lại khi ngỗng đã béo đẫy thì chúng chán ăn
+ Nhồi béo lấy gan: ở nước ta việc nhồi béo lấy gan chưa có tập quán, đến nay kỹ thuật này cũng mới chỉ áp dụng trong phạm vi thí nghiệm ở viện chăn nuôi…những kết quả bước đầu cho thấy chỉ nên dùng ngỗng Lăng và con lai của nó với ngỗng Rênan. Việc nhồi ngỗng lấy gan thường tốn quá nhiều bắp hạt nên hiện nay không có lợi trong thực tiễn, chỉ khi nào gan ngỗng béo có thể xuất khẩu với giá trị cao thì mới phổ biến kỹ thuật này.Kỹ thuật chăn nuôi ngỗng