Cách phòng trừ bệnh hại cây Cao Su

Bệnh hại chính trên cây cao su

Cách phòng trừ bệnh hại cây Cao Su - cach phong tru benh hai cay cao su 500x323

1. Bệnh phấn trắng

Tác nhân : Do nấm Oidium heveae. Bệnh gây hại trên cây cao su ở mọi lứa tuổi, mùa bệnh vào giai đoạn cây cao su ra lá mới từ tháng 2 đến tháng 5, bệnh hại nặng ở những vùng cao có khí hậu lạnh và thường xuyên có sương mù.

Triệu chứng : Lá non từ 1-10 ngày tuổi bị rụng dần để lại cuống trên cành, lá trên 10 ngày tuổi không bị rụng mà để lại vết bệnh với nhiều dạng loang lổ, hai mặt lá có bột màu trắng và nhiều ở mặt dưới lá. Các dòng vô tính nhiễm nặng: VM 515, PB235, PB255, RRIV4&

Phòng trị

Dùng thuốc Sumieght 0,2%; Kumulus 0,3%; bột lưu huỳnh 9-12kg/ha. Xử lý định kỳ 7-10 ngày/lần, vào thời kỳ lá non chưa ổn định.

2. Bệnh héo đen đầu lá

Tác nhân : Do nấm Collectotrichum glocosporioides gây ra. Bệnh thường xuất hiện suốt trong thời gian sinh trưởng của cây, phổ biến vào mùa mưa có ẩm độ cao từ tháng 6 đến tháng 10. Bệnh hại nặng ở vườn cây KTCB.

Triệu chứng

+ Lá non từ 1-10 ngày tuổi có đốm nâu nhạt ở đầu lá. Rụng từng lá chét, sau cùng rụng cuống lá.

+ Lá già hơn 14 ngày tuổi, không gây rụng lá nhưng để lại đốm u lồi trên phiến lá. bệnh còn gây hại trên trái và chồi non, bệnh gây khô ngọn khô cành từng phần hoặc chết cả cây.

Phòng trị

Dùng thuốc Vicarben50SC, Carbenzim 500FL nồng độ 2% Phun lên tán lá non, 7-10 ngày phun 1 lần.

3. Bệnh rụng lá mùa mưa

Tác nhân : Do nấm Phytophtora botryosa, Phytophtora palmivora gây nên. Chỉ xảy ra ở mùa mưa, hại nặng trên vườn cây khai thác, nhất là những vùng thường mưa dầm.

Triệu chứng : Trên cuống lá có cục mủ màu đen hoặc trắng, trung tâm vết bệnh có màu nâu xám, rụng cả ba lá chét và cuống, bệnh hại nặng trên trái gần khô.

Phòng trị

+ Dùng thuốc Oxyclorua đồng 0,25%, Bordeaux 1%, Ridomil MZ 72 0,3 – 0,4%.

4. Bệnh nấm hồng

Tác nhân : Bệnh thường tập trung ở nơi phân cành do ẩm độ cao. Do nấm Corticium salmonicolor gây nên. Bệnh gây hại trên cây từ 3 – 12 năm tuổi và hại nặng ở cây 4 – 8 tuổi. Bệnh thường tập trung hại vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 và tấn công trên thân cành đã hóa sần.

Triệu chứng : Vết bệnh ban đầu là những mạng nhện trắng xuất hiện trên cành, đồng thời có những giọt mủ chảy ra, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh chuyển từ màu trắng sang hồng, cành lá phía trên vết bệnh chuyển vàng và chết khô.

Phòng trị

+ Vệ sinh vườn cây, cắt đốt bỏ những cành chết do bệnh để hạn chế sự lây lan.

+ Dùng thuốc Validacin 5L (thuốc đặc hiệu) 1,2%, dung dịch Bordeaux 1% (phun) và 5% (quét). Chu kỳ phun 10-15 ngày/ lần.

5. Khô ngọn khô cành

Tác nhân : Do các bệnh lá, vết thương cơ giới, yếu tố môi trường. Xuất hiện ở mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cao su, gây nguy hại ở giai đoạn cây KTCB.

Triệu chứng : Các chồi bị rụng lá và có những đốm nâu đen trên vỏ còn xanh sau đó lan dần xuống dưới và phần bị nhiễm chết khô.

Phòng trị

+ Bón phân cân đối, diệt cỏ dại, phòng trị bệnh lá, không gây vết thương cho cây.

+ Xử lý: Cưa dưới vết bệnh 10 -> 20 cm một góc 450, bôi vaseline, dùng dung dịch nước vôi quét toàn bộ thân.

6. Cháy nắng

Tác nhân : Do nắng, biên độ nhiệt độ trong ngày cao, tủ gốc và làm bồn không kỹ.Phân bố ở vườn cây cao su KTCB.

Triệu chứng : Cháy lá loang lổ, có màu trắng bạc, sau đó rụng và chết chồi non do mất nước. Cây 2 – 3 tuổi, trên thân hóa nâu từ 0 -> 20 cm cách mặt đất bị lõm và nứt vỏ, chảy mủ, sau đó vết bệnh lan rộng và có hình mũi mác, các vết bệnh thường cùng một hướng (hướng Tây và Tây Nam).

Phòng trị

+ Làm bồn tủ gốc kỹ vào mùa khô, quét nước vôi lên thân.

+ Bôi vaseline lên vết bệnh ngăn chặn tấn công của nấm và côn trùng.

7. Bệnh loét sọc mặt cạo

Tác nhân : Do nấm Phytophtora palmivora gây nên. Bệnh gây hại trên mặt cạo vào mùa mưa tháng 6 -11.

Triệu chứng: Những sọc nhỏ hơi lõm màu nâu nhạt ngay trên đường cạo và chạy dọc song song với thân cây, sau đó các vết bệnh liên kết lại thành những mảng lớn, lúc này vỏ bị thối nhũn, dịch màu vàng rỉ ra có mùi hôi thối, để lộ gỗ, gây khó khăn cho việc khai thác sau này. Đây cũng là vị trí thuận lợi cho mối mọt tấn công.

Phòng trị

+ Không cạo khi cây còn ướt, không cạo phạm, cạo sát.

+ Vệ sinh trừ cỏ dại thông thoáng vườn cây.

+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện dịch bệnh, xử lý bôi thuốc kịp thời. Các thuốc như Ridomil 2-3%, Mexyl MZ 72 nồng độ 2%.

+ Ở những vùng thường xảy ra bệnh hoặc vườn cây có miệng cạo gần mặt đất phải bôi thuốc phòng định kỳ, bôi phòng 1lần/tháng, có thể 2 lần/tháng vào những tháng mưa dầm.

+ Cây bị bệnh nặng phải nghỉ cạo để hạn chế lây lan.

8. Bệnh thối mốc mặt cạo

Tác nhân : Do nấm Ceratocysits fimbriata. Bệnh xảy ra vào mùa mưa, thường kèm với bệnh loét sọc mặt cạo.

Triệu chứng: Trên mặt cạo xuất hiện những vết bệnh song song với đường cạo, dễ lầm với cạo phạm, ngày khô ráo thấy nấm màu trắng xám trên vết bệnh.

Phòng trị: Tương tự như trị bệnh loét sọc mặt cạo.

9. Bệnh khô miệng cạo

Tác nhân : Bệnh xuất hiện trong suốt chu kỳ khai thác. Chưa rõ tác nhân, hiện vẫn xem là bệnh sinh lý.

Triệu chứng: Ban đầu xuất hiện những đoạn mủ khô ngắn trên miệng cạo, sau đó lan nhanh và khô mủ hoàn toàn, nếu nặng cây bị nứt cả vỏ cạo.

Phòng trị

+ Đảm bảo chế độ cạo S/2 d/3 6d/7.

+ Chăm sóc, bón phân đầy đủ, nhất là khi vườn cây có sử dụng thuốc kích thích mủ.

+ Khi cây có biểu hiện bị bệnh phải ngưng cạo, dùng đót cứ 5 cm chích thử một lỗ trên vỏ cạo phía dưới đường cạo để xác định ranh giới vùng bị khô, từ chỗ đó cạo song song với đường cạo cũ một đường tới gỗ để cách ly bệnh.

+ Cho cây bệnh nghỉ cạo 1-2 tháng, kiểm tra nếu cây khỏi bệnh thì cạo lại với cường độ cạo nhẹ&

10. Bệnh nứt vỏ

Tác nhân : Do nấm Botryodiplodia

Triệu chứng: Thân cành bị nứt, có mủ chảy rỉ ra, có màu nâu đặc trưng, đôi khi chồi mọc ra dưới vết nứt, làm cây châm sinh trưởng, đôi khi chết cây. Bệnh thường xuất hiện trên vườn cây KTCB trên 3 năm tuổi và vườn cây khai thác.

Phòng trị:

Dùng thuốc trừ nấm có gốc Carbendazim (Vicarben 50HP, Bavistin 50FL& nồng độ 0,5% phun hết toàn bộ cây 2 tuần/ lần, phun 2-3 lần.

Nguồn: 2lua.vn

 

Thảo luận cho bài: Cách phòng trừ bệnh hại cây Cao Su

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *