Nội dung chính
Bệnh sán dây ở Dê là một bệnh phổ biến ở dê nước ta, đặc biệt là các đàn dê ở các tỉnh trung du và miền núi. Dê non từ 1-4 tháng tuổi mắc bệnh nặng hơn dê trưởng thành với triệu chứng ỉa chảy nặng.
Nguyên nhân
Bệnh gây ra do sản dây sống ký sinh ở ruột non của dê. Sán dây trưởng thành dài từ 100-150cm, chia thành nhiều đốt, đốt càng về cuối thân càng lớn, Đầu sán rất nhỏ có giác bám vào vách ruột non để hút chất dinh dưỡng, trong mỗi đốt sán có chứa nhiều trứng. Đốt già rụng đi theo phân ra ngoài môi trường, đốt vỡ và giải phóng trứng ra ngoài. Ở môi trường bên ngoài có một số nhện đất nuốt một số trứng sán dây. Trứng vào cơ thể sẽ phát triển thành ấu trùng sán dây, dê ăn cỏ cây nuốt phải nhện mang ấu trùng sán dây, nhện vào ruột dê bị phân huỷ và ấu trùng sán dây bám vào thành ruột phát triển đến trưởng thành.
Triệu chứng
Sán dây gây ra các tác hại cho dê: Giác bám vào ruột hút chất dinh dưỡng, làm cho dê gầy yếu, suy nhược, đồng thời tiết ra độc tố gây rối loạn tiêu hoá và viêm ruột ở dê, các giác bám gây ra các vết tổn thương, vi khuẩn có sẳn trong ruột xâm nhập vào vết thương làm cho viêm ruột nặng hơn.
Dê bệnh thể hiện: ăn kém, gầy yếu, suy nhược, ỉa chảy dai dẳng, phân lỏng của dê thường xuất hiện nhiều đốt sán trắng có mùi tanh. Dê non từ 1-4 tháng tuổi thể hiện các triệu chứng rỏ ràng hơn dê trưởng thành và cũng bị chết nhiều hơn.
Bệnh tích
Mổ khám dê bệnh thấy: niêm mạc ruột non bị tụ huyết và tróc ra từng mảng do tác động của sán.
Cách lây lan
Bệnh lây qua đường tiêu hoá: do dê ăn phải nhện đất có mang ấu trùng sán dây sẽ bị nhiễm sán dây.
Nhện đất có vai trò trung gian truyền ấu trùng sán cho dê.
Phát hiện bệnh
Dê gầy yếu, ỉa chảy dai dẳng và trong phân có các đốt sán là dấu hiệu giúp cho việc xác định bệnh.
Điều trị
Điều trị bằng một trong hai loại hoá dược đặc biệt sau:
Niclosamide: dùng liều 50mg cho 1kg thể trọng dê. Cách dùng thuốc: Tán nhỏ thuốc hoà với nước cho dê uống lúc đói, thuốc chỉ uống một lần.
– Prafiquentel: dùng liều 10mg cho 1kg thể trọng của dê. Cách dùng: Tán thuốc pha với nước cho dê uống lúc đói
Tỷ lệ tẩy sạch sán đạt 80-90%
Phòng bệnh
Tẩy sán dịnh kỳ: 4 tháng 1 lần bằng 1 trong 2 hoá dược liệu trên cho đàn dê ở những nơi có lưu hành bệnh sán dây.
Phun thuốc diệt nhện đất theo định kỳ: 2 tuần/lần ở khu vực nuôi dê bằng các hoá dược ít gây hại cho dê và không gây ô nhiễm môi trường (Hantox của công ty Hanvet).
Ủ phân để diệt đốt sán và trứng sán.
Nguồn: 2lua.vn