Nhờ biết cách lai tạo để chọn ra giống dê nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, lão nông Nguyễn Ngọc Ẩn (65 tuổi) có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ông Ẩn và đàn dê lai của mình
Ông Ẩn (sống ở khu vực Nghiễm Hòa, P.Nhơn Hòa, TX.An Nhơn, Bình Định) vốn làm nghề thầu khoán xây dựng, thu nhập tuy cao nhưng phải thường xuyên xa gia đình. Năm 2001, ông quyết định bỏ nghề về nhà tìm hướng phát triển chăn nuôi.
Một lần lên Gia Lai thăm người bạn đang mở quán bán thịt dê, ông Ẩn biết nhu cầu về thịt dê trên thị trường khá cao nhưng nguồn cung còn ít. Tìm hiểu qua sách báo, ông biết dê là loài vật dễ nuôi, chuồng trại đơn giản, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên, ít tốn công chăm sóc…
Khảo sát tại địa phương, ông thấy vùng đất dưới chân núi Sơn Triều, khu vực gần khu công nghiệp Nhơn Hòa (P.Nhơn Hòa), thích hợp để mở trang trại chăn nuôi. Vậy là ông Ẩn làm đơn, được chính quyền chấp thuận cấp đất lâu dài để xây dựng trang trại. Ông chọn nuôi dê theo hình thức quảng canh để hạn chế chi phí về thức ăn và chuồng trại. Tức là nuôi chăn thả tự do theo bầy đàn, để dê lên núi Sơn Triều tự tìm thức ăn (khác với nuôi thâm canh nhốt trong chuồng trại và cung cấp thức ăn cho dê).
Khởi đầu, ông Ẩn mua hơn 30 con dê giống Ấn Độ, 8 con bò lai về thả nuôi. Giai đoạn này, dê giống và bò lai có giá rất cao. Giá dê giống lên đến 180.000 đồng/kg, nhiều con dê nặng 50 – 60 kg, nên ông Ẩn phải mua với giá hơn 5 chỉ vàng. Bò lai mỗi con cũng lên đến 7 triệu đồng. Khoảng 2 năm sau, ông Ẩn bán hết bò để tập trung vào việc nuôi dê. Đến năm 2003, đàn dê của ông Ẩn lên đến hơn 100 con. Tuy nhiên, gặp năm thời tiết bất lợi, lại chưa có kinh nghiệm nuôi, đàn dê bị nhiễm lạnh, mắc bệnh viêm phổi rồi chết dần khiến ông lỗ hơn 60 triệu đồng. Không nản chí, ông Ẩn lại đầu tư thêm vốn, mua 30 con dê giống Bách Thảo về nuôi. Đến năm 2006, đàn dê của ông Ẩn phát triển lên đến 200 con.
Mỗi buổi sáng khi thả dê đi ăn, ông Ẩn đều chú ý quan sát, kiểm tra sức khỏe của từng con. Dê rất nhạy cảm với thời tiết nên dễ bị cảm nắng, cảm mưa, động kinh, tụ huyết trùng… Trong quá trình nuôi, cần phải tiêm phòng, dùng khoáng chất, glucoza, vitamin C trộn vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng cho dê. “Dê bị bệnh rất nhanh chết. Khoảng 3 ngày sau khi phát hiện ra triệu chứng là dê bắt đầu lăn ra chết. Vì vậy, sau khi xác định bệnh, nếu ngày đầu dùng thuốc thú y để chữa cho dê không có hiệu quả thì ngày thứ hai nên dùng các loại thuốc trị bệnh cho người để điều trị”, ông Ẩn nói.
Theo ông Ẩn, trung bình 1 con dê cái đẻ 2 năm được 3 lứa, mỗi lứa từ 2 – 3 con. Dê con nuôi khoảng 1 năm nặng khoảng 25 – 30 kg thì có thể bán thương phẩm. Tuy nhiên, dê thuần chủng giống Bách Thảo, giống Ấn Độ hay giống Boer rất to (nặng hơn 70 kg), dễ đẻ nhưng lại chăm sóc con rất kém, dê con hay bị chết và dê thịt lại khó tiêu thụ. Vì vậy, ông Ẩn cho rằng nếu nuôi dê giống thuần chủng sẽ không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hình thức nuôi quảng canh tại địa phương.
Ông thử lai tạo các loại giống dê với nhau. Lai tạo đến thế hệ F3, F4 thì dê thích nghi rất tốt với điều kiện nuôi chăn thả ở địa phương và trọng lượng nhỏ nên dễ bán dê thịt. Đến năm 2005 – 2006, đàn dê giống lai tạo của ông Ẩn có trọng lượng bình quân khoảng 45 – 50 kg/con và hiện nay đã giảm xuống còn 40 – 45 kg/con. Theo ông Ẩn, giống dê có trọng lượng càng nhỏ thì càng dễ nuôi và dễ bán. Nhờ bán dê thịt và dê giống lai, mỗi năm ông Ẩn thu lãi từ 100 – 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do sức khỏe yếu nên ông Ẩn chỉ nuôi tầm 50 – 60 con dê, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. “Bây giờ con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng hết rồi nên mình cũng nên nghỉ ngơi bớt, thu nhập như vậy là đủ sống rồi. Mỗi ngày mình chỉ cần lùa lên núi cho ăn vài tiếng, thời gian còn lại thì chăm sóc vườn rau, con gà vui chơi với con cháu”, ông Ẩn cười.
Nguồn: Sưu tầm