Chăm sóc vật nuôi lúc giao mùa

Hiện đang trong thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, có mưa nhiều, độ ẩm cao, mầm bệnh phát triển mạnh, vật nuôi dễ phát sinh dịch bệnh. Người nuôi cần áp dụng các biện pháp chăm sóc hợp lý để hạn chế thiệt hại.

Tiêm phòng đầy đủ

Chủ động tiêm phòng đầy đủ vaccine theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đặc biệt là một số bệnh cần tiêm ngay tại thời điểm này và đảm bảo tiêm phòng định kỳ như với trâu bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Trên đàn lợn, một số bệnh thường gặp trong thời điểm này như như tai xanh, lở mồm long móng và hay gặp nhất là 4 bệnh đỏ là tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu. Ở lợn con, lợn mới xuất chuồng phải tiêm phòng bệnh Ecoli. Lợn nái tiêm thêm vaccine leptospira, suyễn lợn, lợn con tiêm vaccine Ecoli. Với gia cầm, tiêm phòng một số bệnh hay gặp trong giai đoạn chuyển mùa từ hè sang thu như bệnh tụ huyết trùng, Gumboro, Newcastle, cúm.

Chăm sóc vật nuôi lúc giao mùa - z300 Nguoi chan nuoi 342

Chủ động tiêm phòng vaccine cho vật nuôi – Ảnh: she.21cn.com

Chăm sóc, quản lý

Đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm đủ chất và lượng. Khi vật nuôi không được cung cấp đủ thức ăn bị đói hoặc sử dụng thức ăn không đủ chất lượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh, sức đề kháng yếu.

Đối với lợn, gia cầm cần dự trữ thức ăn tinh và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc.

Với trâu bò, nhất là bò sữa cần cân đối lượng thức ăn tinh và thô xanh để cho ăn đầy đủ. Chú ý ủ thức ăn xanh hoặc ủ rơm với ure để dự trữ thức ăn mùa đông. Khi trâu bò được ăn thức ăn ủ chua còn có tác dụng kích thích cho con vật ngon miệng, ăn tốt hơn. Để chủ động thức ăn mùa đông sắp tới ngay từ bây giờ người chăn nuôi cần chú ý chăm bón diện tích trồng cỏ, thu mua các loại cỏ thân cây ngô, cây họ đậu, rơm tươi, rơm khô sau thu hoạch để ủ dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua và ủ rơm với urê.

Bên cạnh chế độ ăn, cần đảm bảo đủ nước uống cho con vật, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cho uống nước sạch, nếu trong ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho uống nước ấm.

Trong thức ăn hàng ngày nên bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp vật nuôi nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung trực tiếp vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho ăn trực tiếp. Khi sử dụng thức ăn trực tiếp chú ý kiểm tra phát hiện thức ăn có nấm mốc, mùi vị không bình thường cần loại bỏ ngay. Với thức ăn ủ chua, ủ rơm với urê phải đảm bảo có mùi vị đặc trưng, không cho ăn thức ăn ủ bị hỏng mốc, có mùi vị khác thường.

Khi có mưa phùn hoặc mưa bão kéo dài, ẩm độ cao cần giữ ấm cho vật nuôi, nhất là đối với con vật non, mới sinh. Đặc biệt cần duy trì nhiệt độ 32 – 380C cho gà con mới nở.

Với bê nghé non, vào ngày thời tiết lạnh, có mưa nên cho đi chăn thả muộn, về sớm, trong chuồng nuôi nơi con vật nằm nên có chất độn bằng rơm khô, cỏ khô để con vật không bị nhiễm lạnh.

Tăng cường vệ sinh thú y

Tăng cường vệ sinh thú ý, đảm bảo chuồng, trại sạch sẽ, khô ráo. Đây là biện pháp đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Hiện nay, người nuôi thường áp dụng đồng thời phương pháp vệ sinh cơ giới và sử dụng thuốc sát trùng. Phương pháp vệ sinh cơ giới bao gồm: khơi thông cống thoát nước, tránh phân và nước thải đọng, hạn chế phát sinh ruồi muỗi và sinh vật gây bệnh. Sau khi vệ sinh cơ giới xong phun thuốc sát trùng, một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như Vikol, Halamit, Biocid, Haniodil. Việc phun phòng tốt nhất là phun định kỳ, phun thuốc trên diện rộng khắp cả vùng nuôi và các khu vực xung quanh vùng nuôi. Đặc biệt chú trọng phương pháp tiêu độc, khử trùng nơi cho ăn, chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi.

Đối với các trang trại cần bố trí các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất cần có hệ thống biogas để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Chăm sóc vật nuôi lúc giao mùa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *