Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã đưa các giống bò thịt vào chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Cho thu nhập ổn định
Gia đình ông Nguyễn Chiến Thắng, ở ấp Sa Thêm, xã Long Nguyên bắt đầu chăn nuôi bò từ năm 2012. Thời gian đầu ông nuôi bò chỉ dựa vào kinh nghiệm, số lượng ít nên hiệu quả không cao. Bắt đầu từ năm 2013, được Hội Nông dân hỗ trợ vốn vay 20 triệu đồng, ông mua thêm bò và chú trọng vào nguồn thức ăn, cách phòng chống dịch bệnh nên lợi nhuận từ bò dần tăng lên.
Hiện tại, gia đình ông Thắng đang nuôi 15 con bò gồm 5 con bò sinh sản, còn lại là bò đực và bê con. Mỗi năm ông xuất bán 2 – 5 con, sau khi trừ chi phí ông còn lãi hơn 50 triệu đồng. Ông Thắng chia sẻ: “So với chăn nuôi gà, heo thì chăn nuôi bò nhàn hơn rất nhiều. Đặc tính của bò là có khả năng kháng bệnh tốt nên việc chăm sóc cũng dễ dàng. Bên cạnh đó, hàng năm, tôi cũng học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ cán bộ khuyến nông xã, bác sĩ thú y, nhờ vậy các khâu tiêm phòng, vệ sinh, tẩy uế chuồng trại… được gia đình áp dụng thường xuyên, giúp cho đàn bò khỏe mạnh và nhanh lớn”.
Đàn bò thịt của gia đình ông Nguyễn Chiến Thắng, ấp Sa Thêm, xã Long Nguyên – Ảnh: Tâm Bình
Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh Nguyễn Di Phú, ở cùng ấp với ông Thắng cũng duy trì chăn nuôi từ 4 – 6 con bò. Theo anh Phú, trước đây giá mủ cao su còn cao, gia đình anh sống nhờ vào hơn 1 ha cao su và đi cạo thuê cũng đủ sống. Nhưng hiện nay giá mủ xuống thấp, nhà vườn không còn thuê người cạo nên gia đình anh chuyển sang nuôi bò kiếm thêm thu nhập. Ban đầu, do nguồn vốn ít lại chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi 2 con. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, hàng năm, sau khi bán bò thịt, anh lại tích góp vốn để tăng số lượng nuôi. Với nguồn thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/năm từ đàn bò, gia đình anh có thêm chi phí để trang trải sinh hoạt hàng ngày và tích góp để sửa chữa lại căn nhà khang trang hơn.
Anh Thắng chia sẻ, chăn nuôi bò không khó nhưng phải biết phương pháp chăm sóc, phòng bệnh hợp lý. Hiện tại, gia đình anh đang trồng thêm cỏ ở phần diện tích đất còn trống, trồng xen canh trong vườn cao su để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò, nhất là vào mùa khô.
Tích cực hỗ trợ người chăn nuôi
Thực hiện chương trình phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2011 – 2015, hiện nay xã Long Nguyên có 430 con trâu, bò với 119 hộ nuôi (năm 2011 chỉ có 87 con trâu, bò/36 hộ nuôi). Để việc chăn nuôi bò thịt phát triển theo hướng bền vững, 5 năm qua, các hội, đoàn thể ở địa phương và Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Bàu Bàng đã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để nông dân đầu tư nuôi bò. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông huyện cũng đã xây dựng thành công một số mô hình trồng cỏ voi, vận động người chăn nuôi tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, đất tại các vườn cao su còn nhỏ… để trồng cỏ tăng thêm nguồn thức ăn chăn nuôi.
Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Nguyên cho biết, mấy năm gần đây chăn nuôi bò được bà con rất quan tâm. Qua tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, phòng bệnh, bà con đã biết cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nhiều hộ nông dân còn biết tận dụng nguồn phân bò để bón cho cỏ và vườn cây cao su, vừa giảm chi phí vừa cung cấp nguồn thức ăn tươi xanh, giàu đạm cho đàn bò tăng trọng nhanh, xuất chuồng sớm và thu nhập cao. Nuôi bò thịt là hướng đi đúng của bà con nông dân trong xã hiện nay.
Có thể thấy, nhờ biết phát huy những thế mạnh của địa phương, nhiều gia đình ở xã Long Nguyên khá lên nhờ chăn nuôi bò thịt. Đây không những được xem là hướng phát triển kinh tế mới cho người dân khi giá cao su giảm, mà còn góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: sưu tầm