Chế phẩm vi khuẩn nốt sần giúp tăng năng suất cho cây đậu phụng; đồng thời góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Chế phẩm vi khuẩn nốt sần hoạt động theo cơ chế: khi nhiễm vào sẽ giúp duy trì và cải thiện những tính chất hóa học của đất trồng như: làm tăng hàm lượng mùn, lân, đạm…; đồng thời còn làm tăng số lượng vi sinh vật có ích trong đất trồng đậu phụng để phân giải các chất giúp cây phát triển.
Theo nghiên cứu, khi bón chế phẩm vi khuẩn nốt sần, tổng số vi khuẩn có ích cho sự phát triển của cây đậu phụng tăng từ 1,13 đến 1,42 lần; vi khuẩn nốt sần tăng từ 1,16 đến 2,99 lần; vi sinh vật phân giải lân trong đất tăng từ 1,7 đến 2,61 lần.
Hiện nay chế phẩm vi khuẩn nốt sần được phối chế làm 2 loại từ chủng vi khuẩn nốt sần NH1 và PC phân lập. Cả hai đều có công dụng tương đương nhau và đã được sản xuất.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, chế phẩm vi khuẩn nốt sần sẽ cho hiệu quả tốt nhất khi bón với liều lượng từ 30 đến 35kg trên mỗi héc-ta đất trồng đậu phụng. Bên cạnh đó, trên nền đất trồng bón thêm phân chuồng, vôi và một lượng nhỏ các phân bón khác. Ngoài ở Thừa Thiên – Huế, chế phẩm vi khuẩn nốt sần cũng thích hợp với điều kiện đất trồng đậu phụng của các tỉnh, thành miền Trung.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ứng dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần đã được thực hiện tại những vùng trồng đậu phụng của Thừa Thiên – Huế.
Với việc bón 35kg chế phẩm vi khuẩn nốt sần cho mỗi héc-ta đất trồng đậu phụng cùng với một số loại phân bón khác đã giúp tăng năng suất đậu phụng lên hơn 30%, đậu phụng chắc củ hơn, hình thức, khối lượng củ cũng đồng đều hơn.
Bên cạnh đó, có một cách khác để tăng năng suất cây đậu phụng là dùng than sinh học. Than sinh học Biochar không những làm tăng năng suất cây đậu phụng trên đất cát mà còn giữ ẩm, giữ nguồn vi sinh vật có lợi trong đất. Đó là kết quả quan trọng của dự án nghiên cứu thử nghiệm dùng Biochar tại xã Cát Hiệp (Phù Cát), do tiến sĩ (TS) Hoàng Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, thực hiện.
Than sinh học giữ được thành phần dinh dưỡng có trong vật tạo ra nó (rơm, rạ, trấu…), có độ phân hủy chậm, làm chậm quá trình thoái hóa đất, giảm bạc màu, chống chua cho đất, giữ ẩm, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển giúp cải tạo đất. Sử dụng Biochar sẽ tạo ra sản phẩm sạch, chi phí đầu tư thấp và tiết kiệm một lượng nước tưới đáng kể.
Than Biochar còn tạo ra được từ vỏ hạt cà phê, rơm rạ, cành nhánh lá cây, rác hữu cơ… Nguồn nguyên liệu này tại tỉnh ta rất dồi dào. Than Biochar còn có thể dùng để bón cho nhiều loại cây trồng khác như lúa, mì, bắp hay các loại rau màu, cây công nghiệp, cây trồng rừng. Tại nhiều tỉnh, thành ở nước ta, người dân đã tự sản xuất Biochar từ phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng và bán rộng rãi trên thị trường.
Nguồn: sưu tầm