Trồng lạc dại trong vườn thanh long
Theo tin tức từ báo Nông nghiệp, nông dân Bình Thuận đang phát triển mô hình trồng lạc dại thay thế rơm rạ phủ vườn thanh long. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1 – 5 năm và có khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển cỏ dại để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng.Trồng lạc dại cũng góp phần giảm sâu bệnh trên cây thanh long. Bởi khi lạc dại ra hoa sẽ thu hút côn trùng đến hút mật và thụ phấn cho hoa, trong đó đa số là côn trùng có ích…
Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, cây lạc dại (đậu phộng dại) – LD99 (Arachis pintoi) là loài cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp với nhiều vùng sinh thái. Có khả năng giữ ẩm, bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây trồng, giảm thoái hoá đất, khống chế sự phát triển cỏ dại, giúp tăng năng suất thanh long.
Lạc dại giảm sâu bệnh ở cây thanh long, giúp năng suất và chất lượng thanh long tăng lên
Lạc dại dễ trồng, 1 trụ thanh long chỉ cần trồng 4 – 5 khóm xung quanh. Sau thời gian trồng 1 – 2 tháng có thể cắt ra để nhân giống tiếp cho những trụ khác giống như việc nhân giống khoai lang và rau muống. Khi cây phát triển được 4 – 5 tháng, sẽ tạo thành một thảm thực vật che phủ toàn bộ vườn thanh long. Đặc biệt trong mùa khô, chủ vườn có thể cắt thân để ủ vào gốc thanh long, vừa chống bốc thoát hơi nước, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, lạc dại có khả năng cố định nitơ trong đất cao nên hàm lượng đạm ở trong đất cung ứng cho cây trồng sẽ tăng lên đáng kể.
Trong khi nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trảng Bom còn e ngại khi đưa lạc dại (còn gọi là lạc dại, cỏ lạc, cỏ đậu phộng, cỏ đậu, lạc tiên…) vào trồng xen trong vườn tiêu và các loại cây trồng khác vì nghĩ rằng lac dại sẽ hút hết chất dinh dưỡng của các loại cây trồng, thì tại vườn tiêu của gia đình ông Hoàng Văn Lập ở ấp Trường An, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), lac dại đã được ông trồng phủ xanh kín cả khu vườn, giúp cho cây tiêu phát triển tốt hơn, cho năng suất tiêu cao hơn hẳn.
Lạc dại giữ đất trong vườn hồ tiêu luôn tươi xốp giúp năng suất tăng lên
Việc trồng lạc dại trong vườn tiêu mang lại rất nhiều lợi ích, bởi cây lạc dại không hút chất dinh dưỡng và không gây hại cho cây khác, trái lại cây lạc dại cải tạo đất rất tốt. Trồng lạc dại cũng giống như trồng dây khoai lang, tỷ lệ sống gần như đạt 100%, theo thông tin từ báo Đồng Nai.
Sau khi trồng khoảng 1 năm, lạc dại phát triển xanh tốt, người trồng tiêu có thể cắt và ủ vào gốc tiêu để giữ độ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây tiêu. Ngoài việc giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới vào mùa khô, việc trồng lạc dại còn có một số tác dụng khác, như: tổng hợp chất dinh dưỡng, giúp chuyển đổi đạm khó hấp thu thành đạm dễ hấp thu cung cấp lại cho cây trồng, giúp cải tạo đất, làm đất tơi xốp hơn.
Thái Hà