Số lượng bò sữa tới 1.500 con, diện tích trang trại thì bát ngát đi ô tô cũng mỏi cả tay lái, nhưng trang trại bò sữa ở vùng Richmond Downs (New Zealand) mỗi mùa chỉ cần thuê tối đa hơn 10 người làm, với mỗi tuần 50 giờ công do toàn bộ công việc được cơ giới hóa tối đa.
Chúng tôi tới thăm trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình nhà Bennett tại vùng Richmond Downs, Waikato, ngoại ô TP.Hamilton (New Zealand) vào một ngày giữa tháng 10, khi mà tiết trời ở nơi được mệnh danh là thủ phủ nền nông nghiệp của đất nước Kiwi, giở chứng lúc mưa lúc nắng. Thời tiết những ngày này ở đây thất thường y như tính khí của thiếu nữ đang yêu.
Nhưng những bất lợi về thời tiết cũng không ngăn được cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trù phú khoe mình trước mắt cả đoàn chúng tôi. Cả một vùng trải dài ngút ngàn tầm mắt là những đồi cỏ xanh trùng điệp, những gợn sóng cỏ uốn lượn theo từng đợt gió lại nhắc nhớ tới câu thơ trong bài Mùa thu chín của Hàn Mặc Tử: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.
Những người nông dân cần cù
Theo lời giới thiệu của người dẫn đoàn, trang trại bò sữa của gia đình nhà Bennett được lập nên bởi hai vợ chồng David và Raewyn Bennett cách đây đúng 3 thập kỷ và hiện là một trong nhưng trang trại có quy mô lớn nhất ở Waikato. Đây cũng là một kiểu trang trại gia đình khá phổ biến, giống như 11.000 trang trại gia đình khác trải khắp đất nước hình chiếc ủng lộn ngược này.
Trải qua thời gian, hai vợ chồng ông David đã lùi về phía sau hậu trường, trang trại dần được tiếp quản và điều hành bởi người con trai Jeremy và vợ Lucy Bennett.
Lịch sử hình thành của trang trại bò sữa này khá lý thú. Đây là một trong những trang trại có quy mô liên tục được mở rộng trong những năm gần đây, với tổng diện tích gần 500ha, với 1.500 con bò sữa cùng một cánh đồng ngô rộng lớn.
David cùng con trai Jeremy đón chúng tôi ngay cửa vào khu trang trại với thái độ xởi lởi và thân thiện vốn có của những người nông dân New Zealand. Nhớ lại thuở mới lập nghiệp, ông David kể: Năm 1985, hai vợ chồng ông đã quyết định dồn toàn bộ số tiền dành dụm tiền tiết kiệm của mình để mua một trang trại rộng 37ha tại vùng Springdale. Sau 6 năm cật lực làm lụng, nhưng nhận thấy vùng đất này dường như chưa phù hợp với mình, họ đã quyết định bán trang trại tại Springdale để mua lại một trang trại rộng 44ha tại vùng Ngarua.
Tuy nhiên, chỉ sau đó một năm, họ đã bán trang trại này để đổi lấy một trang trại với diện tích gấp đôi tại Richmonds. Và dường như đây là quyết định chính xác của nhà Bennett. Cũng chính từ đây, công việc dần dần đi vào đúng quỹ đạo mà vợ chồng ông mong muốn.
Sau gần 10 năm chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng David đã tích lũy được một số vốn kha khá. Họ quyết định mở rộng quy mô trang trại bò sữa của mình bằng việc mua thêm trang trại của hàng xóm rộng tới 140ha vào năm 2001.
Năm năm sau, họ cùng chung vốn với con trai Jeremy để tậu thêm một trang trại rộng 57ha, và chỉ ngay một năm sau đó, họ lại tiếp tục mua nốt trang trại kế bên rộng 54ha.
Công việc làm ăn của bố con nhà Bennett càng lúc càng thuận lợi hơn, giúp họ có điều kiện tiếp tục mua thêm một trang trại 157ha với chức năng như một khu phụ trợ cho việc chăn nuôi bò sữa.
Chỉ vào biểu đồ sản lượng sữa của trang trại, Jeremy – với dáng người mập mạp nhưng vẫn toát lên sự nhanh nhẹn – hào hứng giới thiệu với chúng tôi: Sản lượng sữa khô của trang trại luôn tăng dần qua các năm, tỷ lệ thuận với số lượng số lượng bò và quy mô trang trại. Cụ thể, từ hơn 549.000 kg sữa khô (mùa sữa 2006 – 2007), đến nay con số này đã lên tới hơn 805.000 kg. Trong khi đó, số lượng bò cũng tăng từ 970 con vào năm 2006 lên tới 1.500 con.
Số lượng bò tuy lớn là vậy, diện tích trang trại thì bát ngát đi ô tô cũng mỏi cả tay lái, nhưng khi tôi hỏi về số lượng nhân công ở đây, Jeremy cười nói: Mỗi mùa chúng tôi cũng chỉ thuê tối đa hơn 10 người làm, với mỗi tuần 50 giờ công. Một con số quá khiêm tốn nếu so với số lượng nhân công trong các trang trại ở Việt Nam. Có được điều này là vì toàn bộ các công việc đều được cơ giới hóa tối đa.
Mô hình chuồng trại khoa học giúp tiết kiệm chi phí
Vừa dẫn chúng tôi tham quan khu vắt sữa bò, Jeremy than phiền, không may là lợi nhuận trong mùa sữa 2014 – 2015 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá mua sữa khô giảm nhiều, không như mong đợi. Ngoài ra, thời tiết rét mướt kéo dài trong mùa đông vừa qua khiến cỏ không mọc được, lượng thức ăn đáp ứng cho bò bị giảm đi đáng kể. Đó là chưa kể những chi phi phải bỏ ra năm 2014 khi họ phải chi phí cho việc làm hàng rào, hệ thống nước…
Gặp hàng loạt những bất lợi như vậy, nhưng Jeremy vẫn tự hào cho biết: Một trong những vấn đề anh và cha quan tâm nhất là xử lý môi trường trong trang trại. Chỉ trong hai năm qua, gia đình anh đã chi rất nhiều tiền cho vấn đề này. “Muốn bò khỏe mạnh, cho sữa năng suất cao nhất thì không gì khác ngoài việc phải đảm bảo một môi trường lành mạnh, sạch sẽ và thoải mái tối đa cho bò”, Jeremy tiết lộ bí quyết, nhưng kiên quyết không chịu chia sẻ đã phải chi bao nhiêu tiền cho việc này.
Trước tiên, theo Jeremy, luôn phải đảm bảo sao cho lượng bò trong trang trại đáp ứng tiêu chuẩn đề ra: Chỉ 3,5 con bò/ha đồng cỏ.
Vấn đề môi trường và khí hậu cũng là điều được đặc biệt quan tâm. Mùa đông ở New Zealand thường kéo dài và rất lạnh. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cỏ cho bò thì chết, bò cũng rất dễ nhiễm lạnh mà đổ bệnh, năng suất sữa sẽ giảm đi. Điều đó đã thôi thúc gia đình Bennett phải đầu tư vào chuồng trại. Và mô hình HerdHomes – một mô hình chuồng trại gia súc được ưa chuộng nhất hiện nay ở New Zealand – đã được nhà Bennett sử dụng.
Hệ thống chuồng HerdHomes được sáng chế và đăng ký bản quyền bởi hai vợ chồng Tom và Kathy Pow, những người lập trang trại bò sữa ở đảo Bắc New Zealand. Khi mới thành lập trang trại bò sữa, dù đã được giới thiệu rất nhiều kiểu chuồng trại gia súc, nhưng hai vợ chồng nhà Pow vẫn không hài lòng vì những kiểu chuồng trại đó không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho bò, nhất là vào mùa đông. Họ quyết định tự bắt tay vào xây dựng một mô hình chuồng trại riêng của mình. Và cuối cùng, sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu, họ đã tạo nên một mô hình chuồng trại tốt nhất từ trước tới nay, đặc biệt là trong việc chống lại thời tiết khắc nghiệt và dễ dàng, thuận lợi cho khâu xử lý chất thải của bò.
Nhà Pow bắt đầu kinh doanh mô hình HerdHomes sau khi sử dụng thành công tại trang trại của mình. Qua vài năm, kiểu dáng thiết kế có thay đổi sau khi có phản hồi từ người dùng và những nghiên cứu khoa học. Công việc kinh doanh ngày càng tiến triển và hiện nay mô hình chuồng trại HerdHomes đã có mặt trên khắp đất nước Kiwi. Hệ thống HerdHomes khiến cho các trang trại đều tăng lợi nhuận và giảm chi phí đáng kể.
Jeremy giải thích cặn kẽ hơn cho chúng tôi: Phía trên mái khu chuồng được căng bạt, có hệ thống lỗ thông gió sẽ làm giảm nhiệt độ vào mùa hè cho bò. Một hệ thống đối lưu không khí được thiết kế thông minh cũng khiến cho bò có thể giữ ấm cơ thể trong suốt quãng thời gian lạnh giá của mùa đông, làm khô nền khu chuồng trại.
Ưu điểm nữa của HerdHomes là hệ thống xử lý chất thải. Ngay dưới khu chuồng gia súc, người ta đào sâu khoảng từ 1,2 – 1,5m, làm nơi chứa phân bò. Sau đó, họ lắp ghép những tấm cao su lớn có nhiều lỗ dài lên trên làm thành mặt sàn chuồng. Mùa đông có thể phủ thêm rơm lên mặt sàn để giữ ấm cho bò. Chất thải của bò sẽ chảy qua những khe hở trên tấm cao su xuống dưới hầm thải. Mỗi hầm thải sẽ được dọn khoảng 2 lần 1 năm. Khi đó, người ta chỉ việc dỡ các tấm cao su ghép phía trên ra, dùng máy hút toàn bộ chất thải chở đi nơi xử lý.
“Chúng tôi sẽ dọn hết chất thải trong khu chuồng gia súc, sau đó chở tới cánh đồng ngô rộng hơn 140ha. Số phân đó có thể bón đủ cho 60% cánh đồng ngô. Đó là một quy trình khép kín, chúng tôi không mất nhiều chi phí để làm điều này. Chất thải luôn được sử dụng một cách hiệu quả nhất”- Jeremy tự hào nói.
Trong vòng 2 mùa sữa vừa qua, nhà Bennett đã liên tục đầu tư xây dựng tới 5 khu chuồng gia súc theo mô hình HerdHomes, với sức chứa mỗi chuồng là 300 con bò.
Jeremy cho biết, hệ thống chuồng HerdHomes mỗi năm ngăn 10 triệu lít nước mưa không chảy ngấm vào hệ thống xử lý chất thải của bò. Cũng nhờ HerdHomes mà trang trại nhà Bennett mỗi năm tiết kiệm được khoảng 50.000 đô la New Zealand (khoảng 750 triệu đồng – PV) tiền làm sạch sàn chuồng trại. Ngoài ra cũng giúp tiết kiệm một lượng kha khá rơm cho bò. |