Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh An Giang đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, ND sản xuất theo chuỗi giá trị bằng hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp.
Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Châu Văn Ly (ảnh) – Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang về nội dung này.
Thời gian qua Hội ND tỉnh An Giang đã có vai trò gì trong việc hướng dẫn ND tham gia các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thưa ông?
– Các cấp Hội ND tỉnh An Giang xác định một trong những việc cần làm là phải tổ chức hiệu quả các mô hình kinh tế hợp tác. Hội ND tỉnh đã xây dựng các đề án củng cố, nâng cao chất lượng các mô hình hợp tác sản xuất giai đoạn 2011 – 2015. Trong 5 năm qua, các cấp Hội ND đã củng cố 100 tổ hợp tác (THT) sản xuất, thành lập mới 377 THT, nâng tổng số THT toàn tỉnh lên 864 tổ. Các cấp Hội ND tham gia củng cố, thành lập mới 13 hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX 2012, nâng cao chất lượng sinh hoạt 255 câu lạc bộ sản xuất (CLB). Tổng số thành viên 3 loại hình trên là 42.307 người, tham gia diện tích trồng lúa là 125.498ha (chiếm hơn 50% diện tích sản xuất lúa của tỉnh); các tổ thủy sản các loại đã nuôi 2.450ha, sản lượng năm 2015 là 349.000 tấn…
Thưa ông, Hội ND đã có những hỗ trợ gì để giúp ND khi đã tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất?
Hội ND tỉnh An Giang đã hỗ trợ các tổ lúa giống và doanh nghiệp ND ký kết hợp đồng với các công ty tiêu thụ hàng chục ngàn tấn lúa giống mỗi năm. ảnh: I.T
– Thông qua các mô hình này, Hội đã hỗ trợ, kết nối giúp ND ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Về lúa, Hội đã giúp ND ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp từ 20.000ha của năm 2013 lên 42.383ha của năm 2015. Riêng vụ đông xuân 2015 – 2016 đã có trên 25.000ha được ký kết ở 34 THT và 10 HTX với 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Hội còn giúp ND tiêu thụ qua liên kết với doanh nghiệp gần 500ha rau màu, trên 50% diện tích nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị.
“Qua báo NTNN, Hội ND tỉnh mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp liên doanh quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn An Giang. Hội ND tỉnh cam kết sẽ hết sức ủng hộ, cùng doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết, đảm bảo mỗi bên đều có lợi”.
Ông Châu Văn Ly – Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang |
Nhằm tạo “bệ đỡ” cho ND trong các mô hình kinh tế hợp tác, Hội ND tỉnh đã xây dựng đề án vay vốn cho các tổ từ chương trình ký kết với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng chương trình với Ngân hàng NNPTNT tỉnh An Giang 5 năm (2011 – 2015) đã giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng vốn vay sản xuất cho 250 THT, 10 HTX…
Thông qua mô hình kinh tế hợp tác, nhiều mặt hàng nông sản của hội viên, ND không chỉ tiêu thụ rộng rãi mà còn đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp tham gia như thị trường Mỹ, Nga, Nhật…Từ những việc làm, kết quả trên, đã góp phần nâng cao nhận thức và thu nhập của ND. Đồng thời nâng cao vai trò, uy tín tổ chức Hội ND trong tập hợp, hướng ND tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp.
Ông có thể chia sẻ thêm việc Hội ND tỉnh còn sáng tạo khi chọn ND giỏi tham gia xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị?
– Nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi là lực lượng luôn đi đầu trong sáng tạo và ứng dụng KHKT và phát triển kinh tế hợp tác. Chính vì vậy, thông qua phong trào ND SXKD giỏi, Hội đã lựa chọn các ND giỏi tiêu biểu để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển lên thành doanh nghiệp ở nông thôn. Trong số hơn 83.000 ND SXKD giỏi 4 cấp, Hội đã hỗ trợ 224 ND giỏi (cấp tỉnh, cấp T.Ư, có điều kiện, tâm huyết) thành lập trang trại, doanh nghiệp gia đình…
Các “doanh nghiệp ND” này đã chủ động động kết nối cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra không chỉ cho chính họ mà còn cho các tổ, nhóm ND khác. Ngoài ra, 224 “doanh nghiệp ND” này còn đang tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động nông thôn. Việc làm này vừa góp phần nâng cao chất lượng phong trào vừa tạo động lực, gương sáng để ND tỉnh nhà học tập.
Trong quá trình xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, Hội ND tỉnh gặp khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?
– Dù đạt được những kết quả đáng kể như trên, nhưng trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số khó khăn. Trình độ, hiểu biết về pháp luật, kiến thức về tiêu chuẩn hàng hóa của hội viên, ND còn hạn chế. Đa số bà con gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện các hợp đồng hợp tác, các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu. Hầu hết hội viên, ND còn thụ động, chưa biết nắm bắt cơ hội và điều kiện bán hàng sang các thị trường lớn mà Việt Nam có thế mạnh trong hội nhập.
Thưa ông, Hội ND tỉnh có phương hướng, giải pháp nào để nhân rộng cũng như nâng cao chất lượng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị?
– Năm 2016, Hội ND tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình đã ký với các doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, Hội còn ký kết với doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cung ứng, thực hiện dịch vụ đầu vào, xây dựng các điểm hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV đúng cách, hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho ND. Đồng thời, Hội tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ tín dụng và chuyển giao KHKT cho các THT và HTX tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Nguồn: sưu tầm