Hiệu quả mô hình nuôi trâu thương phẩm ở Tràng Lương (Quảng Ninh)

Tràng Lương là xã miền núi của TX Đông Triều (Quảng Ninh). Xã có diện tích tự nhiên hơn 7.263ha, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ đạt gần 748ha, còn lại là đất đồi, rừng, ruộng bậc thang bạc màu.

Từ điểm yếu này, Tràng Lương đã biết phát triển những mô hình cây, con phù hợp như: Nuôi lợn, trồng mía, trồng cam V2… Trong số đó phải kể đến mô hình nuôi trâu thương phẩm, đã đem đến cho người dân thu nhập cao hơn hẳn việc chỉ trông vào cây lúa.

Nuôi trâu giúp cho xã khắc phục thế yếu ít ruộng cấy và từ đó phát huy được thế mạnh rừng, đồi, đồng cỏ. Nếu như toàn TX Đông Triều hiện có khoảng 2.000 con trâu thương phẩm thì riêng xã Tràng Lương đã có 1.200 con. Trước đây, thịt trâu ít được thực khách đánh giá cao, bởi trâu phải mang chức năng kéo cày, người dân ít khi giết trâu ăn thịt, chỉ có những con trâu già không còn kéo cày được nữa, người ta mới mổ thịt nên thịt trâu thường dai, ăn kém ngon so với thịt bò. Ngày nay, máy cày đã có hầu khắp các thôn bản, do vậy con trâu không còn phải mang chức năng kéo cày nữa. Trâu có sức đề kháng tốt, bản năng lại hợp với cuộc sống hoang dã hơn bò, bởi vậy trâu nuôi ở Tràng Lương thường được người dân thả rông. Trâu sống lang thang trong rừng, tối về ngủ ở những chiếc chuồng người dân dựng sẵn tại các bìa rừng. Vào khoảng tháng 5, tháng 10 hàng năm, trâu từ các cánh rừng về các cánh đồng ở xã, chúng ăn thân cây lạc, rơm rạ, lá cây mía là phụ phẩm nông nghiệp bà con bỏ lại sau khi đã gặt hái xong, giúp cây trồng ở Tràng Lương có thêm nhiều ứng dụng.

Tràng Lương có 8 dân tộc, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 70%, thế nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất thấp, chỉ có 0,76% năm 2015 theo tiêu chí cũ và 3,9% theo tiêu chí mới. Nuôi trâu thương phẩm cũng là một trong các điều kiện giúp người dân thoát nghèo. Hầu như hộ nào ở Tràng Lương cũng nuôi trâu từ vài con đến vài chục con. Trâu đực nuôi chừng 2 năm bán được khoảng 20 triệu đồng/con, có con trâu nuôi nhiều năm bán được hơn 50 triệu đồng. Trâu Tràng Lương đã có thương hiệu, thương lái đến tận xã thu mua. Bây giờ chẳng còn ai tính đến chuyện giả thịt trâu làm thịt bò, bởi hiện nay giá thịt trâu ở Tràng Lương 220.000 đồng/kg, trong khi giá thịt bò chỉ 180.000 đồng/kg. Trên địa bàn xã có các công ty sản xuất than như Công ty TNHH MTV 91, Công ty TNHH MTV 618, Công ty TNHH MTV Than Hồng Thái và Công ty CP Giống vật nuôi cây trồng Đông Triều 2006. Từ lâu, Tràng Lương đã nhận thấy các công ty này có nhiều tiềm năng trong việc tiêu thụ nông sản, nếu tạo được uy tín với họ. Vì vậy, xã đã nhân rộng các mô hình rau sạch, mía tím, lạc… và nay là trâu thương phẩm phục vụ trong bữa ăn của các doanh nghiệp. Thịt trâu Tràng Lương cũng được các công ty này tin dùng nên dù bà con nuôi nhiều vẫn không đủ bán, nhất là vào dịp Tết.

Hiệu quả mô hình nuôi trâu thương phẩm ở Tràng Lương (Quảng Ninh) - images861645 DSC 4753

Hầu hết các hộ gia đình ở Tràng Lương đều nuôi từ vài con đến vài chục con trâu.

Mấy năm trước, nhiều gia đình trong xã bị mất trâu do chăn thả tự do. UBND xã đã kịp thời có biện pháp củng cố an ninh, như vận động người dân chăm lo hơn đến đàn trâu của gia đình; vận động bà con đoàn kết, coi trâu gia đình khác cũng như trâu nhà mình, khi phát hiện có người lạ, hay dấu hiệu nghi vấn là báo ngay cho lực lượng an ninh xã để có phương án bảo vệ. Từ cách làm này đã khiến cho “trâu tặc” chùn tay, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn xã đã không còn hiện tượng mất trâu.

Theo kế hoạch, năm nay số trâu nuôi trên địa bàn xã sẽ tăng thêm khoảng 100 con. Chị Ninh Văn Cầu, ở thôn Trung Lương đã thoát nghèo năm 2015 nhờ nuôi trâu và giải quyết được nhiều việc lớn trong gia đình, do chị có con trai bị bệnh nặng và chồng thường xuyên đau ốm. Mỗi lần cần chi tiêu nhiều, chị lại bán trâu để có tiền. Anh Vi Văn Trung, cũng ở thôn Trung Lương hiện gia đình đang nuôi 6 con trâu, anh dự tính cuối năm sẽ bán cả đàn trâu để có tiền làm nhà mới. Anh Trung bảo: “Gia đình tôi nếu như chỉ trông vào cấy lúa để lấy tiền làm nhà thì không biết đến bao giờ”. Nhìn chung, bà con ở Tràng Lương đều coi con trâu là nguồn tiền dành dụm, chi tiêu vào các việc lớn trong gia đình để giúp cho đời sống gia đình họ yên tâm hơn.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

 

Thảo luận cho bài: Hiệu quả mô hình nuôi trâu thương phẩm ở Tràng Lương (Quảng Ninh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *