Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa tổng kết mô hình vỗ béo bò do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư thực hiện tại 2 xã Cam Hiệp Bắc và Cam An Nam. Bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.
Tăng thu nhập
Theo chân bà Phan Thị Tường Vy – Khuyến nông viên xã Cam Hiệp Bắc, chúng tôi đến nhà ông Phan Thanh Toàn (thôn Trung Hiệp 2) – nơi triển khai mô hình vỗ béo bò của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư. Nằm bên con dốc, trại nuôi bò của ông Toàn trồng nhiều cây ăn quả, xen lẫn những vạt cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho bò. Bên trong trang trại, hai dãy chuồng trại khá ngăn nắp, đang nuôi 33 con bò, chủ yếu là bò đực đưa về từ Campuchia.
Theo ông Toàn, muốn vỗ béo bò hiệu quả, nên mua bò gầy, giá rẻ tại Campuchia, bởi sau vụ hè thu, người dân Campuchia thường bán rẻ bò để chạy lũ, giá dao động từ 10 – 20 triệu đồng/con. Chọn những con bò gầy, ốm, có khung xương to đưa về vỗ béo vài tháng, người nuôi sẽ có lãi khá hơn so với cách nuôi bò từ bê. Bên cạnh kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức đem lại từ lớp trình diễn vỗ béo bò của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư cũng giúp ông Toàn nhiều điều bổ ích. Để vỗ béo bò, ngoài đầu tư chuồng trại, ông còn mua máy xắt cỏ (công suất 1 tấn/giờ, trị giá 5 triệu đồng), trồng 1,5 ha cỏ VA 06 làm thức ăn cho bò. Hàng ngày, ông vệ sinh chuồng trại, bổ sung thức ăn tươi, thức ăn tinh, nước uống, theo dõi thể trọng bò… Qua 2 tháng nuôi, 2 con bò trong mô hình đã cho kết quả tốt: 1 con tăng 52 kg (trọng lượng 300 kg), 1 con tăng 45 kg (trọng lượng 250 kg), đạt yêu cầu đề ra; tính ra lãi bình quân gần 3 triệu đồng/con/tháng.
Tại xã Cam An Nam, mô hình vỗ béo bò được thực hiện tại hộ ông Võ Thanh Phú (thôn Vĩnh Nam). Ông Phú là hộ nuôi bò khá lâu, có kinh nghiệm, chuồng trại chuẩn bị tốt. Ông Phú đang nuôi 4 – 5 con bò, trong đó có 2 con gầy nên được chọn triển khai mô hình. Sau 2 tháng thực hiện theo yêu cầu của dự án, 2 con bò gầy đã tăng trọng mỗi con 54 – 56 kg.
Ông Nguyễn Ta – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết, mô hình vỗ béo bò rất có ý nghĩa đối với người nuôi bò. Thông qua mô hình, người nuôi không chỉ học được cách vỗ béo bò, tăng thu nhập mà còn nâng cao kiến thức, biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc… Thời gian tới, huyện tiếp tục mở lớp tập huấn cho các hộ làm nông trại để chuyển giao kiến thức phát triển mô hình này.
Có thể nhân rộng mô hình?
Bác sĩ thú y Nguyễn Tường Hải, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư – đơn vị chủ trì dự án cho rằng, vỗ béo bò là hình thức tăng cường thể trọng bò gầy, rút ngắn thời gian nuôi, xuất chuồng nhanh nên hiệu quả rất cao, hộ chăn nuôi bò dễ áp dụng. Tuy nhiên, để nhân đại trà không phải hộ nào cũng làm được vì thiếu nguồn cung cấp bò gầy. “Nguồn bò gầy rất khan hiếm, muốn kiếm được số lượng lớn chỉ có sang Campuchia. Tuy nhiên, các hộ nuôi bò không phải ai cũng làm được. Vì thế, phát triển loại hình này cần những hộ chuyên nghiệp…”, bác sĩ Hải nói.
Được biết, bò đưa vào vỗ béo là những con bò không sử dụng cho mục đích sinh sản hay cày kéo; bò gầy suy dinh dưỡng; bò thịt hết tuổi lớn. Cũng giống như nuôi bò bình thường, chuồng trại cần thoáng mát, sạch sẽ, tiến hành tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Thức ăn bò vỗ béo gồm: thức ăn thô xanh (cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp), thức ăn tinh: cám tổng hợp chuyên dùng. Ngoài ra, còn bổ sung thêm chất khoáng, vitamin… Thời gian vỗ béo từ 60 đến 90 ngày hay 24 – 36 kg/con/tháng tùy theo bò, thể trạng, tỷ lệ tăng trọng, tiêu tốn thức ăn và hiệu quả kinh tế. Bình quân lãi ròng từ vỗ béo bò khoảng 2 triệu đồng/con/tháng. Các khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh nơi nào cũng có thể triển khai mô hình này song quan trọng là tìm được nguồn bò để vỗ béo.