Hưng Yên áp dụng VietGAP trong chăn nuôi cho năng suất chất lượng cao

Tỉnh Hưng Yên đang triển khai dự án ‘Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo hướng VietGAHP giai đoạn 2016-2020’.

Nhằm không ngừng nâng cao năng suất chất lượng các mặt hàng nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên đang triển khai dự án ‘Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo hướng VietGAHP giai đoạn 2016-2020’. Mục tiêu của dự án nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng VietGAHP gắn với an toàn dịch và bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn và sức khỏe cộng đồng.

Trao đổi với báo Vietnam+, ông Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho hay với dự án trên, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp là 55%; trong đó chăn nuôi gia cầm đạt 30%, chăn nuôi an toàn sinh học đạt 40%-45%; chuyển đổi cơ cấu giống gia cầm theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông màu, nhân rộng đàn gà Đông Tảo, Đông Tảo lai lên 55%-60% cùng với các loại gà trứng Ai Cập, Isa Brown; phát triển các giống vịt có năng suất, chất lượng cao như giống Kaki campell, Triết Giang…

Hưng Yên áp dụng VietGAP trong chăn nuôi cho năng suất chất lượng cao - hung yen dau tu chan nuoi theo huong viet gap tang nang suat chat luong 1 1

Tỉnh Hưng Yên đầu tư lớn cho chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Đồng thời, tỉnh Hưng Yên cũng đã có kế hoạch đầu tư hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ tham gia dự án mua con giống, làm đệm lót sinh học, vắcxin phòng dịch bệnh…  Theo đó mỗi hộ chăn nuôi có quy mô từ 500 con trở lên sẽ được hỗ trợ 30 nghìn đồng/con gà thịt Đông Tảo, Đông Tảo lai; 50 nghìn đồng/con gà hoặc vịt hậu bị đẻ trứng; tiền làm đệm lót sinh học được hỗ trợ 300 nghìn đồng/100 con/năm.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng kế hoạch chi tiết; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện dự án; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gia cầm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm gia cầm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đó trong năm 2015, tổng đàn gia cầm của tỉnh có gần 9 triệu con; trong đó đàn gà Đông Tảo và Đông Tảo lai khoảng 1,3 triệu con, chiếm 15%. Với dự án trên từ nay đến năm 2020, mỗi năm tỉnh Hưng Yên sẽ có hơn 51 nghìn con gia cầm được nuôi an toàn sinh học để đến năm 2020 có tối thiểu 250 nghìn con gà và 12 nghìn con vịt được nuôi theo mô hình này; hơn 650 tấn thịt gà và hơn 5 triệu quả trứng gia cầm là sản phẩm an toàn sinh học.

Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ các hộ gia đình áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo hướng VietGAHP đạt 35-40%.

Trên thực tế, Hưng Yên không phải địa phương đầu tiên chuyển hướng nông nghiệp sang chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ cách đây 2 năm, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã nỗ lực duy trì mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình). Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hoá và chứng nhận VietGAP”, theo thông tin trên báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Hưng Yên áp dụng VietGAP trong chăn nuôi cho năng suất chất lượng cao - hung yen dau tu chan nuoi theo huong viet gap tang nang suat chat luong 2

Trước đó tỉnh Lào Cai cũng lập dự án trồng chè chất lượng cao theo hướng VietGAP, mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Cụ thể tổ hợp tác sản xuất lúa số 2 ấp 9, thuộc cánh đồng mẫu lớn xã Mỹ Lộc đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 cấp giấy chứng nhận mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa phù hợp với quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP có giá trị đến ngày 12/5/2016. Tổng diện tích tham cánh đồng VietGAP là 24,84 ha với 39 hộ tham gia sản xuất từ vụ ĐX 2013 đến nay. Kết quả, năng suất của các hộ nông dân tham gia sản xuất tăng 10 – 15% so với ruộng ngoài mô hình. Mô hình thành công đã góp phần đạt tiêu chí số 13 trong 19 tiêu chí xã nông thôn mới….

Trước đó vào năm 2010, UBND tỉnh Lào Cai cũng giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lập dự án xây dựng 1.000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại huyện Mường Khương, sau đó mở rộng ra các huyện Bảo Thắng, Bát Xát… Đến hết năm 2015, Lào Cai có vùng nguyên liệu đạt khoảng 2.500 ha với 3.000 hộ tham gia.

Ghi nhận trên TTXVN, sản lượng chè búp tươi được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Năm 2015 sản lượng đạt gần 6.300 tấn, giá trị vùng nguyên liệu đạt 40,9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt từ 20 triệu đồng/ha năm 2012 lên 46 triệu đồng/ha năm 2015, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho các hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, người dân vươn lên làm giàu từ cây chè.

Mặt khác, chất lượng chè được nâng cao vì vậy chế biến được những sản phẩm chất lượng tốt. Giai đoạn 2015 – 2020, Lào Cai phấn đấu có 3.800 ha chè theo tiêu chuẩn VietGap, gần bằng 50% diện tích chè hiện có trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Khương và Bảo Thắng.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Hưng Yên áp dụng VietGAP trong chăn nuôi cho năng suất chất lượng cao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *