Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết trong trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện nay, thời tiết đang chuyển lạnh, có thể đi kèm nhiều đợt mưa phùn, rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn vật nuôi; đây là một trong những yếu tố gây hại cho sức khỏe vật nuôi, làm giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn và các bệnh về đường hô hấp … Nếu không được chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống đói rét tốt sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Để chủ động phòng chống đói, rét bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp như sau:
1. Đối với trâu, bò
– Chuồng trại: Chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt: củi, trấu, mùn cưa … để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
– Thức ăn: Thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo…), khoáng, Vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.
– Chăm sóc nuôi dưỡng:
+ Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; trâu, bò già, yếu; gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.
+ Cho trâu bò ăn đủ lượng cỏ các loại (là cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê) với lượng từ 30 – 40 kg và 3,5 kg thức ăn tinh (là bột ngô, sắn, cám gạo…) trong một ngày đêm đối với 01 trâu bò khối lượng 300 kg.
+ Bổ sung muối ăn với lượng 15 g (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hoà vào nước uống (nước ấm là tốt nhất) cho trâu, bò uống.
+ Không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; phải chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa để giữ ấm cho trâu bò. Không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ dưới 120C.
– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng …
2. Đối với lợn
– Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C .
– Cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn.
– Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …
– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho đàn lợn như: Dịch tả lợn, Tai xanh, Lở mồm long móng …
3. Đối với gà
– Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.
– Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà.
– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng.
– Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …
– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đặc biệt là: Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro …
Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, cần theo dõi thường xuyên tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do đói, rét, dịch bệnh.
4. Đối với thuỷ sản
– Trong thời gian giá rét tuyệt đối không kéo lưới, không thu hoạch theo cách đánh tỉa, thả bù để tránh xây sát cho cá. Những cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét cần tổ chức thu hoạch sớm.
– Áp dụng các biện pháp chống rét sau:
+ Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5-2m để lấy nhiệt từ lòng đất giữ ấm nước ao và làm giảm sự biến đổi đột ngột nhiệt độ môi trường. Tiến hành đào một hố sâu trong ao từ 2,5-3m, rộng từ 2-3m2 để cho cá rút xuống trú đông (đây là cách chống rét cho cá qua đông hiệu quả và được nhiều nơi áp dụng).
+ Làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nylon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi và khi trời có nắng sẽ tăng khả năng tiếp thu năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao.
+ Thả bèo tây lên mặt ao từ 1/2-2/3 diện tích mặt ao về phía Bắc (bèo được gom vào một góc ao) tránh thả tràn lan che kín hết diện tích mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao sẽ ảnh hưởng đến thủy sản nuôi.
+ Thả sọt tránh rét cho cá ở các góc phía Bắc của ao nuôi, sử dụng các sọt đan bằng tre, nứa, đưa vào sọt các búi rơm tạo giá thể để cá trú ẩn tránh rét.
– Chăm sóc, quản lý thủy sản nuôi:
+ Cho tôm, cá,… ăn đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn chế biến sẵn vào thời điểm nắng ấm trong ngày để chúng có đủ dinh dưỡng cần thiết. Khi nhiệt độ nước ao ≤ 12oC thì ngừng cho ăn.
+ Hàng ngày theo dõi chất lượng nước, không đưa phân hữu cơ chưa qua xử lý, phân vô cơ xuống ao giữ cho nước sạch để phòng tránh dịch bệnh. Bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cẩu kỹ thuật. Quan sát phát hiện các hiện tượng bất thường để xử lý kịp thời.
Nguồn: nnptntvinhphuc.gov.vn