Nuôi rắn mối hiện đang là một trong những nghề chăn nuôi kiếm tiền hiệu quả nhất của bà con. Vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, đầu ra cho sản phẩm tiêu thụ dễ dàng. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp bà con sớm làm giàu với con đường nuôi rắn mối.
1 Giới thiệu
Nghề nuôi rắn mối phát sinh từ một số hộ nông dân tại tỉnh Bến Tre trong một hai năm lại đây. Thông tin kỹ thuật nuôi còn rất hạn chế nhưng nói chung, rắn mối khá khỏe mạnh và dễ nuôi.
Thị trường tiêu thụ tức đầu ra của rắn mối vẫn còn là dấu hỏi. Nhưng vì thịt ngon nên người nuôi có thể khởi đầu bằng quy mô nhỏ, đủ dùng cho gia đình và làng xóm để tránh rủi ro trong trường hợp thiếu đầu ra.
2 Phân loại
Miền nam gọi là “rắn mối”, miền bắc gọi là “thằn lằn bóng”. Chúng thuộc họ Scincidae (skink), gồm những loài tương tự như thằn lằn nhưng cổ ngắn, chi nhỏ, kích thước dưới 35 cm. Nhóm loài này phân bố rộng trên toàn cầu, ngoại trừ các vùng cực.
Ở Việt Nam có ba loài thằn lằn bóng. Thằn lằn bóng hoa (Mabuya multifasciata), thằn lằn bóng đuôi dài (Mabuya longiccaudata) và thằn lằn bóng Sapa (Mabuya chapaense).
Theo wikipedia, chi Mabuya hiện được giới hạn chỉ cho các loài rắn mối ở Nam Mỹ. Các loài rắn mối vốn thuộc chi này sẽ được chuyển sang chi khác, chẳng hạn các loài thằn lằn bóng ở trên hiện nay là Eutropis multifasciata, Eutropis longiccaudat .
Ở Việt Nam còn có loài rắn mối Eutropis macularia. Loài rắn mối dương Dasia olivacea phân bố rộng khắp vùng Đông Nam Á với đặc điểm phần bụng màu ô-liu. Loài này sống chủ yếu trên cây (tree skink), có lẽ không phải là loài mà chúng ta quan tâm.
Một tài liệu về nuôi rắn mối tạm “phân loại” hai loài rắn mối gồm: rắn mối lưng trơn và rắn mối lưng sọc.
Có bao nhiêu loài rắn mối nội địa? Những loài được chăn nuôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là những loài nào? Đặc điểm sinh học và phân bố của chúng ra sao? Đấy là những câu hỏi hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
3 Con giống
Có thể mua con giống đã thuần dưỡng ở các trại nuôi rắn mối hoặc bắt con giống ở địa phương. Ưu tiên bắt con giống tại địa phương vì chúng hợp với thủy thổ.
Chọn những con to, khỏe và không bị khuyết tật. Phân biệt đực cái: rắn mối đực có đầu và các chi to, mình thuôn, thân và đuôi dài; rắn mối cái có đầu và các chi nhỏ, bụng to, thân và đuôi ngắn, cử động chậm chạp hơn rắn mối đực (nói vậy chớ con rắn mối nào cũng nhanh như chớp!). Rắn mối cái có đốm trắng chạy hai bên hông dọc lưng.
Cách bẫy con giống: câu, bẫy chuột, bẫy lọp, bẫy lọ
4 Chuồng nuôi
Mô hình chuồng trại của anh Hồ Chí Linh: Chuồng được xây theo hình chữ nhật có kích thước 2 x 5 m, cao 0.8 m. Mặt trong thành chuồng nên gắn gạch men trơn để rắn mối không thể bò ra ngoài. Bằng không phải đậy lưới ở bên trên.
Bên trong bố trí gạch ống, ngói bể làm chỗ trú ẩn. Bên trên lót rơm hoặc lá chuối khô làm chỗ tắm nắng. Gạch phải cách thành chuồng 30 cm để rắn mối không nhảy ra ngoài.
Tỷ lệ mái che và bãi tắm nắng là 50: 50. Ban đêm chong đèn tròn để sưởi ấm, đồng thời dụ côn trùng làm thức ăn cho rắn mối. Với kích thước này có thể nuôi tới 1.000 con!
5 Thức ăn
Theo wikipedia, rắn mối là loài ăn thịt, chủ yếu là côn trùng như mối, cào cào, dế, gián, sâu bọ v.v. Một số loài còn ăn cả trùn, ốc, tép, rết, chuột nhắt và cả những loài thằn lằn nhỏ khác. Người nuôi thú cảnh còn luyện cho một số loài ăn thức ăn tổng hợp gồm 60% rau củ và 40% thịt.
Theo tài liệu trên mạng thì rắn mối ăn cả ếch nhái con, vụn cá, thịt heo băm nhỏ, trùn quế, cơm và thức ăn viên công nghiệp… nhưng món khoái khẩu nhất vẫn là mối (bởi vậy nên mới có tên là rắn mối) Nguồn thức ăn tự nhiên không thể đủ. Có người còn nuôi dế và sâu gạo để cung cấp thức ăn thường xuyên cho rắn mối.
Rắn mối thường đánh nhau để tranh ăn nên cần cho chúng ăn đầy đủ để tránh hao hụt. Cho rắn mối ăn 3 bữa/ngày. Nên đặt riêng máng thức ăn và máng nước. Thay nước sạch và làm vệ sinh máng ăn thường xuyên. Lượng thức ăn dự kiến là 0.5 kg/ngày cho 1.000 con rắn mối.
6 Sinh sản
Rắn mối trưởng thành ở 6-7 tháng tuổi, bắt đầu sinh sản ở 8-9 tháng tuổi. Mỗi năm sinh sản 3 lứa. Chúng sinh sản mạnh vào mùa mưa khi lượng thức ăn dồi dào. Rắn mối là loài đẻ trứng trong và sinh con (viviparous).
Thời gian mang thai của rắn mối cái khoảng 2.5 tháng. Rắn mối cái sinh ra một bọc chứa rắn mối con. Rắn mối con tự cắn bọc chui ra. Khi phát hiện thấy rắn mối cái có bầu thì tách riêng ra và thả vào chuồng sinh sản.
Chuồng sinh sản cũng tương tự như chuồng nuôi bình thường nhưng nhỏ hơn, có nhiều lá chuối khô hơn và bố trí ở nơi yên tĩnh. (bắt con rắn mối cái mang bầu bằng cách nào để không làm náo loạn cả bầy?) Sau khi đẻ, rắn mẹ được thả về chuồng nuôi chung. Rắn mối con được nuôi thúc, thức ăn cũng tương tự như rắn mối lớn. Khi đủ to có thể thả về chuồng nuôi chung.