Hiện nay, nhiều địa phương ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) nuôi dê thành công, tiêu biểu là Hợp tác xã (HTX) nuôi dê ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi.
Người khởi đầu nuôi dê trong ấp là anh Trương Minh Thuận. Nhận thấy dê không những là loài vật dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc mà còn thu lợi nhuận cao nên anh Thuận mạnh dạn đầu tư và phát triển nuôi dê. Từ bốn con giống ban đầu, nay bầy dê của anh hơn 40 con. Mỗi năm anh xuất bán khoảng 20 dê thịt, thu nhập trên 50 triệu đồng.
Nhiều nông dân ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi khá lên nhờ nuôi dê – Ảnh: C.Hiểu
Anh Thuận cho biết: “Nhà của tôi ít đất, chỉ làm vuông theo kiểu truyền thống thì không đủ sống. Thấy vậy, tôi mua bốn con dê về nuôi. Ban đầu chỉ nghĩ là nuôi cho vui vậy thôi, không ngờ làm chơi mà ăn thiệt. Dê dễ nuôi mà lời nhiều nữa nên tôi mạnh dạn đầu tư nhân rộng”. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, anh Thuận đem những kinh nghiệm của mình chia sẻ cho bà con trong ấp. Ông Lê Văn Be, Chủ nhiệm HTX nuôi dê ấp Rạch Thọ, cho biết: “Từ một số hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay toàn ấp có hơn 30 hộ dân tham gia, với tổng số trên 450 con dê”.
Nguồn giống ban đầu do bà con mua từ các tỉnh khác về nuôi. Một con dê giống nặng khoảng 10 ký, với giá trên dưới 3 triệu đồng. Sau gần bảy tháng chăm sóc, bà con tiến hành lai tạo cho dê sinh sản và gầy đàn. Do thời gian sinh sản ngắn (khoảng sáu tháng một lứa) nên số lượng đàn dê tăng lên rất nhanh.
Nếu được chăm sóc tốt, sau sáu tháng nuôi dê sẽ đạt trọng lượng 30 kg/con, bán với giá trên dưới 110.000 đồng/kg. Nhờ chi phí bỏ ra thấp cộng thêm việc dê dễ nuôi, phát triển nhanh nên một số hộ dân trong HTX đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Tiêu biểu là hộ của anh Lê Văn Mười Lớn, đây là một trong những hộ có đàn dê với số lượng cao nhất trong ấp, với 45 con. Được biết, gia đình anh đã gắn bó với việc nuôi dê hơn tám năm nay. Mỗi năm gia đình anh bán ra khoảng 25 con dê thịt, mang về nguồn thu trên 60 triệu đồng. Nhờ nuôi dê mà kinh tế gia đình anh khá ổn định.
Theo bà con, nuôi dê không đòi hỏi kỹ thuật cao, cũng không cần chăm sóc phức tạp như những loài vật nuôi khác. Tuy nhiên, vẫn phải chú trọng trong khâu xây dựng chuồng trại. Do dê không ưa ẩm thấp nên chuồng dê thường được cất lên cao ráo và phải tương đối rộng rãi, thoáng mát, ngoài ra, phải có khoảng sân rộng cho dê ở. Để đáp ứng nguồn thức ăn cho dê, bà con chủ động trồng thêm cây so đũa và một số loại cỏ khác.
Mô hình nuôi dê đã mở ra cách làm kinh tế mới cho người dân ở Đất Mũi. Tuy nhiên, về lâu dài, rất cần được sự quan tâm của ngành chức năng trong đầu tư phát triển có quy hoạch và hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh cũng như tìm đầu ra để mô hình mang tính bền vững.