Tắc kè là nguồn dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay nguồn tắc kè trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nên việc phát triển nuôi tắc kè tại hộ gia đình mang lại nhiều lợi ích và rất cần thiết.
Tắc kè trông giống như con thạch sùng nhưng to và dài hơn. Chúng thường sống trong những gốc cây, hốc đá, kẽ hở tường nhà. Tắc kè đực kêu thành tiếng, còn tắc kè cái không biết kêu.
Tắc kè cái trưởng thành ở 12 tháng tuổi và bắt đầu đẻ trứng. Nếu cho ăn uống đầy đủ, một tắc kè cái có thể đẻ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa đẻ hai trứng. Tắc kè không ấp trứng, thời gian trứng nở từ 85-100 ngày, tùy nhiệt độ môi trường. Khi nở tắc kè con chui ra khỏi trứng và hoạt động ngay.
Tắc kè thường kiếm ăn vào buổi tối và trong môi trường yên tĩnh. Mồi của tắc kè là sâu bọ, cào cào, châu chấu, bướm, cánh cam, chuồn chuồn, nhện, dế mèn, mối, gián, ong… Chúng không ăn con mồi chết và ruồi nhặng. Tắc kè có thể nhịn ăn, uống dài ngày, mùa rét có thể nhịn ăn bốn tháng.
Tính ra, nếu một gia đình nuôi bốn thùng tắc kè, mỗi năm có thể thu 150 con. Sau 7-8 tháng nuôi, giá bán khoảng 40.000 đồng/con, trừ chi phí đóng chuồng mua giống còn lãi 4,8 triệu đồng. Nuôi tắc kè không tốn thức ăn mà lại diệt được những loại côn trùng phá hoại mùa màng.
Nguồn: vietlinh.vn