Nội dung chính
Cây Vạng Trứng có tên khoa học: Endospermum chinense Benth. Họ thực vật: Thầu dầu (Euphorbiaceae).
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, có thể cao tới 30-35m, đường kính đạt tới 90-120cm, tán lá rộng. Thân thẳng tròn, vỏ màu vàng sáng có nhiều vết vòng quanh thân, nứt dọc, thịt vỏ trắng, xốp và dầy. Cành và cuống lá có phủ lông hình sao.
Lá đơn mọc cách, cuống mảnh dài bằng lá. Lá non hình tim, dài 10-25cm, màu xanh vàng, lá già nhỏ hơn, hình trứng gần tròn, về phía đuôi lá ở mặt dưới 2 bên đỉnh cuống và đuôi các gân bên có tuyến hình mắt cua.
Hoa đơn tính khác gốc, hoa tự chùm ở đầu cành, hoa không có cánh tràng. Hoa đực thường tập trung ở nách lá bắc. Hoa cái mọc lẻ ở nách lá bắc, vòi nhuỵ rất ngắn, đầu nhuỵ xẻ 2-3 thuỳ hình cầu.
Quả mọng, hình cầu, đường kính 1-1,5cm, mọc ở đầu cành, phủ lông màu hung vàng, cuống quả ngắn. Hạt màu đen, tròn dẹt.
2. Đặc tính sinh thái
Vạng trứng mọc trong rừng thứ sinh, rừng phục hồi vùng đồi núi trên đất sâu ẩm, xen lẫn với các loài Re, Xoan đào, Trám trắng, Lim xanh hoặc với Gội, Giẻ, Ngát, Kháo vàng, Chẹo,… Có khi mọc từng đám sau các đám cây rừng bị chặt hoặc sau nương rẫy.
Vạng trứng phân bố ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, những nơi có độ cao tuyệt đối từ 800m trở xuống.
Vạng trứng thích nghi với vùng có lượng mưa hàng năm từ 1300-2500 mm/năm. Nhiệt độ trung bình từ 20-23oC, độ ẩm 80-85%. Là loài cây ưa sáng, thích hợp với đất ẩm, sâu, nhóm loại đất đỏ vàng trên mac ma axít, đá cát, đá biến chất, đất đỏ bazan.
Hạt nảy mầm tốt, cây mạ nhiều, nhưng bị tầng cây lớn che bóng nên dần bị chết, hoặc còi cọc không vươn lên được tầng trên của rừng.
3. Giống và tạo cây con
Chọn cây mẹ sinh trưởng tốt, thân thẳng, tán cân đối trên 15 tuổi ở rừng chuyển hóa đã được công nhận để lấy giống.
Vạng trứng ra hoa từ tháng 4-6, quả chín vào tháng 10-12 hàng năm. Mỗi kg quả có 4800-5000 quả, có 12000 đến 14000 hạt. Thu hái hạt bằng cách nhặt quả đã rụng hoặc hái quả đã chín trên cây, nếu hạt đã chín thì xát và đãi hạt cho sạch, phơi khô tróng nắng nhẹ.
Tỷ lệ nẩy mầm hạt mới thu hái đạt 80-85%, có thể bảo quản hạt trong cát ẩm, độ ẩm của hạt khi đưa vào bảo quản từ 20-25% trộn đều với cát ẩm 15-16% theo tỷ lệ 1 hạt + 2 cát (theo khối lượng). Hạt được bảo quản đánh thành luống cao không quá 20cm, bề rộng luống từ 80-100cm. Không để luống hạt bị nắng hoặc mưa dột. Cứ 3-5 ngày đảo hạt lên một lần, cát khô phải tưới thêm nước cho đủ ẩm. Bảo quản theo cách này, hạt vạng trứng sau 1-2 tháng giảm tỷ lệ nảy mầm xuống 10%.
Bảo quản hạt ở nhiệt độ thấp, khi đưa hạt vào bảo quản có độ ẩm từ 20-25% hạt được trộn với cát ẩm theo tỷ lệ như trên đựng trong chum vại hoặc thùng tôn và phủ một lớp cát dày 30cm. Thường xuyên kiểm tra tưới nước để duy trì độ ẩm, giữ nhiệt độ thường xuyên 5-10oC.
Hạt sau khi thu hái được làm sạch, gieo vào cát ẩm, sau 7 ngày hạt nảy mầm. Lấy những hạt này để cấy vào bầu (hạt mới lấy không cần xử lý). Vỏ bầu có đường kính từ 7-8cm, chiều cao 12-15cm, làm bằng polyetylen thủng đáy.
Thành phần ruột bầu là đất màu 80% + 20% phân chuồng hoại, bầu xếp thành luống như các cây rừng lá rộng khác. Sau 12 ngày mới mọc lá thật, 35 ngày mới mọc đôi lá thứ 3. Cần chú ý phòng chống kiến, dế cắn cây.
Trong 3 tháng đầu cần che nhẹ cho cây, che 30% ánh sáng, sau 3 tháng cất bỏ dàn che. Thường xuyên tưới đủ ẩm cho cây con, phòng chống sâu phá hại cây con.
Tùy theo thời vụ trồng, tiêu chuẩn cây con khác nhau. Cây trồng vụ Xuân phải ươm 6-7 tháng, đạt chiều cao 0,4-0,5m, đường kính gốc 0,4-0,5cm. Cây trồng vụ Thu, tuổi cây con 10-12 tháng, cao 0,8-1m, đường kính gốc 0,8-1cm.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Đất trồng Vạng trứng là nơi còn tính chất đất rừng, đất rừng kiệt, đất sau nương rẫy, ẩm, sây dày và thoát nước tốt.
Phương thức trồng hỗn loài theo đám hoặc theo băng với các loài cây bản địa khác.
Phát dọn sạch thực bì trên diện tích đám trồng hoặc băng trồng.
Nếu trồng theo băng nên mở băng trồng rộng 15-20m, băng chừa rộng 10m.
Trong băng trồng hoặc đàm trồng đào hố trồng cự ly 3mx3m, kích thước hố 40x40x60cm, có thể bón lót 50-100g phân NPK (5:10:3).
Trồng vụ Xuân hoặc vụ Thu tùy theo vùng.
Chăm sóc cho rừng trồng 3-4 năm liền, mỗi năm 3-4 lần.
Nội dung chăm sóc bao gồm: Phát dọn thực bì theo băng hoặc đám trồng, xới đất, vun gốc cây rộng 0,8-1m, bảo đảm vạng trứng không bị cỏ dại, cây bụi che sáng. Chú ý tỉa cành tạo hình thân thẳng đẹp cho cây.
Đến năm thứ 3, thứ 4 rừng bắt đầu khép tán, nơi đất trung bình cây trồng có đường kính đạt 7-8cm, cao 6-7m.
Khi rừng khép tán cần tỉa cành tạo hình thân cây thẳng đẹp và tỉa thưa loại bỏ bớt cây xấu.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có phẩm chất trung bình, không phân biệt giác lõi, có màu trắng vàng hay màu da cam, để lâu chuyển thành nâu nhạt, mịn, vân không rõ. Gỗ mềm, tỷ trọng 0,48, xếp nhóm VII, ít bị cong vênh, dễ gia công chế biến, dùng để xẻ ván, gỗ bóc làm ván dán, diêm, bút chì, đóng đồ mộc trong gia đình, đẽo guốc, một số dụng cụ văn phòng.
Đến năm thứ 8-10, chặt tỉa cây xấu tận thu sản phẩm trung gian.
Nếu gây trồng đảm bảo kỹ thuật thì sau 15-20 năm tạo được rừng Vạng trứng có đường kính 25-30cm, đến tuổi 25-30 tiến hành khai thác chính cung cấp gỗ công nghiệp.
Nguồn:sưu tầm