Chị Lê Thị Hường, trú tại thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) là 1 trong những hộ đầu tiên mạnh dạn xây dựng mô hình trồng nấm linh chi ở địa phương.
Chị Hường cho hay, gia đình chị từ Thanh Hóa vào Đam Rông lập nghiệp năm 2007. Thời gian đầu trên quê mới, cuộc sống gia đình rất chật vật, làm nhiều nghề để mưu sinh, kiếm sống. Nhận thấy nguồn nguyên liệu trồng nấm ở địa phương dễ kiếm, chị Hường bắt đầu quan tâm tìm hiểu về nghề này. Năm 2011, chị Hường bắt tay vào gây dựng cơ sở trồng nấm của gia đình và khởi đầu chọn cây nấm mèo (mộc nhĩ).
Chị Lê Thị Hường giới thiệu về mô hình trồng nấm linh chi của gia đình. Ảnh: Văn Thọ
Từ thành công của nấm mèo, năm 2013, chị Hường mạnh dạn mở rộng từ 2 lán trại lên 5 lán trại trồng nấm, mỗi lán rộng 120m2, treo được 10.000 bịch nấm mèo. Từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình chị Hường thu hoạch 7 tấn nấm mèo khô, doanh thu đạt xấp xỉ 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 350 triệu đồng.
Cuối năm 2015, vợ chồng chị Hường mạnh dạn đầu tư làm thêm 2 trại trồng nấm linh chi đỏ. Giống nấm này tuy đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, bài bản nhưng mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều người vào thăm trại nấm linh chi rất bất ngờ bởi những tai nấm không thua kém gì nấm được trồng ở các trại lớn ở thành phố Đà Lạt. Hiện, lớp nấm linh chi của gia đình chị đã bước sang tháng thứ 4, chỉ còn non 1 tháng nữa là cho thu hoạch. Theo chị Hường ước tính, 1 trại nấm linh chi 3.000 bịch, đợt 1 thu 25kg, đợt 2 thu 18-20kg nấm khô. Như vậy, mỗi năm 2 trại nấm linh chi sẽ mang thêm về cho gia đình chị doanh thu từ 110-120 triệu đồng.
Hiện nay, gia đình chị Hường đã chủ động đầu ra cho sản phẩm nấm mèo và nấm linh chi bằng việc trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ với một số doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh. Học làm theo gia đình chị Hường, nhiều hộ quanh vùng đã phát triển nghề trồng nấm. Trại nấm của gia đình chị trở thành địa chỉ cung ứng phôi nấm, bản thân chị trực tiếp tư vấn kỹ thuật cho bà con…
Nguồn: sưu tầm