Giá trị dinh dưỡng của nấm sò

Nấm sò được mệnh danh là loài cây cứu tinh của con người với những công dụng gây ngạc nhiên các nhà dinh dưỡng và y học trên thế giới…

Giá trị dinh dưỡng của nấm sò - nam so trang 640x480

Ở nước ta Nấm sò còn có tên gọi là Nấm bào ngư, Nấm hương chân ngắn, Nấm sò xám, Nấm trắng, Nấm dai… (tên khoa học là Pleurotus), thường mọc hoang trên thân gỗ, mọc đơn độc hay mọc chồng lên nhau và có nhiều loại khác nhau về màu, hình dạng, ít bệnh và rất dễ trồng. Nấm sò có dạng hình phễu lệch, thân có 3 phần gồm mũ, phiến và cuống nấm.

Giá trị y dược của nấm sò

Các nhà khoa học cũng đã phân tích thành phần có trong Nấm sò tươi: prô-tít 4%, glu-xít 3,4%, vi-ta-min C, vi-ta-min PP, a-xít fô-líc, các a-xít béo không no… Khi Nấm sò dưới dạng sinh khối khô, hàm lượng prô-tê-in chiếm tới 33 – 43%, ngoài ra còn thấy các a-xít a-min như glu-ta-míc, va-lin, i-sô-lu-xin… Với các kết quả nghiên cứu dược lí người ta cho biết, trong nấm sò có chất plu-tô-rin có công hiệu kháng khuẩn gram dương và kháng cả tế bào ung thư… Các nghiên cứu khác có tác dụng làm giảm thiểu đối với cô-lét-xtơ-rôn và đường máu cho kết quả khả quan.

Đối với  Đông y, Nấm sò có vị ngọt, tính ấm, công năng tán hàn và thư cân… Nấm sò còn có nhiều đặc tính của biệt dược:

– Có khả năng phòng và chữa các bệnh như làm hạ huyết áp;

– Chống béo phì, chữa bệnh đường ruột, tẩy máu xấu…;

– Làm giảm cô-lét-xtơ-rôn trong máu;

– Hỗ trợ người bị bệnh gút trong chế độ dinh dưỡng;

– Đặc biệt là đã có một số công trình nghiên cứu còn cho rằng Nấm sò có khả năng chống bệnh ung thư. Tác dụng chống ung thư của Nấm sò do sự hiện diện của lô-va-sta-tin trong tai nấm, tập trung ở phiến nấm và ở bào tử nấm.

Giá trị dinh dưỡng của nấm sò

Nấm sò có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, chứa nhiều prô-tê-in, vi-ta-min và các a-xít a-min có nguồn gốc thực vật, dễ hấp thụ bởi cơ thể con người. Đặc biệt với hàm lượng prô-tê-in chiếm tới 33 – 43%, Nấm sò hoàn toàn có thể thay thế lượng đạm từ thịt, cá… có nguồn gốc từ động vật. Do đó, nấm sò còn được gọi là “thịt chay”, “thịt sạch” khi được sử dụng như nguồn cung cấp prô-tê-in chủ yếu qua các bữa ăn.

Do đặc tính sinh học, các chất dinh dưỡng và vi chất có lợi cho sức khỏe con người dễ dàng được chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể, phù hợp với các giải pháp “ăn kiêng” dành cho các bệnh nhân tiểu đường, gút, mỡ máu… cũng như người có thói quen ăn chay.

Đối với người suy nhược cơ thể, các món ăn chế biến từ nấm giúp phục hồi sinh lực nhanh chóng. Việc chế biến các món ăn cũng không đòi hỏi cầu kì mà vẫn rất ngon miệng như nấu cháo, xào, nấu canh, luộc… vừa có tác dụng bổ dưỡng, vừa có tác dụng trị bệnh.

Cũng trong một bữa ăn gia đình, nấm sò có thể xuất hiện trong nhiều món khác nhau mà không gây nhàm chán về khẩu vị, phù hợp với mọi người trong gia đình.

Hiện nay, trên thị trường đang có bán rất nhiều loại nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong đó có Nấm sò. Phần nhiều trong số đó có chứa các độc tố có hại cho cơ thể do người sản xuất chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ đúng hoặc cố tình làm sai quy trình trồng nấm.

Nguồn: caygiong.org

Thảo luận cho bài: Giá trị dinh dưỡng của nấm sò

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *