Nội dung chính
Để trồng nấm mỡ tốt nhất đối với các tỉnh phía Bắc, khi cấy giống bắt đầu từ 15/10 đến 15/11 dương lịch hàng năm. Nếu làm sớm hoặc làm muộn hơn sẽ gặp thời tiết không thuận lợi, dẫn đến năng suất thấp.
1. Đặc tính sinh học (tóm tắt)
Nấm mỡ có tên khoa học là Agaricus gồm loại A.bisporus và A.bitorquis màu trắng, màu nâu. Nấm mỡ có nguồn gốc từ những nước có khí hậu ôn đới. Quả thể “cây nấm” rắn chắc gồm phần mũ và cuống rõ rệt. Đến giai đoạn phát triển, màng bao bị rách, bào tử bắt đầu phát tán từ phiến nấm, nấm nở như một chiếc ô.
Các bào tử phát tán trong không khí gặp điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển thành hệ sợi sơ cấp và thứ cấp, hệ sợi kết hợp với nhau hình thành quả thể nấm.
– Nhiệt độ thích hợp trong giai đoạn hệ sợi phát triển là 24-25°C, giai đoạn hình thành cây nấm là 16-8°C.
– Độ ẩm trong cơ chất (môi trường nuôi nấm) từ 65-70%. Độ ẩm không khí ≥ 80%. Độ pH = 7-8 (môi trường trung tính đến kiềm yếu).
– Ánh sáng: không cần thiết
– Độ thông thoáng: vừa phải
– Dinh dưỡng: không sử dụng xenlulô trực tiếp
Hàm lượng các chất khoáng trong thức ăn của nấm như sau:
N (đạm) 2,2 – 2,5%
P (phốtpho) 1,2 – 2,5%
CA (canxi) 2,5 – 3%
Tỷ lệ C/N 14-16/1
Lượng NH4 (amoni) < 0,1%
W (độ ẩm) 65 – 70%
Quá trình xử lý nguyên liệu trồng nấm mỡ cần phải phối trộn thêm các phụ gia (phân hữu cơ, vô cơ) với nguyên liệu chính để tạo môi trường thích hợp nhất cho nấm phát triển gọi là Composts.
2. Xử lý nguyên liệu
a) Thời gian ủ nguyên liệu:
Để trồng nấm mỡ tốt nhất đối với các tỉnh phía Bắc (khi cấy giống) bắt đầu từ 15/10 đến 15/11 dương lịch hàng năm. Nếu làm sớm hoặc làm muộn hơn sẽ gặp thời tiết không thuận lợi, dẫn đến năng suất thấp.
b) Công thức chế biến Composts tổng hợp:
Công thức 1:
Rơm rạ khô 1000kg
Đạm sunfat amon 20kg
Đạm urê 5kg
Bột nhẹ (CaCO3) 30kg
Supe lân 30kg
Công thức 2:
Rơm rạ khô 1000kg
Đạm urê 3kg
Phân gà 150kg
Bột nhẹ (CaCO3) 30kg
* Cách làm ướt rơm rạ: Rơm rạ khô được làm ướt trong nước vôi (theo tỷ lệ 1 tấn nguyên liệu cần 10kg vôi đã tôi) bằng các cách sau:
– Đổ nước vôi đã gạn trong từ từ vào bể ngâm rơm rạ chìm trong nước 15-30 phút, vớt ra ủ đống.
– Ngâm rơm rạ xuống ao hồ, kênh rạch… vớt lên bờ cứ 1 lớp rạ 20-30cm lại tưới một lớp nước vôi (dùng ô doa tưới).
– Rải rơm rạ ra sân bãi, phun nước trực tiếp bằng máy bơm hoặc ôdoa trong nhiều giờ (kiểu mưa dầm thấm áo) đến khi rơm rạ đủ ướt sẽ có màu nâu sẫm, lấy nước vôi tưới lên lượt cuối cùng và ủ đống.
– Lợi dụng trời mưa, tung rơm rạ ra sân, tưới lại bằng nước vôi đợt cuối, ủ đống.
* Ủ đống: Khi rơm rạ đã được làm ướt theo các cách trên, để ráo nước (12 giờ) bắt đầu chất đống ủ theo sơ đồ sau:
Chất đống rơm rạ làm ướt (1 tấn) đã để ráo nước bổ sung 5kg urê, 20kg sunfat → Để 3-4 ngày, đảo lần 1 → Để 3-4 ngày, đảo lần 2 bổ sung 30kg bột nhẹ CaCO3 → Để 3-4 ngày, đảo lần 3 bổ sung 30kg lân → Để 3-4 ngày, Đảo lần 4 → Giũ tơi → Vào khay.
Quá trình ủ đống; bổ sung hoá chất được tiến hành cụ thể:
– Kích thước đống ủ theo kệ lót (1,5m x 1,5m). Chiều cao 1,5m, tại điểm giữa có cọc tre để thông khí.
– Bổ sung hóa chất ở dạng khô và thật nhỏ, cứ một lớp rơm rạ cao 30cm thì rắc một lớp hoá chất.
– Đảo đều nguyên liệu từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
– Ngày đầu có thể nén chặt rơm rạ, các lần đảo tiếp sau không được nén. Cần tạo độ thông thoáng để đóng ủ lên men tốt.
– 1 tấn rơm rạ đánh đống ủ đo được 13m3.
– Kiểm tra độ ẩm trong mỗi lần đảo. Nếu thấy nguyên liệu khô (vắt rơm không có nước chảy ra tay), cần bổ sung thêm nước, nếu nguyên liệu quá ướt (vắt rơm có nước chảy thành dòng), cần phơi lại sau đó mới ủ đống.
– Trời quá nóng, gió mạnh, quá lạnh cần che phía ngoài thành đống ủ để giữ nhiệt độ trong đống ủ.
– Nếu trời mưa to, ủ đống ngoài trời cần tạo mái đống ủ có hình mui rùa hoặc che đậy phía đỉnh tránh nước mưa thấm sâu trong đống ủ.
– Nền (đáy) đống ủ phải thoát nước tốt.
– Nhiệt độ của đống ủ phải đạt 75-80°C vào ngày thứ 4 đến thứ 7 sau khi ủ đống.
Khi kết thúc quá trình ủ đống (giai đoạn lên men chính 14-16 ngày, composts đạt tiêu chuẩn: độ ẩm 65-70%, pH = 7-7,5); rơm rạ có mùi thơm dễ chịu, không có mùi amoniac, màu nâu sẫm là được.
c) Vào luống:
Có thể vò rối hoặc cuộn thành bó, chiều cao 18-20cm, độ chặt tương đối, bề mặt bằng phẳng. Trung bình 1 tấn rơm rạ khô sau khi ủ vào luống hết một diện tích 30-35m2.
d) Lên men phụ:
Vào luống xong được 7-8 ngày thì kiểm tra nhiệt độ trong luống, nếu đạt 28oC không còn mùi amôniác, độ ẩm chuẩn bắt đầu tiến hành cấy giống.
đ) Phương pháp cấy giống:
Dùng que sắt uốn cong để lấy giống trong chai ra. Kiểm tra thật kỹ xem giống có bị nhiễm bệnh không, bẻ tơi các hạt giống, rắc đều trên bề mặt. Lượng giống cấy cho 1m2 khoảng 300-350g. Lấy tay hoặc cào tự tạo (giống như bàn tay) giũ nhẹ để các hạt giống lọt xuống dưới lớp rơm rạ từ 3-5cm. Lấp phẳng bề mặt nguyên liệu như lúc ban đầu, lấy giấy báo hoặc giấy dễ thấm nước phủ kín bề mặt luống nấm. Hàng ngày tưới nước đủ ướt lớp giấy phủ. Khoảng 15 ngày sau tiến hành phủ đất.
e) Đất phủ và phủ đất:
Đất phủ có kết cấu viên, giàu chất hữu cơ (thường lấy ở tầng canh tác lúa, rau màu), có độ pH = 7, kích thước từ 0,3-1cm.
* Cách làm đất: Dùng cuốc xẻng đạp nhỏ, lấy sảo có nan thưa lắc nhẹ, loại bỏ các hạt đất ở dạng tấm, bụi. Phần còn lại to bằng hạt gạo đến hạt ngô là được. Lượng đất phủ khoảng 20-25kg/m2, chiều cao 2-2,5cm. Khi phủ đất xong, tiến hành tưới nhẹ trên bề mặt. Thời gian khoảng 3-4 ngày sau khi tưới, nước đủ thấm ướt toàn bộ lớp đất phủ là đuợc. Giảm lượng nước tưới trong ngày, duy trì độ ẩm liên tục như vậy đến khi thấy nấm lên (sau 15-20 ngày phủ đất).
Nguồn: caygiong.org