Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây muồng đen

Cây muồng đen có tên khoa học: Cassia siamea Lam, thuộc họ: Vang (Caesalpiniaceae), còn có tên khác: Muồng xiêm. Là cây gỗ nhỡ. Thân hình trụ vặn xoắn. Gỗ có lõi màu đen, cứng, thớ mịn, không mối mọt nên được dùng đóng đồ trong gia đình rất bền và đẹp, hoặc làm đồ mỹ nghệ, nhạc cụ.

Ngoài ra, còn được dùng để trồng rừng, cải tạo rừng; có khả năng cải tạo đất tốt và thích hợp cho việc che bóng một số loài cây gỗ lớn và cây công nghiệp.

1. Đặc tính sinh thái

Có nguồn gốc ở Đông Nam Á, mọc ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin,… Ở Việt Nam cây mọc tự nhiên từ các tỉnh miền Bắc trở vào các tỉnh phía Nam, nhiều nhất ở Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đồng Nai. Phân bố ở độ cao tới 1200m so với mực nước biển, nơi có lượng mưa bình quân năm trên 1500mm nhưng chịu được ở vùng có lượng mưa bình quân năm dưới 500mm.

Cây trung tính thiên về ưa sáng, ưa đất giàu canxi và đất bồi tụ trung tính màu mỡ, ẩm. Mọc được trên đất khô cằn, kể cả đất cát nghèo xấu. Cây mọc nhanh, sức nảy chồi khoẻ. Cây 3-5 tuổi bắt đầu ra hoa quả.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây muồng đen - 11083574 640x480

Hàng cây muồng đen

2. Kỹ thuật tạo cây con

Chọn những cây từ 8 – 10 tuổi trở lên. Cây thường có chu kỳ sai quả 2 năm; thời gian thu hái vào cuối tháng 2 – 4, khi chín vỏ quả có màu nâu thẫm, hạt đen bóng, cứng. Quả thu về ủ 2 – 3 ngày cho chín đều, mỗi ngày xới đảo một lần. Khi quả chín đều đem phơi quả trong nắng nhẹ 3 – 4 ngày cho quả tách hạt ra, thu hạt hàng ngày, sau đó hong khô nơi mát 3 – 4 ngày; khi hạt khô cho vào chum vại bảo quản ở nhiệt độ thường.

3 – 5 kg quả sẽ cho 1 kg hạt, số lượng hạt khoảng 32.000 – 36.000 hạt/kg ; tỷ lệ nảy mầm trên 80%.

* Tạo hạt giống: hạt giống muồng đen nhiều, dễ thu hái và có tỉ lệ nảy mầm cao. Có 2 cách xử lý hạt: cho hạt vào nước sôi ngâm đến khi nước nguội, vớt ra rửa chua và ủ 2 ngày thì hạt nảy mầm, đem cấy vào bầu. Hoặc ngâm hạt trong nước ấm 48 – 72 giờ, rồi vớt ra ủ, sau 2 – 3 ngày hạt nảy mầm.

* Tạo cây con: sau khi hạt nảy mầm, cấy mầm vào bầu, mỗi bầu cấy một hạt. Tưới đủ ẩm trên luống bầu. Sau 3 tháng cây đạt chiều cao 25 – 30 cm thì đem trồng.

– Bầu có kích thước 9 x 15 cm, thành phần ruột bầu gồm 80% đất mặt vườn + 20% phân chuồng hoai, những nơi gần rừng ruột bầu có thể là 99% đất dưới tán rừng + 1% supe lân.

– Trong thời gian gieo ươm cần phải chăm sóc cây tích cực. Trong 3 tháng đầu phải đảm bảo cây đủ ẩm, 15 ngày làm cỏ phá váng và tưới nước phân chuồng hoai hoặc phân NPK pha loãng 0,1 – 0,2% (tưới 2,5 lít/m2), 2 ngày tưới 1 lần. Giai đoạn đầu cây con cần che bóng 25%.

– Thời vụ gieo vào đầu mùa mưa, thời gian nuôi cây trong vườn 2 – 3 tháng. Khi cây con có chiều cao 20 – 25 cm, đem trồng ở vườn ươm, sau khoảng 20 – 25 tháng, khi cây cao trên 2m mới đem đi trồng.

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

*Kỹ thuật trồng

Trồng rừng toàn diện trên bãi cát cao hoặc lên líp cao 20-30cm trồng theo đai lưới ô vuông trên bãi cát ẩm ướt mùa mưa, giữa các ô vuông trồng cây nông nghiệp như dưa hấu, dưa gang, đậu, lạc, sắn, hành, kiệu,…

Trồng thuần loài hoặc hỗn giao theo băng với các loài phi lao, bạch đàn, keo lá tràm, keo lá liềm.

Mật độ trồng rừng 2.500 cây/ha (2x2m) hoặc 2.000 cây/ha (2×2,5m). Cuốc hố trồng với kích thước 30x30x40cm, hoặc 40x40x50cm.

Phải rất chú ý kỹ thuật bứng cây, thông thường cây con cao 3m, kích thước bầu phải trên 30 – 40 cm, phía dưới 20 – 30 cm và chiều cao 40 – 50 cm. Để chắc chắn cây sống 100%, kích thước bầu có thể lớn hơn. Nếu dùng kích thước bầu nhỏ hơn để tiết kiệm công đánh bầu và vận chuyển, phải chú ý moi bới lấy càng nhiều rễ và rễ cọc càng tốt. Những rễ bới moi lên này nằm ngoài bầu đất, phải được quấn lại xung quanh bầu để khỏi bị gẫy hoặc xây xát trong lúc vận chuyển. Sau khi đào xong, chưa vội nhấc bầu lên mặt đất mà phải dùng dây ràng buộc bầu theo kiểu mắt cáo để khỏi vỡ bầu. Dùng dao sắc cát những chỗ bị dập. Trước hoặc sau khi bứng cây cần cắt bớt 50 – 70% tổng số lá trên cây để hạn chế thoát hơi nước của lá. Bứng cây ngày nào nên trồng luôn trong ngày đó, không để hôm sau vì để lâu cây dễ chết hoặc cây lâu phục hồi.

* Chăm sóc, bảo vệ

Chăm sóc 3 năm liền, mỗi năm 2 lần. Biện pháp chăm sóc 2 năm đầu là phát dọn thực bì chèn ép cây trồng và vun xới đất quanh gốc rộng 1 m, năm thứ 3 chỉ phát dọn thực bì không cần vun xới.

* Thu hoạch

Gỗ có dác lõi phân biệt, dác màu trắng vàng đến trắng, dày 3-7cm, lõi màu nâu đậm đến đen tím. Thớ thẳng, kết cấu hơi thô, cứng, tỷ trọng 0,912. Lõi khó mục, không bị mối mọt, dùng trong xây dựng, đóng đồ cao cấp, đồ mỹ nghệ.

Cây thường xanh được trồng làm cây bóng mát, cây cảnh quan ven đường, trồng rừng lấy gỗ, trồng rừng phòng hộ vùng cát ven biển. Trồng làm cây che bóng cho Chè, Cà phê.

Sau 3-4 năm chặt bỏ những cây cong queo, sâu bệnh chèn ép cây khác tận dụng làm củi. Rừng 30-40 tuổi có thể khai thác sử dụng.

Nguồn: caygiong.org

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây muồng đen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *