Nội dung chính
Tông Dù có tên khác: Mạy sao, Xoắn xủ, Xoan hôi. Tên khoa học: Toona sinensis (A. Juss) Roem. Họ thực vật: Xoan (Meliaceae).
1. Đặc trưng hình thái
Cây gỗ thân thẳng, cao 20-30m, đường kính ngang ngực 60-100 cm, cành nhánh ít chủ yếu mọc tập trung ở ngọn, tán hình ô. Vỏ màu nâu gạch đến xám, bong mảng, thịt vỏ màu hồng, nhiều xơ, dày 1 cm có mùi hăng như tỏi. Cành non có màu nâu đỏ hoặc lục xám, nhiều bì khổng.
Lá kép lông chim một lần mọc cách, có 10-20 lá chét mọc đối sau hơi cách, mép có răng cưa hay đầu gần nguyên.
Cụm hoa chùm, nhiều hoa màu trắng, đài nhỏ, ngắn, ngoài có lông. Qủa nang hình bầu dục hẹp hoặc gần hình trứng màu nâu bóng, dài 1,5-3cm, rộng 1-1,5 cm, mặt ngoài nhiều bì khổng. Hạt hình bầu dục, một đầu có cánh mỏng màu nâu vàng. Mùa hoa tháng 5-7, quả chín tháng 10-12.
2. Đặc tính sinh thái
Mọc tự nhiên ở nhiều tỉnh phía Nam Trung Quốc và các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang đến Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Mọc chủ yếu ở vùng núi cao từ 800-2000m so với mực nước biển, tập trung nhất ở vành đai cao 900-1200m.
Ưa đất màu mỡ, sâu dày, pH từ 5,5 đến 7-8. Mọc tốt trên đất đá vôi, thường gặp ở những thung lũng, chân hoặc sườn núi dốc nhẹ.
Ưa sáng, rụng lá về mùa khô, mọc nhanh, 5-6 tuổi đã cao 10-15 m, đường kính 20-25 cm, ngay từ nhỏ đã cần ánh sáng hoàn toàn, có khả năng tái sinh bằng hạt và chồi mạnh.
3. Giống và tạo cây con
Thu hái hạt giống ở những cây mẹ trưởng thành ít nhất 8-10 tuổi, thân thẳng, tỉa cành tự nhiên cao, tán lá cân đối, không bị sâu bệnh. Chỉ thu hái những quả có vỏ chuyển tù màu xanh sang màu nâu vào khoảng tháng 11-12. Không để quả chín, khô, nứt vỡ, hạt phát tán xa thu nhặt khó khăn và cho tỷ lệ nẩy mầm thấp.
Qủa lấy về phơi nắng nhẹ cho nứt vỏ để tách hạt. Một kg có khoảng 6200-6500 hạt, trong đó loại tốt chiếm 70-80%. Phơi khô hạt ngoài không khí rồi cho vào chum vại sành sứ để bảo quản khô thông thường.
Ngâm hạt trong nước ấm 1-2 giờ, vớt ra gieo thẳng vào bầu hoặc gieo lên luống tạo cây mạ rồi cấy vào bầu có kích cỡ 8×15 cm, vỏ làm bằng Polyetylen ruột bầu gồm hỗn hợp đất mặt có thành phần cơ giới nhẹ với 10% phân chuồng hoai và 1% supe lân.
Cắm ràng che bóng 40-60% cho cây trong 2-3 tháng đầu. Thường xuyên tưới nước đủ ẩm và định kỳ 4-5 tuần làm cỏ phá váng 1 lần. Khi cây được 4-5 tháng tuổi cao 30-40 cm, xanh tốt, khoẻ mạnh là đạt tiêu chuẩn đem trồng.
Thu hạt gieo ngay vào tháng 12-1 là tốt nhất, trồng vào tháng4-5, chậm nhất là tháng 7-8.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Chọn đất ít chua, sâu ẩm nhưng thoát nước tốt để trồng là thích hợp. Đất dưới các trảng cỏ cây bụi hoặc rừng phục hồi sau nương rẩy nằm trong vùng phân bố của nó đều có thể trồng Tông dù, nhất là đất phát triển trên nền đá vôi, không trồng trên đất chua pH dưới 5.
Xử lý thực bì toàn diện, phát dọn sạch, hố đào 40x40x40cm theo đường đồng mức.
Mật độ trồng 1000 cây/ha, cự ly 5x2m và kết hợp trồng xen cây lương thực trong 2-3 năm đầu. Nếu không nông lâm kết hợp cần trồng dày hơn, mật độ 1300 cây/ha (cự ly 3×2,5m) hoặc 1600 cây/ha (cự ly 3x2m).
Có thể trồng bằng cây con có bầu hoặc rễ trần vào những ngày mát, mưa phùn. Chăm sóc ít nhất trong 3 năm liền, 2-3 lần/năm, chủ yếu phát luỗng dây leo cây cỏ xâm lấn và vun xới đất quanh gốc rộng 0,8-1m.
Chú ý phòng chống cháy và phòng trừ sâu bệnh cho rừng trồng nhất lá sâu đục ngọn thường xuất hiện vào năm thứ 2-4 sau khi trồng.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có giác và lõi phân biệt rõ, giác mỏng màu nâu vàng, lõi màu nâu đỏ thẩm, vân thẳng, mùi hắc. Gỗ nặng trung bình, tỷ trọng từ 0,55-0,62, tương đối cứng, ít co nứt, dễ chế biến, ít bị mục, dễ bám sơn và keo dính. Màu sắc của gỗ đẹp, ít mối mọt, có thể dùng trong xây dựng, đóng bàn ghế, tàu thuyền, xe cộ, nông cụ, nhạc cụ,… Người H’Mông dùng lá và chồi non làm rau ăn.
Từ năm thứ 6 trở đi chú ý chặt bỏ những cây lấn át quanh cây trồng kết hợp tỉa bớt những cây mọc kém để lại 500-800 cây/ha nuôi dưỡng đến tuổi 25 hoặc 30 để kinh doanh gỗ lớn.
Gần vài chục năm qua ở ta có nhập trông một loài mới gọi là Lát mêxicô tên khoa học là Cedrela odorata cũng thuộc họ Xoan, có nhiều đặc tính sinh thái, khả năng sinh trưởng cũng như tính chất gỗ rất giống cây Tông dù; chỉ khác là có khả năng trồng được ở vùng thấp, kể cả các tỉnh ở phía Nam nhưng cũng không chịu được đất chua.
Mô hình Tông dù mọc tự nhiên ở Bạch Thông, Bắc Kạn:
Thường gặp ở độ cao từ 600-800m so với mực nước biển, trên đất đá vôi xen lẫn phiến sét có tầng dày. Tổ thành ngoài tông dù có Vàng anh, Lòng mang, Ngát, Dẻ, Gội, Sau sau; độ tàn che 0,5-0,6. Tông dù còn xuất hiện trong các rừng mới phục hồi sau nương rẫy ở độ cao tuyệt đối dưới 500-600m cùng với một số cây ưa sáng mọc nhanh khác.
Lượng tăng trưởng bình quân năm đạt 1,8-2,2m về chiều cao và 1,4-1,7cm về đường kính, có khoảng 224-280 cây tái sinh trên ha. Tuy nhiên ở độ cao dưới 300-400m và trên 800-1000m so với mực nước biển sinh trưởng và tái sinh của tông dù giảm sút đáng kể.
Mô hình Tông dù trồng ở Bạch Thông, Bắc Kạn:
Nơi trồng: Lâm trường Bạch Thông, núi đá vôi, dốc trên 30o, ở độ cao trên 500 m so với mực nước biển. Nhiệt độ bình quân năm 22oC, lượng mưa 1500 mm phân theo mùa. Đất vàng trên núi đấ vôi, tầng dày hơn 50cm, pH=5,0-6,0, thành phần cơ giới trung bình, thoát nước tốt. Thực bì là rừng tàn kiệt do bị khai thác nhiều lần chỉ còn lại cây gỗ rải rác và dây leo bụi rậm.
Rừng Tông dù trồng thuần loài vào vụ Xuân tháng 2/1997, mật độ 3300/ha, cự ly 2m x 1,5m, thực bì được phát dọn toàn diện, cuốc hố 30x30x30cm theo hình nanh sấu. Cây con đem trồng có 9 thàng tuổi, cao 30 cm, đường kính cỗ rễ 0,3-0,5 cm. Chăm sóc trong 3 năm liền, 2 lần/năm vào đâu và cuối mùa mưa.
Đến tháng 5/2001, rừng 5 tuổi tỷ lệ sống đat 70% và bắt đầu khép tán, chiều cao trung bình 6,5m, đường kính trung bình 7cm; đạt được mức tăng trưởng bình quân năm là 1,5m về chiều cao, 1,7cm về đường kính, là cây mọc khá nhanh có mức tăng trưởng xấp xỉ với Tông dù ở rừng tự nhiên.
Trong 1-3 năm đầu khi rừng chưa khép tán đã trồng xen Đỗ tương, Lạc với Tông dù, vừa tận dụng đất tăng thu sản phẩm, vừa bảo vệ đất đai chống xói mòn.
Nguồn: vafs.gov.vn