“Lợn rừng là loài vật sống hoang dã, nhưng hiện đang được nhiều chủ trang trại nuôi thuần hóa rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để nuôi được lợn rừng cần phải biết cách xây dựng chuồng trại sao cho phù hợp thì đàn lợn nuôi mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt, đạt chất lượng con giống, thịt thương phẩm như ý muốn”. Đó là quan điểm của “vua lợn rừng” đất Bắc Hoàng Thắng – chủ trang trại lợn rừng NTC (Hà Nội).
Chuồng nuôi lợn rừng sinh sản tại trang trại NTC được thiết kế hiện đại. Hải Đăng
Hiện, anh Thắng đang làm chủ hệ thống 2 trang trại lợn rừng, gà rừng, rau rừng ở tỉnh Hòa Bình và TP.Hà Nội. Anh Thắng cho biết, để xây dựng được chuồng trại nuôi lợn rừng vừa đẹp, phù hợp với loài vật hoang dã này, các chủ trang trại cần tiến hành các bước như sau:
1. Nguyên vật liệu xây chuồng
Có thể làm chuồng bằng gạch, tre, nứa, gỗ hoặc quây thép lưới B40.
2. Vị trí và hướng xây chuồng
- Xây chuồng hướng Nam hoặc Đông Nam là tốt nhất, tránh gió Đông Bắc thổi trực tiếp vào chuồng. Chuồng nuôi phải đảm bảo luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
- Chọn địa điểm cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh.
3. Kiểu chuồng
a. Chuồng lợn hậu bị và sinh sản
- Kiểu chuồng bán tự nhiên nên có càng nhiều cây xanh phủ mát càng tốt, kín đáo, tối nhưng không ẩm ướt. Chuồng phải được thiết kế đảm bảo vệ sinh, dễ cho ăn, chăm sóc, thoáng mát, trao đổi không khí thuận lợi, tránh sự tác động của môi trường xung quanh chuồng nuôi.
- Dùng lưới B40 quây thành các ô nuôi, mỗi ô khoảng 300m2, có trụ đỡ cho bờ rào lưới là các cọc sắt và cọc bê tông, cọc bê tông được dựng vừa có tác dụng làm khung, vừa có khả năng chống đỡ, các cọc sắt cách nhau 1,5m. Chân bờ rào đào móng kiên cố và chôn sâu lưới B40, chốt chặt bằng cọc sắt sâu khoảng 30cm để hạn hạn chế khả năng đào hang của lợn rừng, chiều cao của lưới đảm bảo 1,2 – 1,5m.
- Trong ô nuôi lợn rừng đó xây 1 nhà dài có mái che, đủ ánh sáng và tránh nắng, mưa tạt, gió lùa khi lợn rừng vào trú, nền nhà có thể láng xi măng. Nếu là nền xi măng cần đổ ít cát vào. Nền nhà được tôn cao hơn xung quanh 20-30cm để tránh bị đọng nước. Cần lót rơm, cỏ khô vào nền chuồng để tránh trơn trượt.
- Chuồng cần đào hoặc xây các hố nước, bùn nông, gần nguồn nước vì lợn rừng thích đầm mình làm mát và hay uống nước.
b. Chuồng nuôi lợn đẻ
- Về kỹ thuật chuồng lợn đẻ cũng được quây lưới B40 giống như chuồng hậu bị và sinh sản. Tuy nhiên do mật độ 1 con/ ô nên diện tích chuồng khoảng 30-35 m2. Một điểm đáng lưu ý nữa là do mắt lưới B40 tương đối to so với kích thước lợn con nên xung quanh lưới B40 từ dưới đất lên 20cm đảm bảo phải được rào kỹ hoặc được nẹp bằng các thanh tre, gỗ tránh cho lợn con mắc kẹt tại đó.
- Bên trong ô nuôi lợn đẻ có 1 nhà nhỏ 6-8 m2 để làm ổ đẻ cho lợn, vứt rơm khô, cành cây hoặc lá khô vào lợn sẽ tự làm ổ đẻ trong đó. Ổ đẻ cần đảm bảo cao ráo và tránh ẩm ướt, phía bên ngoài ổ đẻ có cửa để nhốt lợn bên trong khi trời mưa, gió lạnh. Toàn bộ diện tích còn lại bên ngoài sẽ được làm sân chơi và tập thích nghi dần cho lợn con trong điều kiện sống bán thiên nhiên.
4. Máng ăn, máng uống
- Máng ăn, máng uống được thiết kế cố định tại phía đầu chuồng và là nơi thấp nhất, điều này giúp cho việc dọn dẹp và luôn đảm bảo vệ sinh được sạch sẽ.
- Máng ăn, máng uống cần có độ cao thích hợp (12-20cm) tuỳ theo khối lượng của lợn. Chiều dài của máng được thiết kế dài 1,8-2m, đáy máng rộng 20-30cm. Loại máng xây cố định thì đáy máng phải cao hơn so với mặt nền 5-7cm để dễ thoát nước khi cọ rửa.
- Vệ sinh: bên ngoài chuồng nuôi phải có hố chứa nước thải, có nắp đậy nếu cần thiết, đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường.
5. Diện tích chuồng nuôi
- Lợn đực giống: 50-70m2/con. Có thể nuôi chung 3-4 con trong 1 khu đất rộng. Những tốt nhất tách nhốt từng đực giống riêng.
- Lợn hậu bị sinh sản: 30-40m2/con.
- Lợn nái đẻ, nuôi con: 30-35m2/ổ.
Nguồn: Sưu tầm