Nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng đã có sự phát triển vượt bậc về năng suất, thu nhập và chất lượng sản phẩm, là “điểm sáng” trong cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp và nông dân về NNCNC là tất yếu, là sự sống còn trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, chứ không còn ở mô hình nghiên cứu, do đó luôn có cách làm sáng tạo để khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ những kết quả đó, Lâm Đồng được T.Ư đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về NNCNC.
Thời gian qua, Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện 39 đề tài nghiên cứu phục vụ NNCNC, xây dựng và phê duyệt năm đề án quy hoạch về vùng sản xuất rau, chè tập trung; nuôi cá nước lạnh, sản xuất cà-phê, lúa; hoa, cây đặc sản và dự án khu công nghệ sinh học, NNCNC Đà Lạt. Đặc biệt, Lâm Đồng đang phối hợp với tổ chức JICA thực hiện Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp.
Nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng đã có sự phát triển vượt bậc về năng suất. Ảnh: Báo Nhân Dân
Đây là cơ hội để ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục “cất cánh” trong giai đoạn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S: “Các doanh nghiệp, nhà nông đã lựa chọn, đầu tư công nghệ, thiết bị phù hợp; xây dựng quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn sản xuất NNCNC. Do đó, các công nghệ tiên tiến trên thế giới được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả, như công nghệ sinh học, thông tin, tưới nhỏ giọt, thủy canh và công nghệ sau thu hoạch…”.
Lâm Đồng xác định mục tiêu và giải pháp cần tập trung từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản như sau: Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.
Tạo đột phá bằng các sản phẩm có vị thế về năng suất, chất lượng, có tầm ảnh hưởng quốc gia và Đông Nam Á như rau, hoa, chè, cà phê, cá nước lạnh, bò sữa, bò thịt chất lượng cao (BBB và Kobe), trung tâm cây dược liệu, đông trùng hạ thảo, trung tâm sản xuất cây giống invitro công nghiệp. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa. Xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam, có tầm cỡ của Đông Nam Á.
Thời gian tới, Lâm Đồng tập trung thực hiện tốt quy hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý để duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 5,5 – 6%/năm; doanh thu trên một đơn vị diện tích đạt 180 – 190 triệu đồng/ha/năm, chuyển mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020: trồng trọt 70 – 75%, chăn nuôi 20 – 25%, dịch vụ 4 – 5%. Tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trung bình từ 3 – 5%/năm, giảm tổn thất các loại nông sản xuống dưới 10%.
Nguồn: sưu tầm