Mô hình chăn nuôi Đà Điểu thành công

Đà điểu là một loại gia cầm có trọng lượng lớn, gần đây đã được chăn nuôi rộng rãi. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn 2 mô hình chăn nuôi đà điểu thành công.

Mô hình nuôi Đà Điểu châu phi của chị Hạnh

Từ ngả ba cầu Chẹt Sậy cũ, về phía Giồng Trôm, men theo đường bê tông về phía bờ sông khoảng 300m là tới trại chăn nuôi đà điểu châu Phi của chị Hồ Thị Thạnh, 47 tuổi, ngụ ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.

Mô hình chăn nuôi Đà Điểu thành công - mo hinh chan nuoi da dieu

Qua thời gian chăn nuôi, đà điểu phát triển tốt và khoẻ mạnh. Đây là con vật sống hoang dã, nên sức đề kháng rất mạnh, rất dễ chăm sóc. Tuy vậy, cũng cần phải tuân theo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chia ra làm 3 giai đoạn.

Nuôi dưỡng, chăm sóc

Mật độ chăn thả mỗi con/25m2, chuồng phải cao ráo, nền lót cát, có lưới kẽm che chắn, bên trong xây mái nhà lợp tôn để đà điểu nghỉ ngơi. Khi bắt thả, dùng tay đỡ ức và phần sau của con vật, tuyệt đối không được cầm chân.

Sau khi thả vô trại, cho con vật uống nước pha thuốc bổ ngày đầu tiên với hàm lượng 100 ml Vitamin B12 trên 10 lít nước. Ngày thứ 2 liều lượng cũng như trên, nhưng tăng thêm 50% nước. Như vậy cho uống 5 ngày liền, sau đó vẫn tiếp tục cho uống nuớc lắng trong thường xuyên hằng ngày. Sau 6 giờ thả vô chuồng mới cho ăn. Thức ăn là cám cho gà ăn và rau ngâm nước muối (từ 20–30 phút) rửa sạch, thái nhỏ. Tỉ lệ cho ăn tháng đầu là 1 cám/1 rau.

Tháng thứ 2, cũng cho ăn cám như tháng đầu, nhưng rau tăng lên 2 lần. Tháng thứ 3 trở đi, 10% cám, 80% rau, và 10% thóc ngâm ủ 3 ngày cho nảy mầm. Cứ 3 ngày cho ăn thêm một lần bột sò hay bột xương (loại bột tinh) trộn với thức ăn, liều lượng 10g – 20g.

Mô hình chăn nuôi Đà Điểu thành công - mo hinh chan nuoi da dieu 1 640x360

Phòng bệnh cho Đà Điểu

Trong 2 tháng đầu, cho uống thuốc kháng sinh Amcoli Fort phòng bệnh thường xuyên; cứ 10 ngày 1 lần cho uống thêm thuốc Vitalyte pha trong nước giúp cải thiện sức khoẻ con vật. Khi thấy đà điểu bị ghèn rỉ mắt hoặc phòng ngừa dùng thuốc nhỏ mắt của người sử dụng. Khi mắt bị viêm nhiễm kết mạc dùng thuốc thú y đặc trị.

Vệ sinh chuồng trại nuôi Đà Điểu

Xịt thuốc định kỳ khử trùng cứ 15 ngày 1 lần. Quét dọn phân trong chuồng cho sạch sẽ. Tuyệt đối không nên để vật cứng, nhọn và các thứ khác sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đà điểu. Cách ly vật nuôi gia cầm và thuỷ cầm không cho đến gần chuồng đà điểu.

Qua tròn 2 năm, trại đà điểu 10 con của chị Hồ Thị Thạnh không gặp trở ngại gì cả, vẫn phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 100 kg/con. Số đà điểu mái bắt đầu đẻ và mỗi quả trứng đạt trọng lượng 1,3 kg. Lứa đầu chị chưa cho ấp, chờ lứa sau đà điểu trống phối giống thuần thục rồi mới cho tiến hành ấp nở. Hiện nay, Công ty Hùng Tiến, quận Bình Thạnh, TP.HCM, thu mua đà điểu thương phẩm với giá 150.000 đ/kg. Trừ tiền con giống và thức ăn, chị còn lãi ròng 5 triệu đồng/con. Như vậy, có khả năng nghề nuôi đà điểu sẽ mở ra một hướng phát triển chăn nuôi mới ở nông thôn Bến Tre.

Mô hình nuôi Đà Điểu trên núi của chị Hồng

Đà điểu vốn được xem là động vật dễ nuôi ở xứ nóng, thế nhưng tại Đức Trọng (Lâm Đồng) có một trang trại đà điểu được du nhập từ châu Phi về đang phát triển tốt. Đây là bước đột phá ngoạn mục và đã đem lại thành công cho bà Phan Thị Hồng, chủ trang trại Hồng Phúc.

Bà Hồng được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Lâm Đồng, là chủ trang trại làm ăn hiệu quả và điển hình của tỉnh. Đang là giám đốc một công ty vận tải du lịch khá lớn ở TP Hồ Chí Minh, bà Hồng quyết định “lên núi” đầu tư vốn liếng tậu đất lập trang trại. Trang trại của bà là một bãi đất sình ở thôn Định An, xã Hiệp An, Đức Trọng (sát chân đèo Prenn) lâu nay chẳng ai thèm dòm ngó tới! Sau vài năm cải tạo, nay trang trại có diện tích khoảng 10 hécta.

Chúng tôi ghé thăm trang trại Hồng Phúc nơi có đàn đà điểu to cao trên 50 con đang đùa giỡn. Khu chuồng đà điểu nằm bên trái dành cho ba “gia đình”, mỗi “gia đình” gồm một trống và hai mái, đây là những con đà điểu đầu tiên được đưa từ châu Phi về nuôi thử nghiệm tại xứ lạnh. Nay cả sáu “nàng” đã đẻ trứng đều đặn.

Bà Hồng cho hay thời điểm từ tháng 12 đến tháng 4 đà điểu đẻ đều nhất, mỗi con đẻ từ 6-7 trứng/tháng. Cạnh đó một khu chuồng trại rộng hơn (khoảng 100m chiều dài) có khoảng 40 đà điểu “vị thành niên” đang nhảy múa, chúng đều nặng xấp xỉ 1 tạ/con. Anh Nguyễn Xuân Thảo – người chăm sóc đà điểu cho hay, đà điểu là loài thích chạy nhảy, nên dưới nền phải lót một lớp cát dày 30 cm. Chuồng trại phải luôn luôn sạch sẽ để tránh mầm bệnh, thức ăn của chúng gồm cám hỗn hợp, bắp và rau xà lách. Mỗi ngày đà điểu được ăn 2 bữa chính lúc 6 giờ sáng và 6 giờ tối, buổi trưa ăn dặm rau xà lách, tính ra trung bình một ngày mỗi con ăn hết 1,5 kg cám, chúng lớn nhanh lắm và thân thiện với con người nữa. Khi đà điểu mẹ sắp đẻ trứng thì đà điểu cha hì hục đào lỗ, khi con mái đẻ xong, con trống lấp đất và ấp trứng. Do khí hậu Đà Lạt lạnh nên trứng không nở được, phải cho ấp nhân tạo.

Trước đây bà Hồng phải mang trứng về Sài Gòn nhờ ấp thuê nhưng trứng chỉ nở được 30-40%. Sau này bà ra Ba Vì mua một máy ấp đưa thẳng về Đà Lạt, chỉ sau 45 ngày ấp tỷ lệ trứng nở đạt 80-90% ngoài sự mong đợi. Đà điểu nở ra phải chích ngừa ngay, sau hơn hai tháng nuôi dưỡng có thể bán 3,5 triệu đồng/con. Có nhiều người tới hỏi mua trứng đà điểu xuất khẩu nhưng bà Hồng không bán (xuất qua Úc 75 USD/trứng). Bà Hồng cho hay giá thịt đà điểu trên thị trường 250.000đ/kg, mỗi tháng bà cung cấp cho một nhà hàng ở TP.HCM gần 3 tạ thịt. Đà điểu mẹ có giá khoảng 20 triệu đồng/con.

Không chỉ nuôi đà điểu, bà Hồng còn biến nông trại của mình thành địa điểm du lịch. Bà Hồng dự định xây dựng khu khách sạn phía mặt tiền dọc theo Quốc lộ 20, ở đây du khách có thể nghỉ lại qua đêm để mỗi sớm được nghe tiếng gà gáy sáng, được xem đà điểu nhảy múa tung tăng, được dạo quanh vườn hoa thưởng thức hương thơm của địa lan, phong lan.

Nguồn: vietlinh.vn

Thảo luận cho bài: Mô hình chăn nuôi Đà Điểu thành công

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *