Mô hình nuôi đà điểu – gà – heo

Mô hình chăn nuôi gà, heo và đà điểu của anh Tám Hữu ở xã Hưng Khánh Trung (chợ Lách, Bến Tre) được chính quyền địa phương đánh giá là táo bạo và nhiều triển vọng.

Mô hình nuôi đà điểu - gà - heo - mo hinh nuoi da dieu ga heo 500x375

 

Nghiên cứu kỹ về kỹ thuật nuôi đà điểu; tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại điểm nuôi ở TP Hồ Chí Minh, anh Tám Hữu khẳng định sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình chăn nuôi trên.

Trong chuyến tham quan “tiểu trang trại” của anh Hứa Huy Hữu (Tám Hữu) và vợ là chị Lê Thị Nở, ở ấp Gia Khánh, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, Bến Tre, đoàn cán bộ lãnh đạo xã và huyện Chợ Lách đều khâm phục hiệu quả và cung cách làm ăn của vợ chồng anh. Ông Huỳnh Nam Bình, Bí thư Huyện ủy huyện Chợ Lách cho rằng: mô hình nuôi đà điểu của anh Tám Hữu là rất mới mẻ và táo bạo, có tính đột phá. Lãnh đạo huyện sẽ theo dõi và có biện pháp hỗ trợ để anh Tám Hữu thành công với cách làm ăn mới”.

Từ tháng 3-2003 anh Hữu đã làm chuồng và đưa ba con đà điểu từ một trang trại ở TP Hồ Chí Minh về nuôi. Mỗi con nặng 100 kg, giá ba con tổng cộng 36 triệu đồng, chuyên chở về và một số chi phí phụ trợ hết gần 40 triệu đồng. Khi quyết định đầu tư như vậy, anh đã lạc quan trước con vật nuôi rất mới này ở vùng ÐBSCL. Anh Hữu giải thích rằng: “Theo tôi tham quan, học hỏi tại điểm nuôi đà điểu ở TP Hồ Chí Minh thì con đà điểu thích hợp được với khí hậu các tỉnh phía nam. Tôi vững tin rằng, ở Bến Tre hay đồng bằng sông Cửu Long, đà điểu thích hợp, phát triển và đẻ trứng được. Thức ăn cho đà điểu là cám, thức ăn hỗn hợp dạng viên và cỏ vốn rất sẵn ở đây”.

Anh Hữu phân tích: thịt đà điểu hiện nay giá 170.000 đồng/kg; da đà điểu giá đắt hơn da bò, dùng để thuộc da làm dây nịt, giày da, túi xách. Mỗi con đà điểu mái trưởng thành, mỗi năm đẻ từ 70 – 100 trứng, chỉ cần hơn 50% số trứng này ấp đạt kết quả, nuôi con sống và phát triển tốt, mỗi năm có thể có thêm 50 con đà điểu mới được con mẹ sinh sản. Sau 18 tháng đà điểu con sẽ phát triển và cân nặng 100 kg, giá bán thấp nhất cũng phải đạt từ 10 -12 triệu đồng/con. Với bài tính như vậy anh Hữu mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi khá táo bạo.

Ði lên từ làm cây giống và chăn nuôi heo, gà, hiện nay 10.000 m2 vườn của anh có giá trị kinh tế khá cao. Một nhà lưới với khoảng 500m2, hàng nghìn cây giống sạch bệnh được anh sản xuất hàng năm cung ứng cho thị trường. Trại chăn nuôi là những dãy dài với 2.000 gà công nghiệp đang cho trứng, bốn con heo nái đang nuôi con và sau vuờn là chuồng nuôi đà điểu với lưới B40 khoảng gần 2.000m2 làm chuồng thả ba con đà điểu.

Sau bảy tháng, ba con đà điểu đều phát triển tốt. Theo chị Nở, vợ anh Tám Hữu, hiện nay mỗi con đà điểu nặng gần 150 kg. Anh Hữu đã giảm chế độ ăn để chuẩn bị phối giống và cho đà điểu đẻ trứng.

Khảo sát và phấn khởi trước thành công bước đầu của anh Hữu trong làm ăn kinh tế vườn kết hợp với chăn nuôi, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Ngọc Phong cho rằng: “Trong các mô hình khai thác kinh tế vườn, chăn nuôi, mô hình chăn nuôi gà, heo và đà điểu của anh Tám Hữu là có nét mới và nhiều triển vọng”.

Chị Lê Thị Nở cho biết: “Nhờ đồng vợ đồng chồng, quyết chí làm ăn nên hiện nay gia đình tôi đã tích lũy được một ít vốn, có kinh nghiệm làm ăn từ mảnh vườn gia đình”. Tổng số vốn mà gia đình anh đầu tư chuồng trại đã vượt qua con số 300 triệu đồng. Khi hỏi bí quyết giúp vợ chồng anh thành công, anh Hữu cho rằng: “Trong công việc làm ăn, chúng tôi thuận vợ thuận chồng, nghiên cứu kỹ, học hỏi người đi trước, tham khảo sách báo, lấy câu ăn chắc mặc bền làm trọng”.

QUỐC ANH
(Báo Sài Gòn tiếp thị)

Thảo luận cho bài: Mô hình nuôi đà điểu – gà – heo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *