Được hỗ trợ giống và chuyên gia Nhật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, nhiều nông dân ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, H.Kon Plông (Kon Tum) đã trồng giống bí đỏ Nhật cho hiệu quả kinh tế cao.
Vườn bí phát triển, cho quả đúng theo yêu cầu chuyên gia Nhật đặt ra – Ảnh: Phạm Anh
Đến thôn Tu Rằng trong những ngày này, vẫn còn nhiều vườn bí đỏ Nhật chưa thu hoạch, lá xanh mơn mởn, hoa vàng rực trong nắng. Quan sát, chúng tôi thấy bí đỏ được trồng theo từng luống rộng chừng 4 m, dài 10 m. Chị nông dân tên Thức cho biết, giống và kỹ thuật đều do chuyên gia người Nhật trực tiếp hướng dẫn, nên phải chăm sóc theo quy trình họ đưa ra, nếu làm sai quả sẽ không đạt chất lượng. Vì vậy, từ vụ đầu tiên (đầu năm 2015) đến giờ, ai cũng tuân thủ trồng một cây chỉ để lại hai nhánh và mỗi nhánh chỉ để 2 quả.
Sau 3 tháng chăm sóc, vụ thứ ba đã cho thu hoạch vào cuối năm 2015 với mỗi quả bí nặng 1,7 – 2,5 kg, 1 ha cho trung bình 15 – 17 tấn quả. Với giá bán 7.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi vụ chúng tôi thu về khoảng 50 – 70 triệu đồng/ha sau khi đã trừ tất cả chi phí sản xuất
Anh Lê Văn Tú, một nông dân trồng bí đỏ Nhật
“Giống bí địa phương thì dễ trồng nhưng chất lượng cũng như giá cả khá thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Còn trồng bí giống Nhật quy trình nghiêm ngặt, tốn nhiều công nhưng chất lượng bí cao, giá bán thì không lo bởi có nhà máy ở tỉnh Quảng Nam thu mua tất cả”, anh Lê Văn Tú, một nông dân trồng bí đỏ Nhật, cho biết thêm.
Cũng theo anh Tú, từ khi trồng thử nghiệm bí đỏ Nhật, một chuyên gia người Nhật đã về đây cùng làm, cùng ăn ở với bà con. Mùa đầu tiên, gia đình anh trồng thử 4 khoảnh (trên dưới 200 m2). Bí khi lớn ra hoa, kết quả rất nhiều nhưng anh cắt hết, chỉ để lại đúng 4 quả/cây và cuối vụ thu về 2 tạ quả, chất lượng bí đạt độ ngọt, độ đường và chuyên gia Nhật rất hài lòng.
Sau thử nghiệm thành công, một doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư về kỹ thuật, máy móc thiết bị, giống để phát triển vườn bí đỏ 2 vụ nữa. Công ty này ký kết hợp đồng với các hộ nông dân, hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm. Thấy hiệu quả kinh tế cao, đã có nhiều hộ tham gia trồng bí đỏ, trong đó diện tích nhiều nhất là anh Tú và anh Lê Thanh Hiền, mỗi gia đình trồng từ 1 – 2 ha.
“Sau 3 tháng chăm sóc, vụ thứ ba đã cho thu hoạch vào cuối năm 2015 với mỗi quả bí nặng 1,7 – 2,5 kg, 1 ha cho trung bình 15 – 17 tấn quả. Với giá bán 7.000 -10.000 đồng/kg, mỗi vụ chúng tôi thu về khoảng 50 – 70 triệu đồng/ha sau khi đã trừ tất cả chi phí sản xuất”, anh Tú nhẩm tính.
Đó là chưa kể, trong quá trình chăm sóc, cây bí đỏ còn cho thu nhập từ bán hoa, trái non và ngọn. Như vậy, so với nhiều loại nông sản trong vùng, việc trồng bí đỏ Nhật vẫn dễ dàng hơn, chi phí vật tư, công lao động thấp, nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. “Doanh nghiệp Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư kỹ thuật, cung ứng giống cho 37 hộ dân ở thôn Tu Rằng phát triển thêm hàng chục héc ta bí đỏ Nhật tại địa phương. Nếu thấy hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi sẽ tiếp tục cho nhân rộng”, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND H.Kon Plông, hồ hởi.
Nguồn: sưu tầm