Nội dung chính
Các giống bí đỏ Suprema, Ajuna do Cty Hai mũi tên đỏ cung cấp đã cho bà con nông dân các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng lợi nhuận khá cao.
Nông dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương vui sướng vì trồng bí đỏ của Cty Hai mũi tên đỏ được mùa
Mấy năm gần đây, các giống ớt trên luôn là sự lựa chọn số 1 của nông dân các tỉnh phía Bắc bởi nó mang lại “vận đỏ”.
Đặc điểm của giống bí đỏ Suprema và Ajuna là cây sinh trưởng khỏe, chống chịu bệnh virus, khả năng đậu trái tốt, độ đồng đều trái cao, chất lượng ăn ngon, dẻo và ngọt, thịt trái có màu vàng cam đẹp.
Quy trình trồng bí đỏ Suprema, Ajuna gồm các bước sau:
Chuẩn bị đất và khoảng cách trồng
Cày đất sâu 15-20 cm, dọn sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng vụ trước. Rải 50 kg vôi bột cho 1.000 m2 đất trồng. Lên luống cao 15 – 20 cm. Chiều rộng của rãnh giữa hai luống từ 15 – 20 cm.
Nếu lên luống đơn thì chiều rộng luống 2,8 – 3 m và trồng một hàng bí cách mép luống 15 – 20 cm.
Nếu lên luống đôi thì chiều rộng luống là 5,5 – 6 m và trồng hai hàng bí ở hai bên mép luống. Khoảng cách giữa các cây trên hàng 40 – 50 cm. Mật độ trồng 700 -800 cây/1.000 m2
Gieo hạt và trồng cây
Lượng hạt giống cần cho 1.000 m2 đất trồng là 5 – 6 gói (20 gr/gói).
Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) từ 3 – 4 tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo, cho vào vải sạch, ẩm. Ủ ấm đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo.
Có thể gieo trực tiếp ra ruộng hoặc gieo vào bầu. Nếu gieo vào bầu, khi cây con ra được 1 – 2 lá thật (lá nhám) thì đem trồng ra ruộng.
Phân bón (cho 1.000 m2)
Bón lót: 2 – 2,5 m3 phân chuồng, 20 – 25 kg super lân, 10 kg NPK16-16-8.
Bón thúc đợt 1: 10 ngày và 15 ngày sau khi trồng: Pha loãng 1 – 1,5 kg DAP để tưới nhằm kích thích bộ rể phát triển.
Bón thúc sinh trưởng: Giai đoạn 18 – 20 ngày và 38 – 40 ngày sau trồng: 4 – 6 kg urê, 10 – 12 kg NPK16-18-8, 1 – 2 kg KCl.
Bón nuôi trái: Giai đoạn 65 – 70 ngày sau trồng khi trái có đường kính khoảng 10 cm: 18 – 20 kg NPK16-16-8, 3 – 4 kg KCl.
Bấm ngọn, tỉa cành
Khi cây có 5 – 7 lá thật thì bấm ngọn để cây ra chồi sau đó chọn để lại 2 dây chèo khỏe nhất và cắt bỏ các dây chèo khác.
Thường xuyên cắt tỉa các chồi vô hiệu giúp dinh dưỡng tập trung nuôi dây hữu hiệu và nuôi trái đồng thời tạo điều kiện thông thoáng để tăng khả năng đậu trái và hạn chế sâu bệnh.
Khi dây chèo dài 1 – 1,5 m nên dùng kẹp tre ghim dây cố định hoặc lấy đất đắp lên đoạn dây để giúp dây ra rễ phụ ở các đốt và tránh lật dây khi có gió to, tránh dây chồng chéo lên nhau.
Phòng trừ sâu bệnh
Để phòng trừ bệnh hại cần chú ý bón phân đầy đủ và cân đối, trồng với mật độ vừa phải, vệ sinh đồng ruộng cho thông thoáng, làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, kịp thời cắt bỏ và tiêu hủy phần cây bị bệnh để tránh lây lan.
– Bệnh virus: Thường bị nặng trong mùa nắng. Phun thuốc phòng trừ côn trùng chích hút vì đây là môi giới truyền bệnh. Sử dụng thuốc Voliam targo, Admire, Confidor, Actara…
– Bệnh chết cây con: Phòng trị bằng thuốc Ridonil gold, Aliette.
– Bệnh sương mai, thán thư phấn trắng: Phòng trị bằng thuốc Amistar top, Ridomil Gold, Aliette, Antracol, Score…
– Sâu ăn tạp: Chủ yếu sâu xanh và sâu khoang: Sử dụng Lannate, Ammate, Voliam targo…
Nguồn: nghenong.com