Nội dung chính
1. Giống vịt nội
Vịt cỏ
Nguồn gốc: Vịt cỏ thường gọi là vịt đàn, miền Nam gọi là vịt Tàu nuôi ở khắp các vùng, nhưng nuôi tập trung chủ yếu ở đồng bằng trung du, ven sông, ven biển. Vịt Cỏ chiếm gần 80% tổng đàn vịt, có nơi trên 90%.
Đặc điểm ngoại hình: Vịt cỏ màu lông cánh sẻ chiếm 53-55%; cánh sẻ nhạt pha lông trắng 18-19%, trắng 16-17%, xám đá, xám hồng, đen tuyền (tài ô) 11-12%. Đầu thanh tú, mắt sáng, lanh lợi, mỏ dẹt màu vàng, mình thon, ngực lép, nhiều con trống có mỏ xanh nhạt, lông cổ xanh biếc, có con có vòng lông trắng.
Khả năng sản xuất: Thân hình nhỏ, vịt trống 1,4-1,6kg, vịt mái 1,3-1,5kg lúc vào đẻ, nuôi thịt 70-75 ngày đạt 0,9-1,2kg, tỷ lệ thịt dưới 50%, xương đến 15-16%, ít mỡ, thực quản nhỏ và mỏng nên không nhồi vỗ béo được.
Vịt có khả năng đẻ cao, 200-250 trứng/năm, trung bình 170-180 quả, khối lượng trứng 60-70g, tỷ lệ phôi cao.
Mọc lông tương đối sớm, sau 20-25 ngày tuổi đã mọc lông mới, lông vừa nhú ra được gọi là vịt “bật rạch”, 40 ngày tuổi mọc lông cánh, 65-70 ngày tuổi là chéo cánh “chấm khẩu” là lúc mổ thịt tốt lúc này để nhổ lông, vịt béo ngon.
Vịt cỏ có khả năng kiếm mồi rất giỏi, thích ứng rất cao với khí hậu nhiệt đới, cần chọn lọc nhân thuần nâng cao phẩm chất giống làm cơ sở cho lai tạo cải tiến giống và lai kinh tế đại trà nâng cao năng suất trứng, thịt.
Vịt Bầu Bến và vịt Bầu Quỳ
Nguồn gốc: Giống vịt Bầu Bến có nguồn gốc ở vùng chợ Bến (Hoà Bình). Còn giống vịt Bầu Quỳ nguồn ở vùng Phủ Quỳ (Nghệ An). Ở miền Nam nhiều nơi gọi hai loại vịt này là vịt ta.
Đặc điểm ngoại hình: Cả hai loại vịt này đều có thân hình vững chắc, hình chữ nhật, đầu to hơi dài, cổ dài vừa phải, ngực rộng, sâu, chân thấp, đa số mỏ và chân là màu da cam (trên 80%), còn lại là một số màu khác.
Màu lông vịt lúc mới nở thường là màu đen khoang vàng, trên 85%, vàng rơm 15%, lúc trưởng thành màu cánh sẻ nhạt, ngoài ra một số con còn có màu trắng tuyền, trắng k hoang đen và xám đá. Vịt Bầu Bến còn có màu lông thuần khiết hơn, đó là màu cánh sẻ sẫm.
Vịt 3 tuần tuổi mới bắt đầu mọc lông thân và cánh, đến 8 tuần tuổi mới phủ kín thân, con mái mọc lông nhanh hơn con trống.
Khả năng sản xuất: Giống vịt này có tỷ lệ nuôi sống cao, 93-97% ở các giai đoạn vịt con, vịt hậu bị, vịt đẻ.
Khối lượng cơ thể lúc giao phối: Vịt trống đạt 2,4-2,8kg, vịt mái lúc vào đẻ 2-2,4kg. Thể trọng giữa hai giống Bầu Bến và Bầu Quỳ không có sự khác nhau. Lúc 10 tuần tuổi, con trống nặng khoảng 1,8kg, con mái nặng khoảng 1,58kg, ở vịt Bầu Bến và 1,78kg, 1,54kg tương ứng ở vịt Bầu Quỳ nuôi bán công nghiệp. Vịt chăn thả 7 ngày tuổi đạt 1,7-1,9kg.
Các giống vịt này đẻ muộn hơn các giống vịt nội khác, 154 đến 180 ngày tuổi, vào đẻ trứng đầu, sản lượng trứng 90-100 quả/mái/năm, trứng to 75-80/quả, vỏ trắng mờ, có quả xanh nhạt là màu cà cuống.
Vịt Kỳ Lừa
Nguồn gốc: Vịt Kỳ Lừa có nguồn gốc ở vùng Kỳ Lừa (Lạng Sơn), nuôi phổ biến ở các tỉnh miền núi Việt Bắc, trung du và một số là nuôi ở vùng đồng bằng.
Đặc điểm ngoại hình: Vịt có đầu to, mỏ vàng hoặc xám, con trống mỏ xanh nhạt hoặc xám đen. Thân rộng, dài vừa phải, ngực và bụng sâu. Thân mình hơi dốc so với mặt đất. Màu lông đa phần nâu sẫm hoặc xám nhạt, một số đen hoặc loang trắng đen. Vịt chịu lạnh rất tốt nên dù có nuôi ở vùng núi rét, nhiệt độ thấp vẫn dễ nuôi. Vịt có khả năng kiếm mồi giỏi, thay lông nhanh, tính hợp đàn cao.
Khả năng sản xuất: Vịt vào đẻ thường là lúc 150-180 ngày tuổi, năng suất trứng 110-120 quả/mái/năm, trứng to 70-75g/quả. Khối lượng vịt trống lúc giao phối được là 1,8-2lg, vịt mái lúc đẻ là 1,7-1,9kg.
Vịt nông nghiệp 1 và 2
Nguồn gốc: Đây là nhóm vịt lai giữa vịt Tiệp Khắc dòng 1822 với vịt Anh Đào, hoặc vịt Bắc Kinh.
Khả năng sản xuất: Vịt 7 tuần tuổi đạt 2,2-2,3kg, tiêu tốn thức ăn 2,8-2,9kg/kg tăng trọng. Năng suất vịt đẻ 150-180 quả/mái/năm. Vịt lai đang được cung cấp giống chăn nuôi rộng rãi ở các tỉnh phía Nam.
2. Giống vịt ngoại nhập
Vịt Bắc Kinh
Nguồn gốc: Có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập vào nước ta từ năm 1960 và năm 1987 nhập tiếp từ Đức, là giống vịt thịt năng suất cao, lông trắng.
Đặc điểm ngoại hình: Vịt có dáng thô, đầu dài, mỏ dài vừa, màu da cam. Thân hình gần như thẳng đứng, bụng vịt mái hơi sệ, dáng đi lạch bạch, nặng nề, lúc lắc sang hai bên. Vịt hiền lành tích luỹ mỡ cao, thực quản rộng nên có thể nhồi vỗ béo.
Khả năng sản xuất: Lúc trưởng thành, vịt trống đạt 3,5-4kg, vịt mái 3-3,5kg. Vịt lớn nhanh, cơ bắp phát triển tốt, da vàng, thịt thơm ngon (giá trị kinh tế cao). Nuôi ở nước ta lúc ịt 60 ngày tuổi đạt 2 – 2,35kg, đẻ sớm hơn, sản lượng trứng là 115-120 quả/mái/năm, trứng to 80-100g.
Vịt Charry Valley (Vịt Anh Đào)
Nguồn gốc: Có nguồn gốc từ Anh, nhập vào nước ta vào những năm 1960-1970 từ Hungary, đến 1982-1983 nhập từ Anh, màu lông vịt trắng. Vịt Anh Đào lai với vịt Bầu, con lai có ưu thế lai cho sản lượng trứng tăng, vịt thịt nuôi mau lớn hơn.
Đặc điểm ngoại hình: Thân hình vịt dài, ngực rộng và nhỏ, bụng sâu rộng, chân mỏ màu da cam.
Khả năng sản xuất: Vịt sinh sản khi con mái đạt 3,2-3,5kg, con trống 3,4-3,7kg. Sản lượng trứng 147-152 quả/mái/năm. Khối lượng trứng 72-76g, tỷ lệ trứng có phôi cao. Vịt thịt 75 ngày tuổi đạt 2,2 – 2,3kg.
Vịt C.V Super M
Nguồn gốc: Vịt C.V Super là giống vịt chuyên dụng thịt cao sản, nhập từ Anh năm 1989.
Đặc điểm ngoại hình: Vịt C.V Super M có đặc điểm ngoại hình như sau, mỏ, chân vàng da cam, lông trắng. Thân hình chữ nhật, đầu to, lưng phẳng, cổ to, ngực sâu, rộng, chân vững.
Khả năng sản xuất: Nuôi trong điều kiện của nước ta, vịt giống bố mẹ thành thục về tính lúc 24-26 tuần tuổi, vịt mái nặng 3-3,2kg, năng suất trứng 40 tuần đẻ đạt 170-180 quả/mái. Vịt thịt 56 ngày tuổi đạt 2.8-3,1kg, thịt xẻ 74-76%, tiêu tốn thức ăn 2,77kg/kg thịt hơi, khối lượng trứng 82-85g/quả.
Vịt C.V Super M thích hợp với phương thức nuôi công nghiệp tập trung thâm canh, nhưng khi nuôi chăn thả nếu cho ăn bổ sung (bán thâm canh) thì vịt vẫn cho năng suất cao.
Vịt nuôi thích nghi tốt ở mọi vùng, cho lai vịt C.V Super M với các giống vịt đang nuôi ở các địa phương trong điều kiện chăn thả, con lai đạt năng suất lúc 75-90 ngày tuổi 2,2-2,9kg.
Vịt Khali Campbell
Nguồn gốc: Có nguồn gốc từ Anh, được chọn lọc cải tiến ở Hà Lan, là giống vịt chuyên trứng, cao sản, nhập vào nước ta từ những năm 1970 (nhập lần đầu từ 1958), gần đây được nhập từ Thái Lan. Vịt nuôi thịt thích nghi tốt ở tất cả các vùng, đạt năng suất trứng cao, lai với vịt cỏ ưu thế lai trội 0,58-1,89%.
Đặc điểm ngoại hình: Màu sắc lông, da chân và mỏ thuần nhất, vịt con mái lông đen đồng mờ, vịt mái lớn lông màu hạt dẻ. Vịt trống lông có những vằn ngang màu chì xám trên đầu, cổ, cánh, đuôi. Vịt trống có mỏ màu xanh lá cây sẫm, vịt mái mỏ màu xám đen.
Khả năng sản xuất: Vịt Khali Campbell là giống vịt siêu trứng nên thân mình nhỏ, đẻ sớm vào 130-145 ngày tuổi, năng suất trứng 264 quả/mái, bình quân 252,5 quả/mái đầu kỳ/năm, có nơi đạt xấp xỉ 300 quả, trứng 65-70g/quả, tỷ lệ phôi cao 93,5%, nở 80-85% trứng vào ấp, tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng 1,9-2,3kg thóc.
Vịt C.V 2000 layer
Nguồn gốc: Là giống vịt trứng được nhập vào nước ta từ năm 1997, thích nghi tốt ở các vùng của hai miền Nam, Bắc, có năng suất đẻ cao.
Đặc điểm ngoại hình: Vịt có lông trắng, lúc trưởng thành 18 tuần tuổi, con trống có khối lượng 1,64kg, con mái 1,84kg.
Khả năng sản xuất: Tuổi đẻ quả trứng đầu tiên 154-156 ngày, sản lượng trứng 280-285 quả/năm, khối lượng trứng 70-75g/quả, chi phí thức ăn 2-2,2kg/10 quả trứng (tính bình quân cho cả giai đoạn nuôi vịt con đến hết một năm đẻ). Vịt trống nuôi thịt giết mổ lúc 1,7-1.75kg/con.
Phương thức nuôi: Chăn thả hoặc có thể là bán chăn thả đều thích hợp với giống vịt này.
Bình Điền (farvina)