Ở các thành phố lớn, số lượng dân cư ngày càng tăng trong khi diện tích không thay đổi. Do đó không gian sống của con người ngày càng thu hẹp dần. Nhu cầu đưa thiên nhiên vào các ngôi nhà trong phố được thực hiện bằng tạo ra một vườn ban công với cây và hoa. Tuy nhiên, để có một không gian luôn xanh mát, tràn đầy sức sống thì bạn cũng cần nắm được một số kỹ thuật cơ bản trong trồng và chăm sóc cây ban công.
1. Về hướng của ban công
Tại sao khi trồng cây trên ban công lại cần quan tâm đến hướng? Vì hướng quyết định đến lượng, cường độ và thời gian ánh sáng, ánh nắng mặt trời hàng ngày chiếu vào ban công. Trong khi đó, mỗi cây trồng ban công lại có nhu cầu ánh sáng khác nhau. Vì vậy, khi lựa chọn, bạn phải tìm hiểu về những đặc trưng riêng biệt của loài đó.
Ví dụ, cây phát tài, cây hoa dạ yến thảo cần nhiều ánh sáng nên thích hợp trồng ở ban công hướng Đông. Còn các cây lan tím, hoa dừa cạn, hoa giấy, … chịu được nhiệt độ cao tốt thì nên trồng ở ban công hướng Tây.
2. Về lượng nước tưới
Mỗi cây trồng ban công lại đòi hỏi một lượng nước khác nhau. Tùy vào từng loại cây mà chúng ta tưới nước với số lần trong ngày và số lượng nước tưới trong mỗi lần khác nhau. Có cây không chịu được nước ngập như hoa đồng tiền thì bạn chỉ cần tưới lượng nước vừa đủ để giữ cho đất luôn ẩm. Nếu tưới quá nhiều nước, rễ cây và nụ hoa sẽ dễ bị thối. Ngược lại, để cây lộc vừng trồng trong chậu ra hoa đẹp thì phải đổ nước vào chậu sao cho ngập gốc cây.
3. Về đất trồng trong chậu
Để cây ban công phát triển khỏe mạnh trong điều kiện trồng trong chậu với lượng đất có hạn thì bạn nên chọn đất có nhiều mùn, tơi xốp, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Bạn có thể mua túi đất hữu cơ bán sẵn ngoài cửa hàng, trộn thêm nước trước khi bỏ vào chậu.
Trồng cây vào chậu cũng phải phù hợp với từng loại. Có cây ưa trồng trên bề mặt đất, có cây phải trồng sâu. Không nên cho đất đầy chậu vì sẽ làm nước trải tràn ra ngoài khi tưới cây.
4. Về bón phân
Bón phân là khâu quan trọng nhằm cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy cây ban công phát triển. Nhưng bạn cũng không thể bón phân tuỳ tiện mà không quan tâm đến thời điểm hay số lượng thích hợp. Nếu bón phân nhiều quá thì cây sẽ phát triển nhanh làm mất dáng thế. Ngược lại, nếu bón ít quá thì cây sẽ bị thiếu dưỡng chất, phát triển còi cọc hoặc nặng hơn sẽ bị chết cây. Chính vì vậy mà bạn nên bón phân định kì, khoảng nửa tháng một lần. Cũng tùy từng loại cây cảnh mà bạn lựa chọn loại phân bón phù hợp nhé!
5. Về phòng bệnh cho cây
Với cây ban công tuyệt đối không sử dụng thước trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vì chúng rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Trong trường hợp không may cây bị mắc bệnh thì bạn nên cắt tỉa cành bị bệnh để tránh lây lan sang cành khác. Đồng thời, bạn theo dõi, chăm sóc cây thường xuyên. Hàng ngày, bạn chỉ cần bỏ ra vài phút cắt tỉa lá vàng, hoa tàn và các nhánh chết, bắt và tiêu diệt sâu, ốc sên ăn lá và rễ cây trong chậu.
>>> Cắt tỉa cành cũng là một trong những biện pháp phòng bệnh cho cây: https://nuoitrong123.com/ky-thuat-cat-tia-canh-co-ban-cho-cac-loai-hoa-trong-ban-cong.html
Dùng bình phun nước để tưới nước cho cây. Bạn nên tưới nước vào lá, thân, gốc, tránh tưới nước trực tiếp vào hoa sẽ làm hoa bị dập và nhanh tàn.
Muốn sở hữu chậu cây trồng ban công đẹp, bạn nên chú ý tới chế độ chăm sóc để chậu cây đó được bền và đẹp lâu. Với những chia sẻ trên, bạn hãy trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về trồng và chăm sóc hoa cây cảnh để có được chậu hoa cây cảnh đẹp như ý nhé!
Chúc bạn thành công!