Nhiều năm qua, chăn nuôi được tỉnh Nam Định xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thực sự là hướng làm giàu hiệu quả của nhiều địa phương, gia đình. Song, tình trạng dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại lớn về kinh tế là “ám ảnh” lớn đối với người nuôi và là điều trăn trở của các cơ quan quản lý. Chủ động phòng ngừa dịch bệnh chính là yếu tố nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển an toàn và bền vững.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phát triển khá nhanh, chiếm 39,5% giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có trên 750 nghìn con lợn, khoảng 43 nghìn con trâu, bò và hơn 7,5 triệu con gia cầm… Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi còn thiếu bền vững do dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn chưa chủ động kiểm soát được các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, gây tâm lý bất ổn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, từ năm 2010 đến năm 2015, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 82 hộ chăn nuôi thuộc 7 huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy với tổng số gia cầm bị tiêu hủy là 50.864 con (trong đó có 45.491 con vịt, 4.268 con gà, 1.105 con ngan). Dịch LMLM xảy ra tại 89 hộ chăn nuôi của 25 xã thuộc 7 huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực với tổng số mắc bệnh là 476 con (378 con lợn, 98 con trâu, bò). Nặng nề nhất là dịch lợn tai xanh xảy ra tại 3.705 hộ chăn nuôi của 38 xã thuộc 5 huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên với tổng số lợn mắc bệnh là 23.128 con, số lợn buộc phải tiêu hủy là 12.219 con, trọng lượng tiêu hủy là 246.443kg. Chỉ tính riêng năm 2013, dịch lợn tai xanh đã khiến toàn tỉnh phải tiêu hủy 9.251 con lợn, khối lượng tiêu hủy 168.728kg, làm trên 3.000 hộ chăn nuôi khốn đốn. Ông Nguyễn Văn Tỵ, xóm 1, xã Xuân Phong (Xuân Trường) cho biết, năm 2013 dịch tai xanh đã làm 2 con lợn nái và 20 con lợn thịt nhà ông bị chết với tổng trọng lượng 700kg khiến gia đình ông không còn vốn để đầu tư tái đàn. Phải sau gần 3 năm ông mới khôi phục được tổng đàn như cũ, tuy nhiên ông vẫn lo sợ dịch lợn tai xanh tái phát. Chị Phạm Thị Hương, xã Trực Đạo đến giờ vẫn chưa quên cảm giác như lửa đốt trong lòng khi khu vực huyện Trực Ninh bị cấm vận chuyển, giết mổ gia súc trong đợt dịch tai xanh năm 2013. Giá lợn giảm chỉ còn chưa đầy 40 nghìn đồng/kg, dù đàn lợn hơn 40 con của gia đình chị không mắc bệnh, nhưng cũng không thể tiêu thụ. Vụ chăn nuôi năm đó, gia đình chị thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn tại xã Xuân Phong (Xuân Trường).
Toàn tỉnh hiện có trên 120 nghìn hộ chăn nuôi các quy mô, chiếm 26% tổng số hộ nông thôn, trong đó có 325 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, hơn 10 nghìn gia trại. Còn lại 109 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mật độ chăn nuôi cao, điều kiện về cơ sở hạ tầng và môi trường chăn nuôi không đảm bảo nên những năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong khi đó, người dân còn tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Vẫn còn một số người dân “bán tống, bán tháo” khi phát hiện gia súc mắc bệnh, thậm chí vứt xác gia cầm chết ra ngoài đường, xuống kênh mương, ao hồ nên dịch lây lan rộng, khó kiểm soát. Mặt khác, công tác tiêm phòng vắc-xin là một trong những giải pháp tích cực, chủ động và có hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhưng vẫn chưa được các hộ chăn nuôi thực hiện triệt để. Những năm gần đây, ở các đợt tiêm phòng chính vụ tỷ lệ tiêm phòng dịch của tỉnh thường không đạt kế hoạch đề ra, tiêm phòng bổ sung hằng tháng lại càng thấp hơn nữa mặc dù vắc-xin phòng dịch tả cho đàn lợn, vắc-xin LMLM cho đàn trâu, bò được UBND tỉnh đã cấp không thu tiền. Các loại dịch bệnh nguy hiểm còn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là nơi có ổ dịch cũ và đang tiềm ẩn nguy cơ tái phát làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tâm lý đầu tư phát triển chăn nuôi. Trong đó, có trách nhiệm của một số chính quyền địa phương trong công tác quản lý đàn vật nuôi, phát hiện, khai báo dịch còn chậm; thiếu quyết liệt khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch còn thiếu chặt chẽ, nhất là việc kiểm soát gia súc, gia cầm xuất, nhập vào địa bàn các huyện.
Giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, thúc đẩy chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững là mục tiêu đặt ra của tỉnh nhằm đưa giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 45% vào năm 2020 trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Trần Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (Nam Trực) cho biết: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Công tác này phải được thực hiện thường xuyên, sâu rộng; hình thức phong phú, đa dạng, dễ hiểu như: in các loại sổ tay, phát tờ rơi, phổ biến đến tận người dân về các biện pháp phòng ngừa sớm, các triệu chứng khi gia súc, gia cầm bị bệnh, đồng thời hướng dẫn các biện pháp chữa trị và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch bệnh nguy hiểm thường xảy ra chủ yếu ở các điểm chăn nuôi gia trại nhỏ lẻ, do đó cần chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh. Căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương, chính quyền các cấp cần xây dựng chiến lược tiêm phòng dịch đảm bảo hiệu quả, triệt để cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Thực hiện tốt công tác quản lý giám sát đàn vật nuôi, giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh: cúm gia cầm, tai xanh, LMLM… Người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, hệ thống kênh cấp, thoát nước theo định kỳ và trước, sau mỗi đợt nuôi thả. Với hệ thống giao thông phát triển, hằng năm, lượng gia súc, gia cầm lưu thông qua địa bàn tỉnh rất lớn. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường hoạt động các đội kiểm dịch liên ngành ở huyện, xã, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên từng địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo Pháp lệnh Thú y. Xây dựng mô hình quản lý dịch bệnh theo cộng đồng, thông qua đó nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi. Đi đôi với khuyến khích tạo điều kiện phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp, cần quản lý chặt chẽ chăn nuôi nông hộ với phương châm “chăn nuôi phải có điều kiện, phải được quản lý” thông qua việc nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của thôn/xóm trưởng và Ban Nông nghiệp xã, các cán bộ chuyên môn cơ sở như thú y viên, nhân viên y tế cơ sở…