Dự án nâng cấp thiết bị chiếu xạ để kiểm dịch hoa quả tươi phục vụ xuất khẩu diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Trái cây xuất khẩu sử dụng công nghệ chiếu xạ sẽ có cơ hội xâm nhập nhiều thị trường khó tính
Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã triển khai hàng loạt nghiên cứu khoa học nhằm khẳng định ưu điểm công nghệ chiếu xạ, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành công nghiệp chiếu xạ tại Việt Nam.
Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết: Trung tâm là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thực hiện công tác chiếu xạ thực phẩm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo a n ninh lương thực cho đất nước. Vừa qua, Trung tâm đã hoàn thành việc nâng cấp và xây mới các kho lạnh đầu vào đầu ra đảm bảo đủ tiêu chuẩn quốc tế, để chủ động cung cấp dịch vụ chiếu xạ, kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa nông sản miền Bắc, đặc biệt là quả vải và quả nhãn trong vụ tới đây.
Dịch vụ chiếu xạ đảm bảo việc thanh khử trùng các loại quả, chống nấm mốc thực phẩm đảm bảo an toàn hơn việc sử dụng hóa chất để xử lý như trước đây, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản, không làm mất chất dinh dưỡng và không làm biến dạng thực phẩm. Trước mắt, để hỗ trợ bà con nông dân cũng như các tổ chức xuất khẩu trong vụ vải và nhãn tới đây, Trung tâm chủ động và đảm bảo cung cấp dịch vụ sản lượng chiếu xạ 20-30 tấn vải/ngày với giá thành khoảng 6.000 đồng/kg.
Tại lễ khánh thành Dự án nâng cấp thiết bị chiếu xạ để kiểm dịch hoa quả tươi phục vụ xuất khẩu mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ Trung tâm sớm được cấp phép của các nước nhập khẩu, trở thành địa chỉ tin cậy hỗ trợ người dân, tổ chức xuất khẩu nhằm giúp nông sản miền Bắc tiếp cận các thị trường lớn, thị trường “khó tính” chứ không chỉ phục vụ vận chuyển vào Nam để tiêu dùng trong nước.
Cùng với việc chiếu xạ các sản phẩm quả tươi, Trung tâm cũng tiếp tục tiến hành chiếu xạ các nguyên vật liệu thuốc, sản phẩm thuốc cho đông nam dược để kéo dài thời gian bảo quản. Các mặt hàng khô để xuất khẩu như các loại gia vị hành khô, tỏi khô… cũng được thực hiện chiếu xạ. Sau khi nâng cấp cơ sở hạ tầng, Trung tâm đảm bảo cung cấp dịch vụ chiếu xạ cho các tỉnh khu vực phía Bắc.
Ông Đặng Quang Thiệu khẳng định: Chiếu xạ không phải để “biến” các sản phẩm “bẩn” thành sản phẩm “sạch” bởi các sản phẩm bị nhiễm các độc tố vi sinh và vi rút thì không thể hết khi chiếu xạ. Chiếu xạ thực chất chỉ là biện pháp để kiểm dịch hiệu quả hoa quả tươi xuất khẩu, kỹ thuật này đã được nhiều quốc gia phát triển như: Mỹ, Úc… xem như biện pháp kiểm dịch bắt buộc hoa quả tươi xuất khẩu.
Chiếu xạ đảm bảo cho các con côn trùng, trứng của con côn trùng bám trên hoa quả không có khả năng sinh sôi nảy nở trong quá trình xuất khẩu sang nước ngoài, bởi các nước nhập khẩu sợ con côn trùng của nước nhiệt đới theo sản phẩm sang nước họ. Đặc biệt, sản phẩm quả tươi như vải, nhãn… không chỉ chiếu xạ có thể xuất khẩu mà người trồng phải đảm bảo quy trình trồng và canh tác theo tiêu chuẩn Viet Gap hoặc Global Gap để nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo xuất khẩu, ông Đặng Quang Thiệu nói.
Việt Nam có nhiều loại trái cây nhiệt đới hấp dẫn, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Để sản phẩm xuất khẩu vào thị trường “khó tính”, trái cây tươi phải chịu sự kiểm duyệt tuyệt đối, tuân thủ quy định trồng trọt, yêu cầu về chiếu xạ kiểm dịch… Đối với thị trường “khó tính” như Mỹ, Úc, New Zealand… Việt Nam mới chỉ được phép xuất khẩu 4 loại trái cây tươi gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn. Do đó, việc hoàn thành Dự án nâng cấp thiết bị chiếu xạ để kiểm dịch hoa quả tươi phục vụ xuất khẩu có vai trò quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đảm bảo chủ động đáp ứng yêu cầu chiếu xạ kiểm dịch các loại quả trên để trở thành địa chỉ tin cậy xử lý chiếu xạ quả tươi trước khi xuất khẩu trong mùa vụ tới, ông Đặng Quang Thiệu nhấn mạnh.
Nguồn: sưu tầm