Người dân khấm khá nhờ nuôi Dê tại Đồng Tháp

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi dê ở xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phát triển mạnh.

Nhờ nhiều năm chăn nuôi dê mà gia đình ông Đặng Thanh An (SN 1960) ở ấp Long Bình, xã Long Khánh B vươn lên thoát nghèo. Ngồi trong căn nhà khang trang vừa mới cất nhờ tiền tích góp từ nuôi dê, ông An tâm sự: “Hơn chục năm trước, tôi vay ngân hàng 7 triệu đồng về chăn nuôi cá nhưng lỗ nặng. Với 1,3 triệu đồng còn lại, tôi mua được 2 con dê giống. Tôi chịu khó chăm sóc, đàn dê tăng dần theo từng năm. Lúc cao điểm, đàn dê của tôi lên đến 40 con. Mỗi năm tiền bán dê thịt và dê giống gần 100 triệu đồng”. Để nâng cao chất lượng đàn dê, đầu năm 2014, ông An chuyển sang nuôi giống dê Hòa Lan lùn (Bến Tre). Theo ông An, giống dê này lớn nhanh, giá cao và sinh sản nhiều nên cho hiệu quả cao hơn. Qua hơn 1 năm chăn nuôi, với 3 con dê cái giống ban đầu, nay đàn dê của ông An tăng lên 8 con dê cái giống, 4 con dê thịt và 1 con giống đực, tổng trị giá trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán được dê thịt với số tiền gần 30 triệu đồng.

Người dân khấm khá nhờ nuôi Dê tại Đồng Tháp - T207 1

Ông Lôi Văn Sang chăm sóc đàn dê của gia đình

Gia đình ông Lôi Văn Sang (SN 1964) ngụ ấp Long Bình, xã Long Khánh B, sống bằng nghề chăn nuôi. Năm 2010, ông được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng. Sau nhiều năm nuôi gà, nuôi bò, ông chuyển sang nuôi dê vào năm 2014. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, ông thuê thêm 5 công đất để trồng các loại cỏ và rau muống. Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi và cập nhật kiến thức từ các lớp tập huấn, đàn dê của gia đình phát triển nhanh chóng. Từ 22 con dê giống sinh sản, đàn dê đã phát triển lên 40 con. Chưa kể, ông đã xuất chuồng được hai lứa dê thịt và dê giống gần 20 con với giá dê thịt dao động từ 95.000 – 105.000 đồng/kg và dê giống từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, thu nhập trên 70 triệu đồng. Trừ chi phí, ông Sang còn lãi hơn 40 triệu đồng. Ông Sang chia sẻ: “Dê là loại dễ nuôi, ăn tạp, lại ít bệnh tật. Người nuôi chỉ cần siêng năng tìm thức ăn để cung cấp đủ liều lượng thì dê nhanh lớn. Bình quân mỗi con dê tiêu thụ 13kg thức ăn/ngày và 15kg/ngày giai đoạn trước xuất chuồng 20 ngày. Dê nuôi khoảng 1 năm tuổi bắt đầu sinh sản. Mỗi năm dê đẻ 2 lần, bình quân đẻ 2 con/lần. Dê con chăm sóc khoảng 6 tháng thì có thể xuất chuồng. Từ ngày chuyển sang nuôi dê, kinh tế gia đình tôi khá giả hơn”.

Ông Phạm Văn Khiếp – Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh B cho biết: “Trước đây, mô hình chăn nuôi dê trên địa bàn xã chủ yếu do tự phát ở một số hộ gia đình nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả chưa cao. Vài năm gần đây, do giá dê ổn định ở mức cao nên thu hút nhiều hộ nuôi. Xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê cho các hộ nuôi”.

Nhờ làm ăn hiệu quả, nhiều hộ nuôi dê trong xã đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khấm khá. Kết quả đó góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 582 hộ, chiếm 19,28%, thì đến cuối năm 2015, con số này giảm còn 214 hộ, chiếm 6,93%.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Người dân khấm khá nhờ nuôi Dê tại Đồng Tháp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *