Nhức nhối phân bón giả, kém chất lượng

Tình trạng SX, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tuy không còn quá nổi cộm, nhưng hình thức vi phạm ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng…

Nhức nhối phân bón giả, kém chất lượng - 19 41 51 dsc 1521 500x269

Hội nghị tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng tổ chức tại Thanh Hóa

Đó là đánh giá chung trong hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn 21 tỉnh phía Bắc, do Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương tổ chức tại Thanh Hóa mới đây.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, tình trạng SX, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hiện nay tuy không nổi cộm nhưng hình thức vi phạm ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng, mà phổ biến nhất là trên nhãn mác sản phẩm phân bón ghi mập mờ hàm lượng các chất dinh dưỡng.

Ông Hoàng Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Thanh Hóa cho biết, ngoài các sản phẩm phân bón SX trong nước và nhập khẩu đưa vào tiêu thụ trên địa bàn, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đang có 526 cơ sở SX, kinh doanh phân bón, trong đó 64 DN sản xuất, kinh doanh và 462 hộ kinh doanh, đại lý phân bón các loại.

“Số lượng cơ sở lớn nhưng hầu hết là hộ kinh doanh, đại lý nhỏ lẻ nên việc phát hiện phân bón giả, kém chất lượng gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là những năm gần đây khi mà thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn”, ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, các đối tượng chủ yếu lợi dụng khe hở quy định pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón NPK giả. Ví dụ, tổng 3 chất dinh dưỡng quy định phải đạt trên 70% nhưng vì hàm lượng đạm và Kali có giá cao nên các đối tượng hạ tỷ lệ hai thành phần trên và tăng tỷ lệ lân lên (giá rẻ) so với công bố tiêu chuẩn hoặc ghi nhãn ngoài bao bì.

“Hành vi này là làm giả phân bón nhưng không đủ cơ sở để xử lý hàng giả mà chỉ xử lý hàng kém chất lượng. Đây chính là hạn chế trong các Nghị định, hướng dẫn của Nhà nước”, ông Trường nhấn mạnh.

Thủ đoạn tiếp theo là trộn phân bón giá rẻ vào phân bón thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán lẻ. Ở các huyện miền núi, các đối tượng dùng bột đá để làm phân dúi giả.

Cụ thể, bột đá được đóng vào bao bột mỳ hết hạn sử dụng (loại bao 25 kg), khi lực lượng chức năng phát hiện, cân trọng lượng phân thì nặng lên gần 50kg. “Bột đá mà trộn với phân bón sẽ “bê tông hóa ruộng đồng”, điều này ảnh hưởng rất lớn đến đồng ruộng và hiểu quả sản xuất”, ông Trường lo ngại.

Ngoài các thủ đoạn trên, việc giả mạo nhãn hiệu, bao bì cũng rất phổ biến: Đối tượng đặt in bao bì của DN bị làm giả tại nơi DN đó đặt in, sau đó đóng phân bón không đảm bảo chất lượng vào bao bì trên bán trục lợi bất chính.

Ông Trần Thế Mạnh, Chi cục QLTT Hưng Yên cho hay, trên địa bàn Hưng Yên, các đối tượng thường đánh lừa người tiêu dùng bằng việc ghi nhãn mác mập mờ. Ví dụ, trên bao bì ghi là NPK 16 – 16 – 8, theo cách hiểu thông thường là nitơ 16%, lân 16%, kali 8%, nhưng ở dưới bao bì họ ghi thêm dòng chữ rất nhỏ thành phần chính nitơ 1%, lân 1,5% và kali 1%. “Đây chính là phân bón giả, phân kém chất lượng nhưng chỉ lực lượng chức năng mới phát hiện ra còn người tiêu dùng là nông dân thì khó mà biết được”, ông Mạnh nói.

Giám đốc một Cty SX phân bón có uy tín ở Thanh Hóa bức xúc: “Những sản phẩm phân bón kém chất lượng được bán với giá rẻ hơn sản phẩm đủ hàm lượng dinh dưỡng. Nếu cơ quan chức năng không xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong việc ghi nhãn mác bao bì mập mờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN kinh doanh có uy tín và người nông dân”.

Được biết, năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã xử lý 116 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng, xử phạt hành chính gần 450 triệu đồng. Tịch thu 6 tấn phân bón NPK giả; 21 tấn NPK giả mạo nhãn hiệu; tịch thu 1.600 bao bì giả nhãn hiệu; buộc tái chế hơn 83 tấn phân bón kém chất lượng…

THANH NGA

Thảo luận cho bài: Nhức nhối phân bón giả, kém chất lượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *