Phương pháp chăn nuôi này tiết kiệm được 80% nước, 60% sức lao động, 10% thức ăn; lợn ít bị dịch bệnh nên giảm chi phí giá thành, tăng lợi nhuận.
Chăn nuôi lợn đen truyền thống được nhiều người dân tỉnh Tuyên Quang duy trì từ nhiều năm nay. Giá trị thương phẩm thịt lợn đen xét về nhu cầu và thị hiếu đều được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hẳn so với thịt lợn ngoại, lợn lai, hướng nạc, siêu nạc.
Nhận thức được những thuận lợi đó, Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang đã giao cho Hợp tác xã Quý Long thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi lợn đen địa phương bằng công nghệ vi sinh tại Tuyên Quang”. Thực hiện dự án, Hợp tác xã Quý Long đã tiến hành làm đệm lót vi sinh tính trên một ô chuồng có diện tích 20 m2, đệm lót dày 60 cm từ các nguyên liệu như: Trấu, mùn cưa, bột ngô, chế phẩm LABASA-N01.
Nuôi lợn đen công nghệ vi sinh tiết kiệm nhiều chi phí
Phương pháp nuôi lợn đen địa phương bằng công nghệ vi sinh được áp dụng ở hai công đoạn là dùng men vi sinh để ủ thức ăn và chăn nuôi trên nền đệm lót lên men. Phương pháp này có ưu điểm là nguồn thức ăn được ủ men vi sinh làm tăng giá trị dinh dưỡng; trong quá trình chăn nuôi không có mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho đàn lợn. Đặc biệt công nghệ không cần dùng nước tắm vật nuôi và vệ sinh chuồng trại nên không có nước thải từ chuồng gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Toàn bộ chất thải của lợn nhanh chóng được các vi sinh vật phân giải, sản phẩm chăn nuôi có độ vệ sinh an toàn thực phẩm cao., nâng cao năng suất chất lượng.
Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận vai trò của việc chọn giống để đàn lợn khỏe mạnh, năng suất cao. Quá trình chọn lợn giống được tuyển chọn kỹ; số lượng giống gồm 1 con lợn đực giống, 35 con lợn nái đen địa phương bình quân 60 kg/con và thực hiện quy định về cách ly giống mới mua về, chế độ vệ sinh, tiêm phòng nghiêm ngặt. Trong quá trình lợn nái sinh sản, có thể cho lợn đẻ ngay trên lớp lót vi sinh. Lợn con sinh ra trên nền đệm lót vi sinh sống thoải mái và không bị mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa. Thức ăn chăn nuôi cho lợn được Hợp tác xã Quý Long dùng men vi sinh để lên men tạo cho thức ăn có mùi vị ngon hơn và giá trị dinh dưỡng cao hơn. Thức ăn lên men có thể giữ được mùi thơm dịu, nồng độ rượu không tăng và không bị chua mốc.
Trong quá trình thực hiện dự án, đàn lợn sinh sản và phát triển tốt. Lợn đen địa phương ngày càng được khách hàng ưa chuộng, giá bán sản phẩm các loại lợn của dự án bao giờ cũng cao hơn các sản phẩm lợn khác trên thị trường từ 50.000-60.000 đồng/kg lợn hơi. Nhờ thực hiện đúng quy trình, nên sau 2 năm thực hiện dự án, lớp lót nền không có dấu hiệu suy giảm chất lượng. Mô hình chăn nuôi lợn đen địa phương bằng công nghệ vi sinh được bà con xã Thái Long, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang); xã Kim Phú (Yên Sơn) và các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa áp dụng vào chăn nuôi.
Về mặt kinh tế, phương pháp chăn nuôi này là một công nghệ đem lại hiệu quả cao, nâng cao nắng suất chất lượng nhờ tiết kiệm được 80% nước, tiết kiệm 60% sức lao động, tiết kiệm 10% thức ăn (vì lợn ăn được nguồn vi sinh vật, sinh ra trong đệm lót), lợn ít bị dịch bệnh nên giảm thiểu chi phí thuốc thú y, từ đó giảm chi phí giá thành, tăng lợi nhuận. Phương pháp chăn nuôi lợn đen địa phương bằng công nghệ vi sinh đã mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân theo hướng phát triển bền vững, có thể áp dụng ở cả những hộ dân không có nhiều diện tích đất để chăn nuôi và cả những nơi đông dân cư.
Nguồn: Sưu tầm