Phòng trừ bệnh hại cây Cao Su thời kỳ thay lá

Hiện cây cao su đang trong thời kỳ rụng lá và ra lá non nên rất mẫn cảm với một số sâu, bệnh như nhện đỏ, nhện vàng và bệnh phấn trắng, vàng rụng lá gây ra. Đặc biệt là bệnh phấn trắng thường xuất hiện và gây hại nặng cho cây trong thời kỳ này.

Phòng trừ bệnh hại cây Cao Su thời kỳ thay lá - phong tru benh hai cay cao su thoi ky thay la 500x400

Để bảo đảm cây cao su sinh trưởng, phát triển tốt trong thời kỳ rụng lá, ra lá non, sớm ổn định tán, tăng sức đề kháng với sâu, bệnh hại, theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, nông dân cần bón phân cân đối, tăng lượng phân đạm, kali vào giai đoạn cây bắt đầu ra lá.

Người trồng cần thăm vườn cao su thường xuyên để sớm phát hiện bệnh, từ đó có biện pháp phòng trị thích hợp, kịp thời. Ở những vườn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc những vườn cây năm trước đã nhiễm bệnh, nông dân căn cứ vào sự ra lá mới để phun phòng bằng cách phun thuốc trực tiếp lên cây ngay trong mùa bệnh.

Với vườn nhân, vườn ươm, vườn cây kiến thiết cơ bản, vườn cây kinh doanh, nhà vườn nên sử dụng một trong những loại thuốc sau: Bột lưu huỳnh thấm nước (Kumulus 80WP, Sulox 80WP) nồng độ 0,3%; Hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,2%; hỗn hợp của Carbendazim và Hexaconazole (Arivit 250SC, Vixazol 275SC) nồng độ 0,2% hoặc Diniconazole (Sumi-Eight 12,5WP) nồng độ 0,05-0,1%. Pha kết hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2% hoặc Carbendazim và Mancozeb (CaMa 750WP) nồng độ 0,2-0,25%.

Phun thuốc lên tán lá khi có 10% cây có lá non nhú chân chim trên vườn và ngừng phun khi 80% cây có lá ổn định. Dùng máy phun cao áp, phun 2-3 lần với chu kỳ 7-10 ngày/lần vào buổi sang ít gió. Những nơi có điều kiện có thể sử dụng thêm phân bón qua lá.

Vào thời kỳ thay lá (lúc lá mới nhú chân chim) nếu 2 ngày liên tiếp có sương mù dày đặc và nhiệt độ 20-24oC thì phun thuốc vào ngày thứ ba. Nông dân cần ưu tiên xử lý vùng thường bị phấn trắng hàng năm và vườn cây tơ trồng các dòng vô tính mẫn cảm (PB 235, VM 515, RRIV 4).

Nguồn: 2lua.vn

Thảo luận cho bài: Phòng trừ bệnh hại cây Cao Su thời kỳ thay lá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *