Sản xuất và bảo quản trứng gà giống trong thời gian dịch bệnh cúm gia cầm

Dịch cúm gia cầm ở nước ta hiện nay đã gây thiệt hại quá lớn cho nông dân và người chăn nuôi gia cầm. Tôi thật sự mủi lòng khi nghe một chị nông dân nói “Trong nhà không có cái gì đáng giá một triệu đồng mà tất cả tài sản là ở đàn gà vịt”. Tái chăn nuôi gia cầm sau dịch là nỗi suy tính của nhiều người với hy vọng vớt vát phần nào đã mất.

Với chút ít kinh nghiệm về giống gà của tôi trong thời gian theo học tiến sỹ tại Nhật Bản, tôi muốn được chia sẽ cùng bà con nông dân và người chăn nuôi nhằm mục đích giữ giống và duy trì sản xuất sau dịch với năng suất tốt hơn.

Trước hết bà con nên chấp hành nghiêm những qui định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, như tiêu huỷ toàn bộ gia cầm ở những đàn được xác định đã bị nhiễm dịch bệnh cúm, kể cả đàn giống gốc cũng như giống quý hiếm. Thực hiện vệ sinh sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi đúng kỹ thuật. Tuy nhiên đối với những con giống có giá trị (thuộc giống thuần sản xuất và giống quý hiếm bảo tồn nguồn gen) nằm trong khu vực an toàn dịch bệnh (đã được Nhà nước xác định), bà con nông dân có thể ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để duy trì nguồn giống. Trong số các giải pháp kỹ thuật tôi xin chia sẽ cùng bà con nông dân về phương pháp sản xuất và bảo quản trứng giống như sau:

Sản xuất và bảo quản trứng gà giống trong thời gian dịch bệnh cúm gia cầm - san xuat va bao quan trung ga giong trong thoi gian dich benh cum gia cam 1 640x470Hình minh họa

  1. Chọn một số lượng rất ít số gà giống mái và trống có chất lượng tốt (năng suất cao như chóng lớn, đẻ nhiều, màu sắc lông và chân đẹp, hoặc có đặc điểm đặc trưng nhất của giống quý hiếm và tuyệt đối khoẻ mạnh) để giữ lại làm giống (1-10%) đàn giống hiện tại tuỳ theo số lượng gà trong đàn. Đối với đàn nhỏ chỉ cần giữ lại 10-20 con mái và 5 con trống. Đàn lớn chỉ cần giữ lại 100-200 mái và 10 trống, số gà chọn giữ làm giống này phải được nuôi trong điều kiện an toàn tuyệt đối về dịch bệnh. Số còn lại nên tiêu huỷ để giảm mật độ và chi phí thức ăn, công chăm sóc. Cũng cần lưu ý rằng chất lượng đàn giống sau này phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm và kỹ thuật chọn giống lúc này. Với người có kinh nghiệm cao sẽ giữ đúng con gia cầm mà mình cần giữ để nhân giống sau này.
  2. Nếu có điều kiện nên cách ly gà trống và gà mái 1 tuần sau đó cho tiếp xúc phối giống trực tiếp bằng cách cho 5 gà mái với 1 gà trống/ô chuồng, theo dõi nếu gà trống nhảy gà mái thành công 2 lần thì có thể chuyển con gà mái đó sang chuồng đẻ để thu gom trứng giống trong vòng 1 tuần và sau đó cho phối giống lại nếu cần lấy trứng giống tiếp, đồng thời dành thời gian cho gà trống nhảy gà mái khác còn lại. Nếu không có điều kiện thì có thể nhốt chung gà trống với gà mái trong thời gian thu hoạch trứng giống.
  3. Trứng phải thu gom ngay sau khi gà vừa đẻ xong, không để trứng nhiểm bẩn do phân. Loại bỏ trứng quá nhỏ, quá to, trứng có vỏ chất lượng kém, trứng có vết máu hay phân.
  4. Dùng khăn sạch đã làm ẩm bằng thuốc sát trùng lau nhẹ ngoài vỏ trứng. Dùng bút chì ghi rõ ngày đẻ trên mỗi quả trứng. Cho trứng vào hộp giấy đóng kín lại và xông phóc môn với thuốc tím tinh thể ngay tại chuồng sau khi thu gom.
  5. Chuyển trứng về nơi bảo quản, trước khi cho vào bảo quản cần xông phóc môn và thuốc tím thêm 1 lần nữa. Bảo quản trứng ở nhiệt độ 12oC và ẩm độ 70% trong buồng tối tuyệt đối không có ánh sáng. Đảo trứng 1 ngày 1 lần.
  6. Bằng cách này bà con có thể bảo quản trứng giống được 20-25 ngày để chờ đợi hết dịch bệnh và có thể đưa trứng ra tiếp tục ấp. Thời gian bảo quản có thể lâu hơn nhưng tỷ lệ nở sẽ giảm.
  7. Tuỳ theo thể tích buồng bảo quản bà con nên chia thành nhiều đợt bảo quản, mỗi đợt cách nhau 1 tuần, bằng cách này nếu thời gian bảo quản quá dài mà tình hình dịch bệnh chưa cho phép đưa ra ấp thì chất lượng của những trứng đưa vào bảo quản ở các đợt sau vẫn còn tốt cho việc ấp nở gà con.
  8. Nơi không có buồng lạnh 12oC bà con có thể đào hầm sâu xuống đất ở vị trí mát, tạo lỗ thông hơi và quạt hút, hầm phải tuyệt đối tối và xông phóc môn thường xuyên. Nhiệt độ của hầm có thể không đạt 12oC nên thời gian bảo quản có thể trong vòng 10-15 ngày.
  9. Cách xông phóc môn : Dung dịch formalin 2 phần (ví dụ 20ml) đổ vào chén bát sứ đựng tinh thể thuốc tím (potassium permanganate, KMnO4) 1 phần (ví dụ 10 gram), chén bát sứ đựng thuốc tím đã để sẵn trong hộp giấy chứa trứng gà. Sau khi cho formalin vào thuốc tím phải đậy hộp gấy kín lại ngay vì khí formaldehyde sẽ sinh ra mùi sạc khó chịu. Chú ý không làm ngược lại (không cho thuốc tím vào dung dịch formalin) vì có thể nguy hiểm. Khử trùng là khâu quan trọng, giúp bảo quản được trứng lâu hơn, đặc biệt trong thời kì dịch bệnh đang xẩy ra hiện nay.
  10. Theo dõi đàn gà giống hàng ngày, nếu trứng được bảo quản sau 2 tuần mà những con gà trống và mái dùng cho sản xuất trứng giống đó không có biểu hiện mắc bệnh thì có thể được coi là trứng sạch không nhiễm bệnh, và bà con yên tâm về chất lượng con giống sinh ra từ những trứng bảo quản theo cách này. Tuy nhiên cần huỷ bỏ toàn bộ trứng bảo quản nếu trong vòng 2 tuần sau khi đẻ trứng mà đàn gà giống có biểu hiện bị nhiễm dịch bệnh.
  11. Phòng bệnh tốt cho đàn gà con sinh ra từ trứng sạch và dùng vào việc nhân giống.

Tác giả: TS. Kiều Minh Lực

Công ty C phần Chăn nuôi CP Việt Nam

Thảo luận cho bài: Sản xuất và bảo quản trứng gà giống trong thời gian dịch bệnh cúm gia cầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *