Hiện đang là chính vụ xuống giống nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đa phần người dân nuôi tôm theo mô hình quảng canh và tôm – lúa vẫn thường bỏ qua công đoạn vèo (ương) tôm giống.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đây là công đoạn quan trọng, người nuôi không nên bỏ qua.
Công đoạn vèo tôm giống trước khi thả nuôi cũng không phải quá xa lạ với người nuôi tôm. Nhưng, kỹ thuật vèo tôm giống thế nào cho đúng và mang lại kết quả cao nhất thì đa số người dân chưa lắm được.
Thời gian vừa qua, để phổ biến kỹ thuật vèo tôm giống, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II) đã làm thí điểm mô hình trên tại một số hộ dân tại ấp kênh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau). Đến nay, mô hình được đánh giá thành công, cho tỷ lệ sống ở giai đoạn ương giống là 70%.
Ông Lê Văn Trúc, Phó Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu thủy sản nam Sông Hậu cho biết, để vèo tôm thành công, người dân cần đảm bảo các yếu tố cơ bản sau:
Lưới dùng làm vèo có độ thưa chỉ từ 0,3 – 0,5mm. Chiều cao của vèo dao động từ 1 – 1,2m. Khi tiến hành cắm vèo, người dân nên cắm dọc theo các mương nơi có độ sâu nhở hơn 1,4m, thông thoáng để có hàm lượng oxy hoà tan cao, bề ngang vèo khoảng 2 – 2,4m tuỳ theo khổ lưới, chiều dài có thể tính toán tuỳ thuộc vào số lượng tôm cần vèo, nhưng không dài quá 15m để dễ thao tác.
Cần chú ý, khi cắm đáy vèo phải cách đáy ao từ 0,3 – 0,4m nhằm giúp thoát chất thải dễ dàng và đảm bảo lưu thông nước dưới đáy vèo. Mặt trên của lưới vèo phải có lưới che để giảm cường độ ánh sáng chiếu trực tiếp xuống.
Trước khi tiến hành thả giống, người dân nên kiểm tra các thông số cơ bản như: pH (từ 7,5 – 8,5), độ kiềm (khoảng 90 – 120) là phù hợp.
Bên cạnh đó, bà con cũng cần đo độ mặn, thông báo cho đơn vị cung cấp giống để thuần con giống phù hợp với độ mặn thực tế. Mật độ thả giống có thể dao động từ 500 – 1.000 con/m2, tuỳ theo điều kiện diện tích, kỹ thuật, và kinh nghiệm của từng nông hộ. Sau khi đã thả giống vào vèo, bà con phải chạy máy bơm nước để bơm nước từ ngoài vào trong vèo nhằm tăng oxy hòa tan và đẩy lượng chất thải, thức ăn dư thừa của tôm ra bên ngoài vèo.
Trong quá trình cho ăn, người vèo tôm cần cho tôm sú ăn thức ăn công nghiệp. Ngày đầu tiên lượng thức ăn sẽ là 1kg/100.000 con tôm giống. Sau đó, tùy sức ăn của tôm giống, mỗi ngày người dân có thể tăng lượng thức ăn thêm từ 5 – 10%. Nên cho tôm ăn 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 5 giờ. Khung giờ chuẩn nhất vào khoảng 6h sáng, 11h, 16h và 20h mỗi ngày.
Trong quá trình vèo, hằng ngày bà con cần kiểm tra và làm sạch các bùn bẩn bám xung quanh và đáy vèo để lưu thông nước được tốt hơn, kiểm tra các và xử lý các lỗ thủng (nếu có) để tránh tôm đi ra ngoài vèo. Thời gian vèo tôm từ 15 – 20 ngày tuỳ theo tốc độ phát triển của tôm giống, khi tôm đạt kích thước chiều dài 1,8 – 2cm là bà con có thể bung ra vuông nuôi.
Theo đánh giá của ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, đây là công đoạn quan trọng giúp người nuôi tôm tăng tỷ lệ thành công trong mỗi vụ mùa. Công đoạn vèo tôm không chỉ khắc phục việc hao hụt tôm giống do địch hại mà còn giúp tăng tỷ lệ sống cho tôm khi thu hoạch. Đặc biệt, bà con có thể chủ động quản lý được mật độ nuôi ở mức độ phù hợp nhất.
Đối với mô hình nuôi tôm sú trong vuông tôm quảng canh hay tôm – lúa, nếu mật độ tôm quá thưa sẽ ảnh hưởng trực tiếp năng suất nuôi. Còn quá dày, tôm rất chậm lớn do thiếu thức ăn và dễ phát sinh dịch bệnh. Chính vì vậy, ông Luân khuyến cáo người dân lên thực hiện công đoạn vèo giống. |
TRẦN HIẾU