Nội dung chính
Những bệnh thường gặp ở cây Quýt Hồng là: vàng lá nhỏ, nhỏ lá, bông lá – đốm lá, chảy mủ gốc và phăng nhánh – nhánh nhỏ khô dần.
1. Bệnh của cây quýt
– Quýt Hồng trồng ở bất cứ đất nào: bùn bồi, sét, đất thịt, trong một vài năm đầu cây phát triển rất tốt. Sau đó cây bắt đầu có triệu chứng bệnh (nhất là ở đất bùn bồi).
– Những bệnh thường gặp ở cây Quýt Hồng là: vàng lá nhỏ, nhỏ lá, bông lá (đốm lá) chảy mủ gốc và phăng nhánh (nhánh nhỏ khô dần).
a. Bệnh vàng lá:
Quýt Hồng thường bị vàng lá từ một năm tuổi trở đi. Sau khi ra đọt non, lá mỏng không xanh và dần dần ngả màu vàng. Có khi vàng hết cả cây có khi chỉ một vài nhánh. Thường thì do các nguyên nhân sau đây:
– Vàng lá do thối rễ:
Nói cây bị thối rễ vàng lá thì hầu như người làm vườn nào cũng biết, nhưng biết chính xác nguyên nhân làm cho Quýt Hồng thối rễ mới là điều quan trọng, vì từ đó ta mới tìm cách khắc phục hữu hiệu.
Nguyên nhân thối rẽ là:
– Bờ bị ngập nước.
– Nước đọng trên mặt bờ vào mùa mưa.
– Nước đọng gốc quýt trong mùa mưa (nước mưa chảy từ trên thân cây xuống gốc theo rễ và đọng lại quanh rễ nếu vùng rễ nào nước không rút).
– Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hai tháng mưa nhiều, lại nhằm vào mùa nước ngập hoặc vùng gần biển, mực nước bình thường cũng vẫn cao so với mặt bờ vườn, vì thế nước mưa không rút hết.
Phòng trị:
– Không nên làm bờ bề mặt quá rộng
– Nên khai rãnh để nước thoát nhanh.
– Dù mặt nước không ngập nước, vẫn phải đắp mở cao từ 3 – 4 tấc để trồng cây, hàng năm chỉ bồi mô, không nên lấp mặt bờ vằng mặt mô.
– Bắt đầu mưa nhiều, mỗi gốc quýt đều khai rãnh để thoát nước chảy từ trên thân xuống.
– Nếu có thể ta dùng nilon để đậy mô khi mưa nhiều.
Trường hợp cây đã bị bệnh:
– Nếu cây từ 3 năm tuổi trở lại ta có thể cứu sống 50 – 70% nhưng phải mất thời gian ít nhất là 1 năm (3 lần ra đọt).
– Cây từ 4 năm tuổi trở lên hoặc đã mang trái, bộ rễ phát triển chậm nên cây bệnh khó phục hồi. Có trái thì trái cũng không tốt, tốt hơn là bứng hết gốc rễ đắp mô trồng cây khác.
Cách chữa thông thường:
Trước tiên là đào tìm những rễ thối, đục bỏ phần hư, rồi lấp copper-zinc hoặc thanh phèn vôi thoa vào vết chặt đứt đó. Kể đó dùng xà beng xén đứt hết rễ xung quanh gốc đường kính từ 0,8 – 1m (tùy cây lớn hay nhỏ). Mục đích là tạo bộ rễ mới nhiều hơn để có thể thay thế những rễ đã đục mất. Xong ta dùng thuốc kích thích ra rễ pha nước tưới xung quanh cho rễ mau phát triển. Tưới nước ít và đều, không dùng phân.
Một tháng sau, những vết bị chặt đứt bắt đầu ra rễ phụ, ta có thể dùng phân trỡ lại.
Vàng lá do dùng phân và tưới nước không thấm sâu vào đất
Trường hợp này thường xảy ra đầu màu vụ. Khi tưới cho cây ra đọt ra bông, lá quýt non không xanh, không lớn và ngả sang màu vàng đều vườn, trái non thường teo và rụng nhiều.
Nguyên nhân:
– Mặt bờ vườn lâu năm đất dẽ, khi tưới lấy bông thường bón phân nhiều. Nước tưới không thấm sâu vào đất, phân tan không loãng ra. Gặp thời tiết quá nóng, môi trường phân, nước và sức nóng mặt trời làm ẩm độ thấp, rễ non mới ra không chịu nổi phải thối đi, mất khả năng hấp thụ nước và dưỡng chất làm cho bộ lá non không phát triển và dần dần xuống màu.
Phòng trị:
– Nhận xét mặt bờ vườn không xốp nên dùng xà beng đầu nhọn xới đều bờ (hạn chế đứt rễ) trước khi tưới cho ra đọt ra bông.
– Tưới nước thật nhiều 3 ngày đầu, sau đó bớt nước, tưới đều để phân loãng ra và tan sâu vào đất.
– Nên dùng cỏ khô hay rơm rạ đậy bờ để giữ độ ẩm đều.
– Sau 1 tuần lễ nên thăm chừng mặt đất, nếu sâu 2 tấc, đất còn cứng là nước chưa thấm cần tưới thêm.
Nếu mặt đất lèn (quá mềm) là dư nước tưới bớt lại .
– Nếu đúng nguyên nhân trên và đều vườn lá đã xuống màu, ta tưới thêm nước cho đủ ẩm, có thể dùng phân bón lá (15-30-15) và thuốc dưỡng cây xịt tiếp sức 1 tuần/lần liên tiếp vài ba lần.
Vàng lá do nấm, vi khuẩn, virus gây ra
Theo một số tài liệu khoa học và nghiên cứu của các chuyên gia, kỹ sư về bệnh này, thì ngoài nguyên nhân do thối rễ, cam quýt còn mắc các bệnh do nấm, do vi khuẩn v.v…Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta hiện nay chưa có mấy xét nghiệm để xác định chính xác cam quýt (nhất là Quýt Hồng) mắc bệnh do gì, đất trồng thiếu chất gì và đồng thời chế ra loại thuốc đặc trị.
Do kinh nghiệm nghiên cứu về nguyên nhân này chúng tôi cũng có dùng Aliette hoặc Aincocin để phòng ngừa mỗi năm, còn điều trị một cây bị bệnh thật sự thì kết quả không khả quan lắm. Vì điều trị một cây vàng lá ta cũng không chắc là nó có phải bị nấm hay không?
b. Bệnh bông lá:
Bệnh bông lá hay đốm lá thường xảy ra vào mùa mưa. Bệnh này thỉnh thoảng gặp nhưng không nguy hiểm đến cây. Cây chỉ mất sức vì từng đọt đó già rụng đi, từng đọt sau sẽ hết lá xanh trở lại.
Theo tài liệu khoa học, bệnh này do một loại vi khuẩn xâm nhập vào lá non lúc ẩm ướt do tưới nước nhiều hoặc mưa nhiều. Nhìn kỹ lá bị đốm, vết đốm thấu qua hai mặt.
Còn một loại đốm lá thứ hai nhẹ hơn do nấm, cũng tác hại vào lá non trên một mặt lá.
Cả hai loại đốm lá, lúc đầu màu vàng nhạt, sau đó trở nên màu nâu và đen, dính chùm nhau rất khó phân biệt. Cả hai loại đốm đều có ảnh hưởng đến trái vì hễ thấy có đốm lá thì trái lại bị đốm. Do đó nên xịt ngừa khi lá non và tiếp tục trị khi thấy đốm xuất hiện trên trái. Thuốc có thể phòng trị như: Kasuran, Benlat C, Bavistin, Ridomil v.v…Xịt 1 tuần/lần xịt liên tục vài ba lần sau đó ngừa trái bị đốm 1 tháng/lần.
c. Bệnh phăng nhánh (nhánh chết nhát):
Bệnh này thường gặp trên cây quýt có trái vài mùa trở lên. Có khi nhánh khô từ trong thân cây, có khi ngoài chót đọt những nhánh mang trái quá sai. Đây cũng là triệu chứng cây bắt đầu suy vì nó không đủ dinh dưỡng để cung cấp cho những nhánh vốn đã yếu sau thời gian mang trái. Cây có nhiều nhánh khô thì năm sau tất nhiên cây sẽ giảm trái. Nếu mùa trái kế tiếp, cây không phục hồi và không đâm chồi thêm mà tiếp tục khô nhánh thì cây sẽ chết vì một phần nhỏ bộ rễ thối mà cây không đến nỗi phải vàng lá. Nhưng dù sao ta cũng phải tỉa hết nhánh khô để cây gọn ghẽ dễ coi.
d. Bệnh chảy mủ gốc:
Bệnh chảy mủ gốc cũng làm cho cây mất sức và ngược lại cây suy yếu thường bị chảy mũi gốc. Có hai trường hợp chảy mủ:
– Chảy mủ do nứt da ở cây tơ: vì do bón một lần nhiều phân, cây lớn nhanh da gốc nở không kịp phải nứt và nếu gốc bị ẩm sẽ bị nhiễm trùng chảy máu mủ hoặc thối da. Trường hợp này không phải cây bệnh, chỉ cần giảm lượng phân và thoa thuốc, da từ từ lành. Thuốc có thể thoa phết các vết nứt như: Kasurran, Copper zine hoặc thanh phèn vôi.
– Chảy mủ do cây già suy: thường thì những vườn quýt già, gốc sần sùi lở lói là do bệnh chảy mủ gốc. Bệnh này phát triển nhiều nhất từ tháng 10 âm lịch cho đến khi mùa mưa tới, do một loại nấm làm khô da và “dộp” phồng lên, trước tiên thường chảy nước hôi thối, có khi là bọt bèo thích hợp cho dòi sinh sôi nảy nở. Mặt khác, vào những tháng này cây quýt già mạch nhựa cũng kém đi do bộ rễ đã nhiều lần thay đổi (thối một số rồi mọc lại một số) và mặt đất thì cằn cỗi mất đi nhiều màu mỡ:
Tóm lại, bệnh chảy mủ gốc phần lớn có ở vườn cây lâu năm. Vườn từ 6,7 năm trở lại ít khi bị bệnh.
Cách ngừa trị bệnh này thì cũng dễ
– Ngừa: vào cuối mùa mưa, ta dùng bàn chải và nước pha một ít muối (loãng) chà sạch từ mặt đất lên khảng 1 – 1,5m. Kế đó dùng thanh phèn vôi (có thể pha thêm Copper zine) phết đều gốc cây. Khi lớp vôi bị phai ta có thể phết thêm lần nữa mà khỏi phải rửa sạch. Như vậy trừ những tháng mưa, một năm ta có thể phết gốc quýt 2 lần.
– Trị các vết chảy mủ: dùng dao lóc sạch vết mủ bầy nhầy, xong dùng bàn chải rửa sạch rồi phết dung dịch thuốc nói trên một tuần/lần, lên tiếp 3 lần là khỏi hoặc thoa Aliette cũng tốt. Từ từ phần da bị cắt làm da non và lành lại.
2. Bệnh của trái quýt
a. Bệnh bông trái (đốm trái):
– Bệnh bông trái những năm gần đây phát triển rất nhiều, nhất là những vườn cây lâu năm, cây già (kể cả cây tơ trồng lại trên vườn cũ, trái vẫn bệnh). Theo tài liệu khoa học, bệnh này do một loại nấm gây hại. Và loại thuốc đặc trị hiện nay chưa có.
– Theo kinh nghiệm chúng tôi, thì bệnh này phát sinh vào lúc trái da lươn, tức là vào cuối mùa mưa. Nếu cùng một vườn cây mà có trái ngược mùa thì trái ít bị bệnh đốm. Như vậy có thể nói trong những tháng có ẩm độ cao, rễ dễ bị úng thủy là lúc các loại nấm thuận lợi tấn công và làm cho trái bệnh.
– Hình thức bệnh bông trái này lúc quýt gần da lươn là trên da có những dấu gần như lõm vào lần lần, da trái quýt càng chín thì những dấu lõm ngả màu nâu, rồi đen nên nhiều người gọi là bệnh “nốt ruồi”.
– Một hình thức bệnh nốt ruồi thứ hai trên cây tơ, ta dễ phát hiện, lúc cây ra đọt non khi lá bị đốm thì kèm theo trái cũng bị đốm. Lúc đầu, trái còn nhỏ những mụt màu vàng lợt nổi cộm trên da, lần lần ngả màu vàng sậm và trái chín những mụn này trở thành đen giống như “nốt ruồi”.
Phòng trị:
Hiện nay có vài loại thuốc phòng trị cũng có kết quả nhưng quá đắt tiền như: Benlat C, Zinneb, Copper zine v.v…Ngoài cách phun thuốc hàng tháng trên trái ta nên tưới thêm quanh gốc từ 10 – 12 g/m2 vài lần vào đầu mùa mưa và lúc trái bắt đầu da lươn, chứ đến lúc thấy bệnh xuất hiện thì không còn trị kịp nữa.
b. Bệnh da cám, da lu:
– Da cám: là một loại bệnh mà màu da quýt sần sùi màu xam xám giống như cam. Thường thì trái không lớn và khô đầu múi có khi khô nguyên trái. Quýt da cám có rải rác không phân biệt vườn già hay vườn tơ. Quýt bệnh loại này thì không bán được, vì trái quýt dù chín cũng có màu đẹp, ta nên bẻ bỏ càng sớm càng tốt.
– Da lu: là màu da trái quýt bị bệnh. Bệnh này hơi khác bệnh da cám, da quýt láng hơn nhưng thay vì màu vàng, da lịa có màu nâu giống như măng cụt hay vú sữa chín. Trái quýt màu da lu còn ăn được, múi quýt ít bị khô lại ngọt. Nhưng nói chung hai loại bệnh này đều làm cho Quýt Hồng mất giá trị kinh tế.
Phòng trị:
Đây là vấn đề lo âu của nhà vườn, vì hiện nay chưa có một cơ quan khoa học nông nghiệp nào phân chất đất và xác định nguyên nhân để phòng trị một cách chính xác cho các bệnh của Quýt Hồng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu vườn nào bị nhiều loại bệnh trên, nên giảm lượng phân lân và dùng thêm kali, tránh dùng loại phân DAP có nhiều chất dầu. Còn phòng trị, ta có thể áp dụng cách phòng trị như bệnh đốm trái.
Hiện nay có tài liệu cho rằng bệnh da lu là do nhện đỏ gây ra và dùng thuốc trừ sâu trừ nhện để xịt diệt. Tuy nhiên, nguyên do này còn trong vòng thử nghiệm thì năm nay (1997) chẳng lẽ do dịch nhện đỏ hay sao? Đa số vườn quýt đều bị bệnh trên từ 10% đến 80% (nay cả vườn năm rồi trái rất tốt có tiếng, năm nay trái vẫn bị nám đỏ nám đen).
Một số người chưa tin tưởng vào tài liệu thì cho rằng do sự lạm dụng thuốc xịt và phân bón lá làm tác hại đến da trái quýt.
Theo chúng tôi, thì thuốc hay phân bón lá đều có công hiệu của nó, nhưng nhiều người làm vườn chưa nắm vững phương pháp xịt nên đã pha chung nhiều thứ cùng lúc (chưa kể quá liều lượng), thuốc sinh phản ứng phụ làm da hại đến trái quýt. Đó là điều chắc chắn.
Để dung hòa giữa quan niệm xịt thuốc và không dám xịt thuốc dù quýt đã bị bệnh. Chúng tôi đề nghị:
– Xịt thuốc phòng ngừa hay điều trị bệnh gì đúng vào thời điểm giữa bệnh hay bệnh phát triển, khi thời kỳ đã qua ta nên ngưng.
– Không nên xịt phân bón lá cùng chung với thuốc trừ bệnh.
– Không nên xịt quá liều lượng và lúc trời nắng gắt.
c. Trái xanh, trái vàng rụng:
Trái xanh rụng hay trái vàng rụng: cũng là do hiện tượng thời tiết thay đổi mà thôi. Nhưng một phần cũng do cây yếu. Những lúc tiết trời quá nóng nhiệt độ tăng cao, chúng ta tưới nước có hạn, chỉ làm ướt gốc chứ không thể điều hòa không khí. Vì vậy cuống trái nhỉ teo dần, mạch nhựa lưu dẫn không đều, nếu gặp một vài đám mưa to, tiết trời mát mẻ cuống trái sẽ giãn nở đột ngột cho trái rụng.
Muốn hạn chế trái non rụng ta có thể nắm các điều kiện sau đây:
– Bón phân khi bắt đầu tưới vườn tương đối đủ dinh dưỡng để cây sung nuôi trái (như người đàn bà sanh cần có sức khỏe để có sửa cho con bú).
– Trong lúc thời tiết quá nóng kéo dài nhiều ngày, ta nên tưới nước thật nhiều (tưới cả trên cây càng tốt). Và nếu thấy trời sắp mưa, lại không nên giảm tưới để tránh sự giản nở đột ngột của cuống trái.
– Mới mưa một vài đám không nên bón phân vội, vì nếu trời nắng trở lại thì càng làm cho trái rụng nhiều hơn.
– Thời gian từ khi tưới đến mùa mưa bắt đầu, không nên làm cỏ vườn mà cần đậy thêm để mặt bờ không bị trơ trọi dễ bị thối rễ phấn. Đó cũng là nguyên nhân do rụng trái non và lá xuống màu.
3. Sâu hại đọt non
a. Sâu xanh và kiến đất:
Hai loại sâu đều phá hoại đọt quýt non ở bất cứ lúc nào. Sâu xanh cắn lá non, có khi ăn cụt tược nhưng không nguy hại bằng kiến đất. Khi kiến đất tấn công một cây nào thì trong một ngày có thể từng đọt non bị héo rũ hết. Vì vậy tốt hơn hết khi cây tơ ra đọt ta nên xịt ngừa một vài lần với Arosin hay Sumicin v.v…
b. Sâu vẽ bùa:
– Sâu vẽ bùa (SVB) có tên khoa học là Phyllocnistis Citrella. Chúng phá hại đọt non của cam quýt và gây hại nặng đối với vườn cam, quýt lúc ra bông, đậu trái. Mầm mống xuất hiện của SVB là ấu trùng nở từ trứng của một loại bướm đêm rất nhỏ (giống con bồ hóng bay vào đêm). Nhưng thực tế mắt ta khó thấy trứng và ấu trùng, đến khi phát hiện lá non của cam, quýt không xòe ra, một mép lá cuốn tròn và bắt đầu dị hình là đã bị SVB gây hại rồi.
– Quan sát kỹ một lá cam, quýt non bị SVB ta thấy mặt dưới lá như có một lớp kiếng mỏng và những chỉ đen ngoằn ngoèo nằm bên trong. Đó là SVB.
– Những đợt tưới vườn gặp vài đám mưa đầu mùa, thường vì SVB và có thể thất mùa. Nhìn toàn bột vườn cây ngả màu, từng lá quấn lại và dần dần rụng đi. Lá mất khả năng hấp thụ dưỡng khí và che bớt ánh nắng mặt trời nên những trái từng trên rụng nhiều.
Phòng trị:
Đối với SVB, khi phát hiện mới xịt thuốc trị thì không kết quả vì ấu trùng đã lớn thành sâu nằm kín trong lớp kiếng và lá thì quấn lại nên khó trừ. Xịt thuốc diệt được SVB lúc còn là trứng hoặc vừa nở thành ấu trùng. Tức là ta nên xịt ngừa sau khi tưới vườn từ 8 – 10 ngày với một trong các loại thuốc như: Sumialpha, Decis, Moni-tor v.v…với liều lượng chỉ dẩn trong toa. Cách 5 – 7 ngày sau, ta xịt hai lần.
4. Dịch hại của trái quýt
Cây quýt mang trái từ lúc hình thành đến lúc chín hao hớt không biết bao nhiêu. Sau thời gian trái rụng lúc còn nhỏ, đến trái da lươn lại gặp những dịch hại đục phá cho tới khi bẻ bán. Những dịch hại như bọ xít, bướm, ong, chuột, dơi v.v…
a. Bọ xít xanh, bọ xít vàng:
Loại này đeo bám vào trái quýt suốt ngày đêm và hút chất dinh dưỡng của trái làm cho trái quýt đỏ và rụng. Chúng rất khó trừ, vì gặp thuốc thì bay đi, hết thuốc thì đậu lại. Tuy nhiên ta cũng có thể xịt ngừa bằng Trebon hoặc Monitor 1 tuần/lần hoặc lấy bông gòn thấm thuốc nhét vào ống tre treo những nơi quýt sai chùm để cho chúng tránh xa trong thời gian quýt chín.
b. Ong bướm:
Hai loại này phá hại quýt cùng một lúc là dùng kim chích vào trái để hút nước làm cho trái quýt chảy nước và thối từng quầng rồi rụng. Ong thì phá hại ban ngày, còn bướm thì phá ban đêm.
– Ong rất khó trị và cũng có thể dùng cách trị bọ xít để trị luôn cả ong.
– Còn bướm ta có thể dùng đèn và vợt roi bắt hằng đêm hoặc treo chuối ta vừa cầm tay để nhử chúng đến ăn và chụp bắt.
c. Chuột dơi:
– Loại địch hại này tuy phá hại không nhiều nhưng cũng rất khó chịu và rất khó trừ. Chúng là những “tay” thường ăn trái ngon hơn cả. Những trái quýt trên đọt cây chín trước, to và ngọt là những mục tiêu cho chúng.
– Chuột thì có thể trừ được. Ta làm rập, bẫy gài trên những cây quýt có dấu hiệu chuột phá lần lượt bắt hết. Còn những chú dơi thì có thể dùng lưới giăng bắt dể hạn chế phần nào.
Tóm lại, những địch hại của quýt kể ra cũng nhiều loại, phá hại làm thất thu vườn cây trái. Chúng ta phải học tập kinh nghiệm và tìm hiểu về kỹ thuật canh tác để hạn chế những thiệt hại. Tuy nhiên không thể tránh được những thất thoát. Và đó là điều ta phải cố gắng để khắc phục.
Nguồn:sưu tầm