Thái Nguyên: Hướng đi đúng từ phát triển trang trại chăn nuôi

Các mô hình trang trại chăn nuôi gà, lợn đang phát triển mạnh trên địa bàn Đồng Hỷ. Trong đó chủ yếu là chăn nuôi gia công với hình thức hợp tác với các công ty chăn nuôi lớn… Mô hình sản xuất theo hướng liên kết công – nông này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Theo mô hình liên kết chăn nuôi, các công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Người chăn nuôi đầu tư chuồng trại và công chăm sóc theo đúng hướng dẫn. Sau thời gian quy định, công ty đến nhập lại gà thành phẩm và người chăn nuôi được hưởng lãi theo sản phẩm, được thưởng thêm nếu chăn nuôi tốt. Theo thiết kế của các công ty, trang trại chăn nuôi gà, lợn này đều được xây dựng khoa học, thuận lợi cho việc chăn nuôi. Cụ thể, các trại đều được xây dựng kiên cố ở nơi cao ráo, cách xa nhà ở, khu dân cư. Xung quanh chuồng trại đều dùng lưới sắt, hoặc song sắt để có thể thoáng gió vào mùa hè mà vẫn giữ ấm, tránh gió lùa vào mùa đông khi phủ bạt kín. Ngoài ra, trang trại thường có hệ thống làm mát bằng giàn bơm phun sương và hệ thống bóng điện sưởi ấm, cuối trại có gắn quạt lớn để thông gió trong chuồng nuôi.

Thái Nguyên: Hướng đi đúng từ phát triển trang trại chăn nuôi - channuoi02 1

Trang trại nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu, ở xóm Na Lay, xã Quang Sơn cho thu nhập trên 700 triệu đồng mỗi năm.

Chính thiết kế và quy trình chăn nuôi khoa học này đã và đang giúp các hộ chăn nuôi đứng vững trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh. Trang trại của gia đình anh Nguyễn Xuân Luyện, ở xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập là một ví dụ. Sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 2014, anh Luyện đã mạnh dạn đầu tư số tiền 1,6 tỷ đồng để xây dựng một trang trại nuôi lợn công nghiệp theo hướng gia công trên diện tích gần 1 ha. Với quy mô trên 1.000 con lợn thịt/lứa. Sau một năm, trang trại của anh đã hoạt động ổn định, bảo đảm việc làm cho 4 nhân công lao động thường xuyên. Năm 2015, gia đình anh đã xuất được 2 lứa lợn và thu lãi khoảng 250 triệu đồng/lứa. Anh Luyện cho biết: Trước kia, gia đình tôi đã chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức gia trại. Nhưng tôi thấy không hiệu quả do thị trường bấp bênh, giá cả không đảm bảo, lợn dễ bị dịch bệnh. Nay nuôi theo hình thức này, tôi yên tâm vì được đảm bảo đầu ra, giá cả đều ổn định theo hợp đồng, chuồng nuôi khoa học, kỹ sư của công ty giám sát, giúp đỡ mình thường xuyên, nên gần như không có dịch bệnh.

Tương tự như vậy, anh Nguyễn Trung Hiếu, ở xóm Na Lay, xã Quang Sơn trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi với mức thu nhập ổn định nhờ phát triển trang trại chăn nuôi gà gia công. Hiện anh Hiếu đang làm chủ 2 trang trại gà tại xóm Na Oai và xóm Na Lay có tổng diện tích gần 3 ha, quy mô nuôi mỗi năm gần 25.000 con gà hậu bị và 14.000 gà siêu trứng, mỗi năm cho thu nhập trên 700 triệu đồng. Vào những ngày mùa đông này, trang trại của gia đình anh vẫn đảm bảo an toàn đối với đàn gà nuôi trong chuồng. Anh Hiếu cho biết, biện pháp chống rét hiệu quả nhất cho gà là xung quanh chuồng nuôi phải được che kín tránh gió lùa, và trong chuồng dùng hệ thống tăng nhiệt bằng bóng điện để sưởi. Thiết kế trang trại theo yêu cầu của Công ty CP mà chúng tôi hợp tác, rất dễ để đảm bảo nhiệt độ thoáng mát về mùa hè, kín gió, ấm áp về mùa đông… Ngoài ra, các kỹ sư của Công ty cũng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong giám sát dịch bệnh ở đàn gà…

Không chỉ riêng gia đình anh Luyện, anh Hiếu, nhận thấy hiệu quả của mô hình chăn nuôi này, nhiều người dân địa phương cũng đã “bắt nhịp” với xu hướng chăn nuôi công nghiệp để phát triển kinh tế. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Ngọc Lân, xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, chăn nuôi lợn thịt quy mô 4 nghìn con/lứa; Quách Văn Đông, ở xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập, trang trại nuôi gà quy mô 12 nghìn con/lứa, mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Phòng NN& PTNT cho biết: Các trang trại chăn nuôi đang phát triển mạnh và khá ổn định ở các xã, thị trấn trên địa bàn Đồng Hỷ. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có 85 trang trại hoạt động thường xuyên, mỗi trại có vốn đầu tư từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho trên 400 lao động địa phương. Các trang trại này chăn nuôi theo hình thức công nghiệp quy mô lớn, cụ thể: Trang trại chăn nuôi gà hậu bị (quy mô 4.000 – 8.000 con/lứa), gà đẻ thương phẩm (quy mô 12.000 – 14.000 con/lứa), gà thịt (4.000 – 8.000 con/lứa), chăn nuôi lợn nái ngoại (60 – 1.200 nái/lứa), lợn thịt (1.000 – 4.000 con/lứa)… Từ đó, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung ở một số xã thị trấn như: Minh Lập, Nam Hòa, Linh Sơn, Hóa Trung và Sông Cầu.

Để đảm bảo cho phát triển chăn nuôi của bà con, Phòng NN&PTNT Đồng Hỷ đã quy hoạch các vùng chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung, định hướng phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện cũng đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại 18 xã, thị trấn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới với tổng diện tích quy hoạch cho các khu chăn nuôi trên địa bàn là 500 ha. Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 36,45% cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp năm 2015, tăng 3,66% so với năm 2011. Bên cạnh đó, phòng cũng thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm dịch, tiêu độc khử trùng; phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại nhằm động viên, khuyến khích người dân yên tâm phát triển sản xuất…

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Thảo luận cho bài: Thái Nguyên: Hướng đi đúng từ phát triển trang trại chăn nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *