Thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt đảm bảo chất lượng Cá Ngừ đại dương

Thiết bị gây tê hỗ trợ việc đánh bắt cá ngừ đại dương đảm bảo được năng suất chất lượng cá đánh bắt tươi và có thể xuất khẩu.

Với mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng khai thác cá ngừ đại dương để xuất khẩu, kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên Khoa Điện – Điện tử cùng TS Bùi Ngọc Dịnh, Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế thuộc Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, đã chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương, được áp dụng rộng rãi trên các tàu đánh bắt ở Phú Yên từ năm 2014 đến nay.

Thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt đảm bảo chất lượng Cá Ngừ đại dương - thiet bi gay te ho tro danh bat ca ngu dai duong dam bao nang suat chat luong 1 1

Thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt đảm bảo năng suất chất lượng cá ngừ đại dương nên được ngư dân Phú Yên áp dụng rộng rãi

Kỹ sư Phạm Duy Phượng cho biết: Ý tưởng về sáng kiến này bắt nguồn từ chuyến đi tham quan thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Bộ thiết bị gồm máy thu câu MSW-1DR 130 và máy tạo xung Tuna Shocker do Nhật Bản sản xuất khá hiện đại, hiệu quả cao nhưng máy này thao tác sử dụng khá phức tạp, ít phù hợp với mặt bằng trình độ ngư dân và điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị trên tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân.

Từ thực tế này, kỹ sư Phạm Duy Phượng đã trăn trở tìm ý tưởng và bàn với TS Bùi Ngọc Dịnh tiến hành nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công bộ thiết bị gây tê đánh bắt cá ngừ đại dương. Bộ thiết bị gồm bộ biến đổi điện từ 24V-DC thành 100V-AC, bộ tạo xung, hộp cung ứng điện, công tắc điều khiển, hệ thống đèn và chuông báo, hệ thống dây dẫn và thiết bị tiếp cận cá.

Khi cá mắc câu được kéo lên gần thuyền khoảng 25-35m, vòng xung điện được đưa xuống theo dây câu và khi vòng xung điện chạm vào mỏm đầu cá, ngư dân lập tức bấm nút công tắc điện, giữ trong khoảng 3-5 giây đến lúc cá bị ngất thì ngắt nguồn điện. Kết quả, cá được “ru ngủ” ngay dưới nước và được bắt lên rất nhẹ nhàng. Sản phẩm này góp phần làm tăng năng suất đánh bắt, giảm thiểu số lượng cá bị thất thoát sau khi mắc câu, giảm được thời gian của một chuyến đi khơi…

“Đến nay, tôi đã cung cấp cho ngư dân trên 30 bộ thiết bị, trong đó có 8 bộ là cho mượn để bà con đi đánh bắt. Giá một bộ thiết bị là 25 triệu đồng, trong khi bộ kích điện tương tự của Nhật Bản có giá hơn 85 triệu đồng. Giải pháp “Nghiên cứu chế tạo thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương” đã đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VI năm 2014-2015. Hiện nay, tôi đang làm thủ tục đăng ký bản quyền cho sáng chế này”, kỹ sư Phượng nói.

Thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt đảm bảo chất lượng Cá Ngừ đại dương - thiet bi gay te ho tro danh bat ca ngu dai duong dam bao nang suat chat luong 2

Kỹ sư Phạm Duy Phượng – người sáng tạo ra thiết bị gây tê cá ngừ đại dương giúp nâng cao năng suất đánh bắt, đảm bảo chất lượng cá xuất khẩu

Ngư dân Lê Tấn Hồng là người thực nghiệm đầu tiên bộ thiết bị gây tê do kỹ sư Phạm Duy Phượng chế tạo, cho hay: “Chuyến biển thử nghiệm thiết bị gây tê cá ngừ chỉ mất 11 ngày, cả đi và về trong điều kiện sóng to gió lớn, nhưng tôi câu được 5 con cá ngừ đại dương với trọng lượng 340kg, chưa kể một số loại cá khác. Ngoài ra, sử dụng kèm thiết bị gây tê làm cho cá đánh bắt được không có tình trạng xô xương (cá bị hư thịt ở phần thịt gần xương) như lâu nay vẫn đánh bắt”.

Ông Hồng cho biết thêm, tất cả số cá câu được đều đạt chất lượng hàng cá tươi sống, xuất khẩu và được Công ty cổ phần Bá Hải mua với giá 190.000 đồng/kg. Trong khi cá ngừ do các ngư dân khác câu được cùng thời điểm bán chỉ 115.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ngư dân Huỳnh Đức Tâm, thuyền viên tàu cá PY 90612 TS nói: “Bình thường, chuyến biển cần đến 9 thuyền viên, vì mỗi lần đưa cá lên phải tốn đến 4 người, nhưng nếu không cẩn thận thì có thể cá bị rơi xuống biển trở lại. Trong khi sử dụng thiết bị gây tê, chỉ cần 2 người là đã đưa cá lên tàu rất dễ dàng. Thiết bị này không hề bị giật, rất an toàn”.

Thực tế, với cách thực hiện câu cá ngừ đại dương có thiết bị hỗ trợ gây tê của kỹ sư Phạm Duy Phượng đã mang lại chất lượng sản phẩm cá tươi ngon hơn và còn giữ lại được nhiều hàm lượng chất trong thịt cá hơn cách câu cá thông thường mà không hề đắt đỏ.

Các ngư dân đánh giá, thiết bị này đã giúp ngư dân giảm bớt công lao động, bảo đảm an toàn cho các thuyền viên; năng suất đánh bắt tăng rõ rệt và chất lượng cá ngừ đại dương sau khi câu cũng được cải thiện rất nhiều so với trước. Với thiết bị gây tê của kỹ sư Phạm Duy Phượng, mỗi chuyến biển của ngư dân hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt đảm bảo chất lượng Cá Ngừ đại dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *